Bán đảo Triều Tiên liệu đang đứng bên bờ vực chiến tranh?

Giới chuyên gia nhận định căng thẳng Mỹ-Triều Tiên có thể tăng cao hơn nếu hai nước kiên quyết giữ lập trường cứng rắn, đồng thời những tính toán sai lầm có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra xung đột bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên.
ban dao trieu tien lieu dang dung ben bo vuc chien tranh
Tàu sân bay USS Carl Vinson được điều đến đến phía tây Thái Bình Dương, gần bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Mỹ và Triều Tiên những ngày qua liên tiếp “nắn gân” nhau bằng hàng loạt tuyên bố cứng rắn. Washington tuyên bố có thể tung đòn tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu chắc chắn việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 6, trong khi Bình Nhưỡng dọa "đáp trả tàn nhẫn" nếu bị Washington tấn công.

Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson hiện có mặt ở bán đảo Triều Tiên sau khi được điều tới đây hồi đầu tuần. Bình Nhưỡng gọi đây là “hành động khiêu khích” có thể dẫn tới “hậu quả thảm khốc”.

Washington cũng đã bố trí hai tàu khu trục có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào khu vực. Một trong số chúng chỉ cách nơi Triều Tiên bị nghi thử nghiệm hạt nhân khoảng 500km. Các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ hiện cũng ở Guam để tấn công Triều Tiên trong trường hợp cần thiết.

Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị thử hạt nhân lần 6 hoặc tên lửa nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà lập quốc Kim Nhật Thành 15/4. Theo các nguồn tin Mỹ giấu tên, Bình Nhưỡng "dường như đã đặt một thiết bị hạt nhân vào đường hầm và sẽ kích nổ nó vào sáng 15/4 theo giờ địa phương".

Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên dâng cao dẫn tới nhiều đồn đoán cho rằng một cuộc chiến có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Dĩ nhiên Mỹ-Triều Tiên hoặc Triều Tiên-Hàn Quốc có thể tấn công đối phương bất cứ lúc nào mà không cần báo trước. Tuy nhiên, việc tấn công một nước khác sẽ không bị quy là vi phạm điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nếu quốc gia đó chứng minh được rằng họ đang hành động tự vệ, theo Metro.

Triều Tiên liệu có chủ động tấn công?

ban dao trieu tien lieu dang dung ben bo vuc chien tranh
Một vụ thử tên lửa Scud của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Căng thẳng trong khu vực rõ ràng đang ở mức cao và các bên liên quan (Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc) đang theo dõi chặt chẽ tình hình tình báo quân sự dù chỉ với thông tin ít ỏi.

Tuy nhiên, nếu Triều Tiên, bằng cách nào đó, có thể bí mật tung “cú đấm” về phía đối phương, điều đó có thể gây thiệt hại đáng kể ban đầu, theo dự đoán của trang web chuyên về quân sự Mỹ We Are The Mighty.

Theo tướng Mỹ về hưu James Marks, trong trường hợp xung đột thực địa nổ ra, Bình Nhưỡng chỉ “ở trên cơ” đối thủ trong tối đa là 4 ngày.

Vì khu vực phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang được bảo vệ nghiêm ngặt nên một cuộc tấn công diễn ra ở đây là điều rất khó xảy ra. Thay vào đó, quân đội Triều Tiên có khả năng tấn công bằng pháo và tên lửa từ các vị trí trên sườn phía bắc và một ngọn núi dọc biên giới hai miền.

Dù tuyên bố các vụ thử tên lửa được thực hiện nhằm phục vụ chương trình không gian, giới quan sát tin rằng Triều Tiên đang phát triển một kho vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên được cho là có đầu đạn hạt nhân, nhưng không quá con số 10 và vào tháng 3 năm ngoái, lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố nước này đã phát triển một đầu đạn đủ nhỏ để phù hợp với tên lửa. Trong trường hợp một tên lửa được bắn, đối phương cũng rất khó để biết được chính xác khả năng phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Cách đây vài năm, NK News phân tích một bản đồ trong bức ảnh tuyên truyền của Triều Tiên cho thấy những thành phố của Mỹ như San Diego, Washington D.C, Hawaii và Austin nằm trong tầm ngắm của tên lửa Bình Nhưỡng.

Mỹ có tấn công hạt nhân Triều Tiên?

Tổng thống Mỹ Donald Trump có toàn quyền nhấn nút tấn công hạt nhân, nhưng liệu ông có cần thiết làm như vậy hay không lại là vấn đề khác.

