Chiều 13/3, luật sư bào chữa cho các cựu lãnh đạo SCB tiếp tục với phần xét hỏi để làm rõ các sai phạm, thiệt hại và các tài sản đảm bảo cho các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan tại SCB.
Theo cáo buộc, trong số 1.284 khoản vay của nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát được đảm bảo bằng 1.116 mã tài sản, còn dư nợ đến tháng 10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án) là 677.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo bà Lan bị chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng lãi.
Để thực hiện báo cáo rà soát khi SCB bị kiểm soát đặc biệt, ngày 3/1/2023 (sau khi khởi tố vụ án) SCB đã thuê Công ty Hoàng Quân định giá tài sản ngân hàng tại thời điểm ngày 30/9/2022. Trên cơ sở kết quả định giá của công ty này và kết quả định giá lại của SCB, cơ quan tố tụng làm căn cứ xác định thiệt hại của vụ án và số tiền bà Lan chiếm đoạt.
Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng ý với các kết quả thẩm định giá "quá thấp" trên, khi luật sư Lê Hồng Nguyên (bào chữa cho Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB) đề cập. Theo đó, trong vụ án, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân (được chọn thẩm định giá tài sản trong vụ án) mới định giá 726/1.116 mã tài sản thế chấp cho các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát tại SCB. Số còn lại Công ty Hoàng Quân không định giá vì lý do các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản...
Về việc này, bà Lan nói: "Kính đề nghị HĐXX cho xem xét định giá lại toàn bộ tài sản trong vụ án, vì giá trị tài sản theo thị trường lúc này lúc kia. Các tài sản lúc đưa vào SCB để thế chấp đều đã được một số công ty định giá".
Đối với hơn 400 tài sản chưa định giá SCB đang giữ, bà Lan cho biết cũng từng có nhiều ý kiến với các cơ quan tố tụng về việc những tài sản nào chưa được định giá thì cần phải định giá để tính toán lại thiệt hại trong vụ án.
Theo bị cáo, hầu hết nhóm tài sản này là chưa có giấy tờ pháp lý đầy đủ, quyền đối với tài sản hoặc đang trong quá trình hoàn thiện dở dang. Có một số tài sản do các ngân hàng cũ (trước hợp nhất) để lại đang thiếu một số giấy tờ, SCB đã cố gắng hoàn thiện. Một số tài sản mới sau này bổ sung tòa cũng cần xem xét lại.
"Nếu để tôi kết hợp với anh em tại SCB cùng xử lý những tài sản này thì sẽ thu hồi được nợ", bà Lan nói, đồng thời dẫn chứng riêng Dự án Mũi Đèn Đỏ tiền bồi thường cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng mà Công ty Hoàng Quân định giá có 17.000 tỷ là quá thấp, nên đề nghị HĐXX xem xét định giá lại.
"Ở dự án này tôi cam kết sẽ mang lại giá trị 300.000 tỷ đồng trong vòng hai năm, nhưng tôi bị bắt rồi làm sao tiếp tục tạo ra giá trị cho các tài sản này được", bà Lan trình bày, cho biết "sẵn sàng ủy quyền cổ phần của mình cho SCB để đảm bảo việc xử lý hậu quả vụ án".
Trước đó, trả lời xét hỏi của các luật sư một số bị cáo như: Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB... cũng cho rằng việc định giá các tài sản trong vụ án để xác định thiệt hại "chưa hợp lý".
Theo bị cáo Dung, lúc đền bù Dự án Mũi Đèn Đỏ theo giá thị trường đã có giá trị khoảng 70.000 tỷ đồng, đó là giá trị thực tế, chưa tính các thủ tục pháp lý.
Trong khi đó, bà Lan bị cáo buộc đã dùng nhiều loại tài sản khác nhau như nhà đất, dự án để thế chấp vay tiền SCB. Các tài sản này đều được nâng khống giá trị lên gấp nhiều lần nhằm mục đích rút được số tiền lớn.
Điển hình của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị thực là các khoản vay liên quan tài sản bảo đảm ở dự án Mũi Đèn Đỏ. Để vay được 137 khoản vay với tổng số 107.000 tỷ đồng, nhóm bà Lan đã dùng tài sản đảm bảo trên sổ sách là 584.400 tỷ đồng. Thế nhưng thực tế các tài sản này chỉ được định giá khoảng 22.000 tỷ đồng, bằng khoảng 3,7% giá trị bị nâng khống trong sổ sách.
Không chỉ rút tiền của SCB, bà Lan còn chỉ đạo "rút ruột" của SCB bằng việc hoán đổi sau đó rút các tài sản đảm bảo có giá trị pháp lý ra khỏi ngân hàng. Các tài sản rút ra để phục vụ bà Lan sử dụng cho mục đích cá nhân.
Theo cơ quan điều tra, trong 1.284 khoản vay của nhóm bà Lan có 240 tài sản bảo đảm cho 430 khoản vay đã bị hoán đổi. Trong đó có những khoản vay bị hoán đổi tài sản đến 12 lần.
Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trên sổ sách là 487.000 tỷ đồng nhưng sau khi bị hoán đổi chỉ còn giá trị 351.000 tỷ. Tuy nhiên, tại thời điểm khởi tố vụ án, công ty thẩm định giá độc lập xác định các tài sản đảm bảo chỉ có tổng giá trị 108.000 tỷ đồng, nghĩa là thấp hơn nhiều lần so với con số trên sổ sách ở SCB.
Không những hoán đổi, bà Lan còn chỉ đạo xuất hẳn 67 tài sản có giá trị lớn ra khỏi hệ thống SCB. Một phần số đó được chuyển sang cho nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu như tòa nhà Sherwood Resident, tòa nhà 66 Phó Đức Chính. Cảnh sát xác định nhiều tài sản lớn đã được chuyển nhượng cho bên khác hoặc chuyển sở hữu nước ngoài nên không thể kê biên.
Chủ đầu tư 14:05 | 18/11/2024
Chủ đầu tư 07:40 | 17/11/2024
Chủ đầu tư 15:17 | 15/11/2024
Chủ đầu tư 13:58 | 12/11/2024
Chủ đầu tư 07:29 | 09/11/2024
Chủ đầu tư 07:17 | 08/11/2024
Chủ đầu tư 15:29 | 07/11/2024
Chủ đầu tư 06:50 | 06/11/2024