Bà Trương Mỹ Lan khóc, nhiều lần xin lỗi khi nói lời sau cùng

Trong gần một giờ nói lời sau cùng, bà Lan nhiều lần khóc, nhìn nhận trách nhiệm với hậu quả xảy ra tại SCB, song vẫn cho rằng không tham ô tài sản, xin tòa xem xét.

Chiều 3/4, sau gần một tháng làm việc, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo kết thúc phần tranh luận. Các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Là người đầu tiên trình bày, bà Lan cảm ơn các cơ quan công an, cơ sở giam giữ, trại tạm giam, đã tạo điều kiện chăm sóc tinh thần, sức khỏe cho bà đến khi ra tòa; cảm ơn chủ tọa đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, cho bà được trình bày mọi vấn đề. "Tôi tin đây là phiên tòa thượng tôn pháp luật, định đoạt số phận pháp lý cuối cùng đối với tôi trong vụ án", bà Lan nói và xin được nêu một số suy nghĩ, nhận thức, trình bày về nguyện vọng của bản thân.

Bà Lan cho biết, sau mỗi ngày kết thúc phiên tòa trở về trại giam, bà luôn day dứt với câu hỏi "tại sao bản thân và gia đình lại lâm vào hoàn cảnh bị đát thế này?". Từ ngày bị bắt cho đến giờ, bà nhiều lúc tuyệt vọng và cảm thấy đau xót về những biến cố xảy ra đối với gia đình khiến chồng, cháu cũng bị bắt.

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nhiều lần bày tỏ bản thân và gia tộc đã trải qua thời gian khắc nghiệt của thương trường để phát triển nhiều loại hình kinh doanh "với mong muốn đóng góp cho thành phố và đất nước". Chồng bà là thương nhân Hong Kong với nền tảng gia đình vững chắc và luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai, bà xin HĐXX xem xét.

"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và nhận ra, có lẽ do tôi tham gia ngân hàng trong khi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về lĩnh vực này. Vì thiếu hiểu biết pháp luật, không lường trước được việc bị cuốn vào vòng xoáy tái cơ cấu SCB mà làm sai. Vì tôi tin và hy vọng vào việc tái cơ cấu thành công, mà gia đình đã đưa hết tài sản vào đảm bảo khoản vay tái cơ cấu", bà Lan khóc.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Trần Quỳnh).

Nhắc đến nhận định của VKS trước đó, bà Lan một lần nữa nói "đau xót" khi bị dùng từ ngữ "nặng nề" như: chủ mưu, cầm đầu, nắm quyền lực tuyệt đối, thực hiện hành vi phạm tội tinh vi xảo quyệt.

"Tôi tha thiết mong HĐXX xem xét lại tội danh và cung cấp bằng chứng về tội Tham ô tài sảnĐưa hối lộ đối với tôi", bị cáo nói, đồng thời đề nghị tòa xem xét việc một loạt doanh nghiệp đang vay tại SCB có dư nợ khoảng 300.000 tỷ đồng được xác định nằm trong 1.284 khoản vay của Vạn Thịnh Phát là không liên quan đến bà; việc VKS nói chỉ có 60/1.169 tài sản đang bị kê biên là được hình thành trước năm 2012 là chưa chính xác.

Tiếp đó, bà Lan nói luôn nhận thức đầy đủ mức độ ảnh hưởng, chi phối đối với ban điều hành SCB. "Không phải đến khi nói lời sau cùng tôi mới nói. Tôi luôn nghiêm túc nhận thức, chịu trách nhiệm cùng một số bị cáo là cựu cán bộ SCB, nhân viên Vạn Thịnh Phát về hành vi vi phạm quy định về ngân hàng. Tôi kính xin HĐXX khi đánh giá hành vi không coi tôi như là tội đồ, chủ mưu, nguyên nhân chính gây ra hậu quả của SCB hiện nay", bà Lan nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng xin tòa đánh giá các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến việc tái cơ cấu SCB không thành; ghi nhận sự nỗ lực của bà cùng toàn thể các bị cáo khác đã đưa SCB thành ngân hàng có tổng giá trị tài sản lớn nhất, chỉ sau 4 ngân hàng có vốn nhà nước.

Bà Lan gửi lời xin lỗi tới Chính phủ, cơ quan chức năng các cấp vì không thực hiện được lời hứa của mình suốt 11 năm tham gia tái cơ cấu SCB. "Bị cáo rất hối hận khi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng mới dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay...", bà Lan nói, xin tòa ghi nhận đóng góp của gia đình; vợ chồng bà đều được tặng huân chương lao động của Chủ tịch nước...

"Trước kia gia tộc tôi luôn sum vầy, giờ tan nát mỗi người một ngả, không biết có ngày được cùng nhau ăn bữa cơm không. Sau mỗi phiên tòa, trên chiếc xe tù, tôi chỉ nhìn thấy cánh tay của người thân vẫy bên đường, hoặc nhìn qua màn hình mà tan nát cả cõi lòng", bà Lan khóc.

Sau một lúc lặng người, bà Lan tiếp tục giãy bày: "Tôi vẫn luôn được mọi người coi là người vững vàng, nghị lực, nhưng tôi cũng là phận đàn bà, có những nỗi đau không thể nói được thành lời của một người vợ, người mẹ khi hạnh phúc đã tuột ra khỏi vòng tay".

Bà Lan khẳng định, mặc dù đối diện với các quy buộc "loại bỏ vĩnh viễn tôi ra khỏi đời sống xã hội", nhưng từ nhận thức đến hành động, bà và gia đình vẫn kiên trì, cố gắng đưa toàn bộ tài sản nằm ngoài danh mục kê biên vào để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, đã có các dòng tiền do một số cá nhân và pháp nhân hoàn trả cho gia đình, bà xin ghi nhận sự thiện nguyện ân tình này.

Cuối cùng, bà Lan xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho chồng, cháu và một số bị cáo khác để họ sớm quay lại tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội.

Là người nói lời sau cùng tiếp theo, bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch HĐQT SCB, cho biết đã rất ăn năn hối cải về những việc đã làm. "Bị cáo nay đã 63 tuổi, còn mẹ già hơn 80 tuổi. Với mức đề nghị tù chung thân của VKS thì bị cáo không có ngày được gặp mẹ rồi", ông Dũng nói, xin tòa tuyên mức án khoan hồng.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần nói lời sau cùng của các bị cáo còn lại.

Bị cáo Bùi Anh Dũng tại toà. (Ảnh: Hoàng Hùng).

Bà Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như "công cụ tài chính" huy động tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Trong 10 năm (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Hôm 19/3, VKS xác định bà Lan là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản Đưa hối lộ.

Bào chữa cho bà Lan trong những ngày qua, 5 luật sư cho rằng thân chủ không phạm tội Tham ô tài sản, số tiền thiệt hại không nhiều như cáo buộc, đề nghị định giá lại tài sản đang kê biên... Tuy nhiên, đại diện VKS đã bác toàn bộ nội dung bào chữa, giữ nguyên quan điểm truy tố.

chọn