Bánh chưng, hàng Tết bắt đầu lên kệ, Saigon Co.op tung 4.500 tấn thịt heo, cam kết không thiếu thịt, không tăng giá

So với dự định trước đó, Saigon Co.op cho biết đã tăng thêm khoảng 1.000 tấn thịt heo chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tí 2020. Hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đưa sản phẩm Tết như bánh chưng, giò lụa… lên quầy.

Saigon Co.op tăng thêm 1.000 tấn thịt heo bán Tết

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), đơn vị sở hữu một loạt hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… cho biết, doanh nghiệp vừa chốt phương án đảm bảo nguồn cung thịt heo an toàn và giá tốt từ nay đến sau Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.

Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức, cho biết theo kế hoạch, doanh nghiệp đã chốt sớm các phương án đảm bảo nguồn thịt heo giá tốt, dự kiến khoảng 3.500-4.500 tấn cho thị trường. Các đơn vị cung cấp lớn cung cấp thịt gồm Vissan, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam…

sieuthizing1-1573486861611973829726-crop-1573486878554951451730

Saigon Co.op tăng thêm 1.000 tấn thịt heo bán Tết, khẳng định người dân không lo thiếu thịt. (Ảnh: Phúc Minh).

Trước đó, trong thông báo bán hàng Tết sớm, đại diện Saigon Co.op cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị xong hơn 3.500 tấn thịt heo an toàn. Như vậy, trong quyết định chốt nguồn cung mới nhất đưa ra, hệ thống bán lẻ này tăng lên thêm 1.000 tấn thịt heo phục vụ người tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020.

Lãnh đạo hệ thống bán lẻ này tiết lộ hiện trung bình mỗi ngày, lượng thịt heo tiêu thụ khoảng 40-50 tấn, dự kiến sẽ tăng 30-40% trong dịp cao điểm Tết. Saigon Co.op sẽ đưa vào khai thác các mặt hàng thịt heo bảo quản mát sản xuất theo công nghệ lạnh châu Âu và các mặt hàng thịt heo thảo mộc... để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

Ngoài thịt heo, hệ thống bán lẻ này cũng đã chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản để phục vụ cao điểm Tết.

Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM, giá thịt heo nhảy múa trong thời gian qua chủ yếu ở kênh bán lẻ truyền thống như các sạp, chợ, do nguồn hàng cung cấp không ổn định. Trong khi đó, các kênh bán lẻ lớn đã có kế hoạch dài hạn, nên nguồn cung ổn định, kiểm soát giá cả tốt hơn. 

Thời gian qua, sức mua thịt heo tại siêu thị này tăng hơn 30% so với bình thường. Với kế hoạch chuẩn bị hiện nay, doanh nghiệp khẳng định không lo thiếu thịt dịp Tết khi mua sắm ở hệ thống này. Thịt heo cũng sẽ bán theo giá bình ổn thị trường, đảm bảo cho người tiêu dùng yên tâm ăn Tết.

Bánh chưng, lẩu Tết rục rịch lên kệ

Hiện nhiều doanh nghiệp chuyên về thực phẩm chế biến cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị thực phẩm để đưa ra thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đây được xem là cao điểm mua sắm, nhu cầu hàng hoá, thực phẩm tăng cao so với bình thường.

Tại Sài Gòn Food, doanh nghiệp tung hơn 2.000 tấn thành phẩm cho mùa Tết, tăng hơn 33% so với Tết năm ngoái. Điểm nhấn của doanh nghiệp này trong năm nay là sản phẩm hộp bánh chưng lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường với nhiều loại nhân, như nhân thịt và đậu xanh, nhân thịt và trứng muối, nhân gà quay - đậu xanh, nhân nấm đông cô - hạt sen.

5_1-crop

Bánh chưng cách điệu của Sài Gòn Food. (Ảnh: SGF).

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food, cho biết công ty sử dụng công nghệ nấu chín từ bên trong do Nhật Bản chuyển giao, không sử dụng chất bảo quản nhưng bánh có hạn sử dụng đến 3 tháng. Là sản phẩm mới, nên đội ngũ của công ty đã phải trải qua nhiều nghiên cứu, thử nghiệm trước khi ra mắt trên thị trường.

