Trẻ sơ sinh mắc uốn ván, tử vong do dùng dao lam cắt rốn tại nhà | |
Bé sơ sinh bị uốn ván do mẹ sinh nở tại nhà đang nguy kịch |
Bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra. Bệnh này được cảnh báo từ lâu nhưng nhiều cái chết oan uổng vẫn xảy ra do không ít người còn xem nhẹ nguyên nhân tiềm ẩn trong sinh hoạt hàng ngày.
(Ảnh: maxresdefault) |
Một cây tăm xỉa răng không rõ nguồn gốc, một vết trầy xước nhỏ mà chính bạn cũng không chú ý khi đi du lịch, một cái gai hay vật nhọn đâm vào chân... tất cả đều có thể là “thủ phạm” gây ra uốn ván.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viên Nhi Trung ương, cho biết: Nguồn lây bệnh uốn ván chủ yếu là đất, phân người và súc vật có chứa nha bào uốn ván. Bệnh thường lây qua da và những tổn thương từ kích cỡ rất nhỏ, kín đáo ở niêm mạc như vết kim tiêm, gai đâm, ngoáy tai, xỉa răng, gỉ sét do đi chân đất, đắp vật dụng không vệ sinh vào vết thương hở. Thậm chí, bệnh có thể gặp sau phẫu thuật, nạo thai, cắt rốn… với các dụng cụ bị ô nhiễm nha bào uốn ván. Ngoài ra, vi khuẩn uốn ván còn xâm nhập qua vết cắn, cào của vật nuôi, vết thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động...
Vừa qua, Em Nguyễn Minh Phúc (15 tuổi, Nghệ An) bị uốn ván nặng sau một tuần giẫm phải gai bưởi. Em Phúc được gia đình đưa ra Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng co giật, co cứng người, tình trạng rất nguy kịch, bác sĩ phải mở khí quản và thở máy tới hơn 1 tháng.
Theo người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc đi đá bóng với bạn, cháu Phúc không may bị một chiếc gai bưởi đâm vào ngón chân cái. Mặc dù mảnh dị vật nhỏ đã được rút ra ngay lúc đó, nhưng không ngờ đây lại chính là nguyên nhân khiến Phúc phải nhập viện cấp cứu do mắc uốn ván rất nặng.
Vết gai đâm khiến cháu Phúc mắc bệnh uốn ván (Ảnh: Bệnh viện Nhi trung ương) |
Thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho thấy số bệnh nhân mắc uốn ván được bệnh viện tiếp nhận điều trị từ đầu năm 2017 đến nay đã hơn 130 người, gần bằng một nửa số bệnh nhân uốn ván của cả năm 2016 điều trị tại đây. Hiện số ca mắc bệnh uốn ván đang tăng mạnh, tại bệnh viện này, trung bình mỗi ngày có từ 10 - 15 bệnh nhân nhập viện do bệnh uốn ván.
Một bệnh nhân điều trị bệnh uốn ván tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: Người lao động) |
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, trong số những bệnh nhân mắc uốn ván, khoảng 20%-25% không tìm thấy vết thương, còn lại 70-75% có vết thương nhưng gần một nửa đã lành. Giới chuyên môn khuyến cáo uốn ván là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh có thể chết vì suy hô hấp, trụy tim mạch, rối loạn thần kinh.
Hiện nay, uốn ván gặp nhiều ở nam giới, độ tuổi từ 15-45, nhất là những người lao động vất vả. Ở phụ nữ mang thai đã được tiêm vắc- xin uốn ván, kháng thể bảo vệ có thể kéo dài tới 10-15 năm. Đối với nam giới, dù đã được tiêm vắc-xin từ lúc nhỏ nhưng sau một thời gian dài (khoảng 10 năm), hiệu lực bảo vệ của vắc-xin sẽ giảm nên cũng dễ mắc bệnh uốn ván.
(Ảnh: Hellobacsi) |
Diễn tiến bệnh uốn ván thường khó lường, phức tạp với triệu chứng nặng nề. Thời gian ủ bệnh thay đổi từ một đến vài tuần lễ. Đối với bệnh uốn ván rốn, thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, bệnh càng nặng. Triệu chứng phát bệnh đầu tiên là cứng hàm làm người bệnh không há to miệng được; với trẻ sơ sinh, trẻ quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím, đói nhưng không bú được.
Tiếp theo là các cơn co cứng và co giật. Cơn co cứng lan rộng ở cơ mặt, cổ, chân tay, lưng, thành bụng, làm trẻ ở tư thế khá đặc biệt: người uỡn cong, cổ ngả ra sau, hai cánh tay khép chặt vào thân, hai chân duỗi thẳng, cơn co cứng này kéo dài 15-30 ngày.
Các chuyên gia lưu ý cần xử trí đúng cách các vết thương để phòng uốn ván. Khi mới có vết thương, dù là nhỏ, cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và tống chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương ra máu và dính nhiều bùn, đất, cát thì có thể dùng ôxy già để sát khuẩn, loại các hạt bụi, cát bẩn ra ngoài và cầm máu. Với vết thương hở, cần rửa bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn y tế rồi lau khô...
Vì bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, người có nguy cơ mắc bệnh cần phải tiêm phòng.
Để phòng bệnh, khác với các bệnh có vắc-xin phòng ngừa khác, vắc-xin uốn ván không có khả năng miễn dịch bền vững, người đã mắc uốn ván vẫn có khả năng mắc lại nhiều lần. Vắc-xin uốn ván có tác dụng phòng bệnh trong khoảng 10 năm. Vì vậy, khi bị những vết trầy xước dù nhỏ, người dân cũng nên đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin uốn ván trong vòng 24h để tránh biến chứng.
Các biện pháp phòng bệnh uốn ván - Với người lớn, trong sinh hoạt và trong lao động cần tránh không để tổn thương, nhất là các loại tổn thương sâu, kín, bẩn như giẫm phải đinh, gai, chấn thương phần mềm. - Vệ sinh môi trường sạch sẽ như nạo vét các chất thải, chất bùn, khơi thông cống rãnh để tránh ứ đọng, không cho vi khuẩn và nha bào uốn ván phát triển… - Khi không may bị dị vật đâm vào cơ thể, tổn thương dù nhỏ như bong dập móng chân do vấp ngã, do ngã sát tay, chân, do rơi vật nặng vào chân… cần xử lý ngay vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương (như bùn, đất, cát, mảnh sành, đinh, gai…); Rửa vết thương bằng xà phòng nhiều lần, sát khuẩn bằng dung dịch như cồn 70 độ, ôxy già hoặc dung dịch betadin…. - Sau khi xử lý vết thương cần phải đi tiêm phòng huyết thanh kháng uốn ván và vắc-xin phòng uốn ván để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất. |