Tổng thống Mỹ từng cảnh báo ông sẽ chuẩn bị khởi động cuộc tấn công hạt nhân chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng nhiều người cảm thấy rằng ông sẽ không "hành động".

"Tôi nghĩ điều đó không khả thi vì số lượng vũ khí của Triều Tiên rất hạn chế, diện tích của bán đảo Triều Tiên nhỏ. Việc phóng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là khá nguy hiểm không những bởi việc tái thiết sẽ tốn nhiều thời gian, mà còn vì vấn đề Hàn Quốc”, ông Rodger Baker, chuyên gia phân tích về Triều Tiên của hãng Stratfor, nói với tờ Vice.

Nguy cơ xung đột lớn nhưng không gây chiến

“Mỹ hay Triều Tiên đều không chủ động gây ra chiến tranh, nhưng nguy cơ xung đột sẽ tăng cao hơn khi một trong hai bên phạm bất cứ sai lầm hoặc xung đột nhỏ nào”, chuyên gia Zhang Tousheng thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Trung Quốc, nhận định.

Chuyên gia quân sự Li Jie ở Bắc Kinh đồng tình với nhận xét trên. “Sự hiện diện của nhóm tàu tấn công Mỹ (gần bán đảo Triều Tiên) chắc chắn làm tăng nguy cơ hiểu lầm, vốn đang ở mức cao. Nó có thể ở mức cao hơn nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có lập trường cứng rắn hơn trước đối phương”, ông Li nói.

Mỹ hiện duy trì 30.000 quân tại Hàn Quốc và các tàu chiến Mỹ thường xuyên phô diễn lực lượng gần bấn đảo Triều Tiên. Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, chưa ký Hiệp ước Hòa bình kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

ban dao trieu tien lieu dang dung ben bo vuc chien tranh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc mở rộng quy mô các cuộc tập trận hải quân chung trong khu vực, thay đổi tính chất các cuộc diễn tập từ “phòng thủ” sang “tấn công phủ đầu”. Đáp trả, Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí quân sự và vũ khí hạt nhân. Tất cả các động thái này dẫn tới hiểu lầm và tăng nguy cơ xung đột, theo các chuyên gia phân tích.

“Quy mô các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đang ngày càng lớn hơn và các cuộc diễn tập tấn công phủ đầu gửi thông điệp tới ông Kim rằng, Mỹ có thể tấn công Triều Tiên nếu muốn”, ông Zhang nói. “Khả năng tấn công quân sự được tăng cường và những lời khiêu khích ngày càng tăng từ Triều Tiên khiến Mỹ ‘đứng ngồi không yên’. Washington đang đối mặt với áp lực lớn trước việc tấn công Bình Nhưỡng trước khi nước này (Triều Tiên) có thể phát triển khả năng phóng tên lửa tới Mỹ”.

Hwang Jae-ho, chuyên gia tử Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hankuk ở Seoul, cho rằng việc đánh giá chính xác về kho hạt nhân của Bình Nhưỡng là yếu tố quan trọng, trước khi Washington thực hiện bất cứ hành động nào nhằm vào Triều Tiên.

“Không có thông tin chính xác đồng nghĩa việc Mỹ không thể vô hiệu hóa dễ dàng và an toàn trước các đòn tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Từ đó Bình Nhưỡng có thể nhanh chóng trả đũa bằng cách phóng tên lửa hạt nhân tới Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc thậm chí là Mỹ ", Hwang bình luận.

Trong khi đó, trước căng thẳng gia tăng trên bán đảo, Trung Quốc, một đồng minh thân thiết với Triều Tiên, cũng lo lắng. Theo giới quan sát, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Cui Zhiying tới từ Đại học Đồng Tế (Thượng Hải) cho hay: "Một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ gây tổn hại lớn cho Trung Quốc, và Trung Quốc cần chuẩn bị quân sự để tự bảo vệ mình".

Và kể cả trong trường hợp Trung Quốc không có hành động "đối phó phù hợp với Triều Tiên" thì Washington cùng các đồng minh sẽ chủ động, theo tuyên bố của Tổng thống Trump trên trang Twitter.

chọn
Nhiều ông lớn cập bến Ninh Thuận
Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận lần lượt đón các doanh nghiệp bất động sản lớn tìm về đầu tư như Ecopark, Hà Đô, T&T, Hoàng Quân...