Bất động sản tháng 8/2024: Nóng đất đấu giá vùng ven Hà Nội, khởi công các dự án của Vingroup và Sun Group

Trong tháng 8, nhiều chính sách mới về bất động sản đã chính thức có hiệu lực, Hà Nội "nóng" đất đấu giá ngoại thành, TP HCM công bố lộ trình điều chỉnh bảng giá đất, dự án của Sun Group, Vingroup khởi công,...

Nhiều chính sách mới có hiệu lực

Ngày 1/8, các Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 chính thức hiệu lực sớm. Chuyên gia Avision Young đánh giá, đây có thể xem là bước tiến lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam trong một thập kỷ trở lại đây.  

Cùng với các luật sửa đổi, nhiều nghị định cũng có hiệu lực từ tháng 8, như Nghị định 95 (về Luật Nhà ở), Nghị định 96 (về Luật Kinh doanh bất động sản), Nghị định 100 (về phát triển và quản lý NOXH), Nghị định 101 (về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp sổ), Nghị định 103 (về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất),...

Nóng đất đấu giá ven đô

Liên tiếp nhiều phiên đấu giá đất ở các huyện ngoại thành TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân trong thời gian qua.

Ngày 10/8, phiên đấu giá ở huyện Thanh Oai ghi giá trúng cao nhất là 100,575 triệu/m2, thu hút hàng nghìn người tham gia. Ngày 19/8, phiên đấu giá ở huyện Hoài Đức kéo dài xuyên đêm, giá trúng cao nhất là 133,3 triệu/m2. Ngày 29/8, phiên đấu giá ở huyện Phúc Thọ ghi nhận giá trúng cao nhất là 60 triệu/m2, có trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận sang tay cho người khác ngay trong ngày.

Quang cảnh bên ngoài hội trường nơi diễn ra phiên đấu giá đất Phúc Thọ, ngày 29/8. (Ảnh tư liệu: Di Anh). 

Trong tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, yêu cầu không để xảy ra trục lợi, đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.   

Diện tích tách thửa tối thiểu tại Hà Nội dự kiến 50 m2 

TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn.

Theo đó, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50 m2; tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2; tại xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100 m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150 m2. 

TP HCM công bố lộ trình điều chỉnh bảng giá đất 

Theo Sở TN&MT TP HCM, lộ trình điều chỉnh bảng giá đất gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 1/8/2024 - 31/12/2025, giai đoạn 2 từ 1/1/2026 - 31/12/2026 và giai đoạn 3 từ 1/1/2027 trở đi.

Trước đó, tại một hội thảo, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bảng giá đất mới của TP HCM cao nhưng phản ánh đúng thị trường và cũng theo nguyên tắc thị trường. 

Khởi công hai dự án lớn  

Ngày 8/8, Tập đoàn Sun Group khởi công Khu đô thị Thời đại và Đổi mới sáng tạo tại Hà Nam. Dự án này có diện tích khoảng 202 ha; có quy mô lớn nhất trong 3 dự án nằm sát và liên kết cảnh quan với nhau tại phân khu Khu đô thị Bắc Châu Giang. Sun Group xây dựng đồng thời các dự án này và gọi tên thương mại là tổ hợp Đô thị thời đại - Sun Urban City, có tổng mức đầu tư 35.000 tỷ (tương đương 1,4 tỷ USD). 

Ngày 30/8, Tập đoàn Vingroup khởi công Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Dự án được xây dựng trên mặt tiền quốc lộ 5B, diện tích hơn 90 ha, khi hoàn thành sẽ nằm trong top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới.

Khu vực triển khai dự án của Vingroup trên thực địa. (Ảnh: Thủy Long). 

Loạt doanh nghiệp nhắm dự án Thủ đô

Tại huyện Thanh Trì, hai khu đô thị trên địa bàn đã xuất hiện các nhóm doanh nghiệp đăng ký thực hiện. 

Khu đô thị mới C3-1 quy mô hơn 27 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.463 tỷ, có 2 liên danh đăng ký làm. Thứ nhất là Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư - CTCP Venereus - CTCP Đầu tư Phát triển Nhà An Đức. Thứ hai là liên danh CTCP Đầu tư Mai Linh - Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn. 

Khu đô thị mới Liên Ninh quy mô 30 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.966 tỷ, có 1 liên danh đăng ký là CTCP Việt Hưng TTC Hà Nội - CTCP Tổng Công ty Tecco Miền Nam - CTCP Hateco Thăng Long - CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên. 

Tại huyện Đông Anh, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO) đăng ký làm Khu đô thị mới G8. Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 12.599 tỷ; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 659 tỷ, quy mô dân số khoảng 4.811 người.

Khu đô thị mới G19 có 2 nhà đầu tư đăng ký làm là CTCP Tập đoàn Everland và CTCP Đầu tư và Thương mại Trung Yên. Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện gần 2.183 tỷ, quy mô dân số khoảng 4.440 người.

Một góc huyện Đông Anh. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).  

Nhóm TNG Holdings trúng dự án ở Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh đã chấp thuận liên danh Công ty TNHH Oleco-NQ, CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân là nhà đầu tư thực hiện Khu dân cư mới Ước Ngoại (tổng vốn 374 tỷ). Đây đều là những doanh nghiệp có mối liên hệ với TNG Holdings. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.