Bà Trương Mỹ Lan đề nghị được giữ lại biệt thự cổ 700 tỷ đồng

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đồng ý bán nhiều bất động sản của gia đình để khắc phục hậu qủa, song đề nghị tòa không kê biên biệt thự cổ trị giá 700 tỷ đồng "để bảo tồn".

Ngày 15/3, TAND TP HCM tiếp tục thẩm vấn bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan để giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án.

HĐXX thông báo đã xác định được một số bất động sản, tài sản có giá trị lớn do bà Lan và gia đình đưa vào giải quyết hậu quả của vụ án, trong đó có căn biệt thự cổ diện tích gần 3.000 m2 tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3.

Bà Lan cho biết, trước đây mua căn biệt thự ở trung tâm Sài Gòn với giá 700 tỷ đồng, song đây là biệt thự cổ để bảo tồn nên đề nghị HĐXX không kê biên vì "không mua bán được, mà phải bảo tồn". "Xin trả lại cho con tôi và gia đình để cháu nó sữa chữa, bảo tồn di tích cho Việt Nam", bà Lan nói.

Biệt thự cổ tại vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn, 3 mặt quay ra các đường Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Diệu, được bà Lan mua lại nhiều năm trước với giá 700 tỷ đồng. (Ảnh: Sơn Hoà).

Trong phiên tòa trước đó, bà Lan từng đề cập đến tòa nhà Capital Place tại Hà Nội, giá trị khoảng một tỷ USD và con gái đang rao bán để nộp tiền khắc phục vụ án. Chủ tọa cho biết đã nhận được văn bản của con gái bị cáo là Chu Diệp Phấn, trình bày đang có người trả 360 triệu USD chứ không phải một tỷ USD. Và tòa nhà này đang thế chấp vay của 4 ngân hàng nước ngoài số tiền 230 triệu USD, nên sau khi bán sẽ trả nợ các ngân hàng, số tiền còn lại dùng để khắc phục hậu quả trong vụ án.

Bà Lan trình bày: "Đã có người trả giá tòa nhà 400-500 triệu USD...". Chủ tọa cắt lời: "Ai trả số tiền này, bị cáo đưa thông tin đây, HĐXX sẽ tạo điều kiện cho bị cáo chứ không phải cứ nói vậy là xong".

Đối với khách sạn Daewoo Hà Nội, bà Lan cho biết đây là tài sản của Công ty cổ phần Bông Sen, gia đình bị cáo có 73% cổ phần. Con bà cũng đề nghị bán khách sạn này để lấy tiền khắc phục.

Cũng trong đơn gửi tòa, con gái bà Lan đề cập một công ty bảo hiểm có đối tác mua lại cổ phần của bà Lan với giá 40 triệu USD - tương đương 920 tỷ đồng. Sau khi bán, gia đình sẽ đưa tiền này vào khắc phục hậu quả.

Đối với tập đoàn nhà máy sản xuất vacine trước đây bà Lan đầu tư 315 tỷ đồng, con gái bà nói sẽ chuyển nhượng toàn bộ cho một đối tác với giá bằng giá trị đầu tư ban đầu để thu hồi tiền.

Sau phần thẩm vấn bà Lan, HĐXX hỏi đại diện ủy quyền của Công ty Gia Tuệ, Lâm Đồng. Đại diện công ty này cho biết, trước đây có giao kết chuyển nhượng 2 dự án ở Hồ Tuyền Lâm cho một công ty của Vạn Thịnh Phát, với giá 960 tỷ đồng. Thời điểm đó, phía công ty của Vạn Thịnh Phát mới trả 672 tỷ đồng. Nay, Công ty Gia Tuệ đề nghị tòa xem xét hủy hợp đồng, hoàn trả lại số tiền nói trên cho phía bà Lan - tương đương với 6 bất động sản đã được kê biên.

Tòa nhà Capital Place số 29 Liễu Giai, Hà Nội. (Ảnh: Capital Place).

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022) đã sử dụng SCB như công cụ tài chính, đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nêu quan điểm trong phiên tòa chiều 14/3, đại diện SCB không đồng ý với số tiền thiệt hại của vụ án như các cơ quan tố tụng xác định ở trên. SCB yêu cầu và Lan và đồng phạm bồi thường cho ngân hàng tổng số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3 (xử sơ thẩm) là hơn 760.000 tỷ đồng (hơn 482.000 nợ gốc, 277.830 tỷ đồng lãi) và lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.

Ngoài ra, SCB cũng đề nghị 6 nội dung khác, trong đó có việc được toàn quyền quản lý sử dụng các tài sản là vật chứng trong vụ án, 1.166 mã tài sản bà Lan và nhóm Vạn Thịnh Phát đang thế chấp tại SCB cho các khoản vay để đảm bảo cho việc xử lý nợ. Trong trường hợp không tự thỏa thuận được với người liên quan thì sẽ yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ...

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.