Ngoài ra, nhóm sản phẩm chế biến của doanh nghiệp này như combo tiệc Tết, combo cháo 7 ngày dinh dưỡng, lẩu Tết gồm lẩu Thái và lẩu hải sản cũng được doanh nghiệp đưa ra thị trường.

Trong khi đó, Công ty Ba Huân cũng đã giới thiệu nhiều sản phẩm mới trong dịch Tết năm nay để bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng thời gian qua, như khô gà lá chanh, trứng gà tiềm ăn ngay, xúc xích gà…

Vissan cũng đã chủ động chuẩn bị 7.500 tấn hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết, gồm thịt tươi sống như heo, bò, gà... Nhóm hàng thực phẩm chế biến được chuẩn bị đến 5.000 tấn, tăng 17% so với Tết năm ngoái.

Bên cạnh mặt hàng truyền thống, Tết năm nay, Vissan đưa ra thị trường 9 sản phẩm mới, với nhiều hương vị "lạ miệng", như thịt heo thảo mộc, da heo giòn vị tỏi ớt, phá lấu, giò lụa hương Việt… 

Hiện các sản phẩm này bắt đầu được các nhà phân phối đối tác lẫn hệ thống bán lẻ chính thức của công ty đưa hàng lên quầy kệ trên toàn hệ thống, bán cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.

TP HCM, Hà Nội chuẩn bị gì ăn Tết?

Sở Công Thương TP HCM cho biết lượng hàng hóa được các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.027 tỉ đồng, tăng 602 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị cho Tết Kỉ Hợi 2019, tương ứng mức tăng 3,17%.

Riêng tháng Chạp Âm lịch, là tháng cao điểm Tết, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị để phục vụ chiếm 54%, tương đương 10.224 tỉ đồng, trong đó, hàng bình ổn thị trường đạt 4.088 tỉ đồng.

115010-15734879458131511388559

Ngoài thực phẩm, TP HCM cũng đã phối hợp với các tỉnh, thành khác đảm bảo nguồn cây cảnh về thành phố dịp Tết Nguyên đán 2020. (Ảnh: Phúc Minh).

Cũng theo Sở Công Thương TP HCM, nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối từ 20-53,2% nhu cầu thị trường là thịt gia cầm, chiếm 53,2%, trứng gia cầm 48,6%, thực phẩm chế biến 28,1%, dầu ăn 27,5%, thịt gia súc 21%… Đặc biệt, các doanh nghiệp còn cam kết  giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm trong các ngày cận Tết.

Dự báo các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Canh Tí 2020 như bia, nước giải khát sẽ tăng 30% so với ngày thường. Theo đó, bia sẽ đạt lượng tiêu thụ 45 triệu lít, nước giải khát nhỉnh hơn, với 50 triệu lít/tháng.

Các mặt hàng bánh, mứt cũng được dự báo nhu cầu tiêu thụ lên đến 19.000 tấn.

Để đảm bảo nguồn cung, ngoài các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng trên địa bàn, TP HCM đã làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp… Đây là các tỉnh cung ứng lượng hàng hoá, chủ yếu là thực phẩm, cây cảnh lớn cho thành phố.

Tại Hà Nội, dự kiến thành phố chuẩn bị 191.400 tấn gạo, 14.800 tấn thịt gia cầm, 12.306 tấn thịt bò, 260 triệu quả trứng gia cầm, 247.400 tấn rau củ, 12.800 tấn thực phẩm chế biến, 11.364 tấn thủy hải sản và 3.500 tấn nông lâm sản khô phục vụ cho cao điểm sắm Tết của người dân.

Hà Nội cũng đã dự trù chuẩn bị 44.600 tấn thịt heo để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết, trong bối cảnh nguồn cung thịt heo có thể thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi.

Nhóm các mặt hàng thiết yếu khác như bánh mứt, xăng dầu, thành phố Hà Nội thông tin đã chuẩn bị khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 31.200 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.