Bắc Vân Phong dừng qui hoạch thành đặc khu kinh tế, bất động sản Vân Đồn, Phú Quốc sẽ ra sao?

Thông tin Bắc Vân Phong vừa chính thức tạm dừng qui hoạch thành đặc khu kinh tế khiến không ít nhà đầu tư lo lắng. Kịch bản cho Phú Quốc và Vân Đồn trong thời gian tới sẽ ra sao?
Bắc Vân Phong dừng lên đặc khu, kịch bản nào cho Phú Quốc và Vân Đồn? - Ảnh 1.

Một góc Vịnh Vân Phong Khánh Hòa. (Ảnh: Khải An)

Sau khi xem xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và ý kiến của các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tạm dừng triển khai lập qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) được Quốc hội thông qua.

Thực tế, sau hơn 2 năm trì hoãn, Dự án Luật đặc khu vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Đến nay, chỉ còn Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) nằm trong định hướng qui hoạch để phát triển thành đặc khu kinh tế.

Trước thông tin không mấy tích cực tại Bắc Vân Phong, không ít nhà đầu tư tỏ ra hụt hẫng, thậm chí là lo lắng về một kịch bản "xì hơi" của giá đất bởi thời gian qua giá BĐS tại khu vực này đã bị đẩy lên khá cao.

Còn tại Vân Đồn và Phú Quốc, giá đất tại khu vực này hiện đang bị chững lại. Nguyên nhân theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, đơn giản vì qui luật kinh tế, bất kì hàng hóa nào nếu tăng giá nhanh quá thì sẽ có lúc phải đứng và rớt lại. Đất đai tại hai địa phương này cũng không phải là ngoại lệ.

Năm 2018, thị trường bất động sản Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong từng chứng kiến những lần “nổi sóng” đến “đóng băng” trước tin đồn lên đặc khu kinh tế. Đất đai cũng theo các cơn sốt mà tăng giá chóng mặt. Tuy nhiên, khi các cơn sốt đất đi qua, nhiều hệ lụy còn ở lại cho đến nay.

Trước câu hỏi "đất Phú Quốc, Vân đồn liệu có khả năng tăng giá tiếp trong thời gian tới?", vị chuyên gia này cho rằng, giá sẽ có khả năng tăng theo 3 động lực. 

Thứ nhất, Nhà nước chủ trương đầu tư làm hạ tầng "khủng" cho khu vực này vượt trội hơn các vùng khác.

Trong kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế, Vân Đồn và Phú Quốc được qui hoạch đầu tư hạ tầng quá khủng. Nếu Chính phủ làm đúng kế hoạch thì giá trị đất đai sẽ tự tăng, nhất là Vân Đồn.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc đầu tư hạ tầng khủng sẽ chưa thể xảy ra. Bởi hiện nay, nguồn tiền của Nhà nước có hạn. "Trong nhiệm kì tới, Chính phủ có thể sẽ ưu tiên làm hạ tầng phục vụ kinh tế trọng điểm, chứ không phục vụ tăng giá đất', vị này nói.

Theo ông Hiển, đầu tư hạ tầng mạnh vào Phú Quốc thì chỉ phục vụ việc tăng giá đất là chính. Còn với Vân Đồn, có thể là mối nguy khi vô tình "dọn ổ" cho nhà đầu tư Trung Quốc qua lấy đất xây dựng công ty, kho vận,... dẫn đến nhiều hệ lụy khác.

Thứ hai, chuyển lên Đặc khu với nhiều ưu đãi. Theo TS. Đinh Thế Hiển, "điều này sẽ khó xảy ra". 

Ông Hiển phân tích, trước đây, mô hình Đặc khu, Khu kinh tế mở, Khu chế xuất vốn là điểm nhấn tạo nên thành công của Trung Quốc thập niên 1980. Nhưng cuối cùng nó tạo ra 2 cơ chế kinh tế - quản lí trong một quốc gia đã trở lên lạc hậu.

Việt Nam hiện nay đã hội nhập toàn diện, Việt Nam không thể đứng lại để chờ 2, 3 vùng đặc khu hội nhập sâu hơn. Lí thuyết này nếu áp dụng sẽ làm Việt Nam đi lùi.

Thứ ba, người nước ngoài kéo nhau đổ tiền mua đất làm công ty, khu đô thị. Theo vị chuyên gia này, người nước ngoài dám bỏ tiền mua đất giá cao ở các vùng này chỉ có thể là người Trung Quốc. Điều này có thể xảy ra vì người Trung Quốc đã bị hạn chế mua tài sản ở Úc, Newzeland,... Do vậy, rất có thể họ sẽ mua đất ở Phú Quốc và Vân Đồn.

"Hi vọng lớn nhất của những người đang ôm nhiều đất ở Phú Quốc và Vân Đồn là điều này", TS. Đinh Thế Hiển cho hay.

Cuối cùng, vị chuyên gia kết luận rằng, tiềm năng của Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong vẫn còn lớn trong dài hạn vì đó là những vùng đất đẹp, nhưng khả năng tăng giá trong ngắn hạn là rất khó.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.