Khởi nghiệp khi còn là sinh viên là một chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm (Ảnh: yup) |
1. Suy nghĩ về sản phẩm trước khi suy nghĩ về công ty
Trong một cuộc thi gần đây tôi làm ban giám khảo, chợt nhận ra rằng các bạn sinh viên khá rập khuôn và máy móc trong việc xây dựng sứ mệnh công ty, tầm nhìn chiến lược thật vĩ đại, trong khi đó, điều cốt lõi nhất của doanh nghiệp của các bạn chính là sản phẩm - thì các bạn không nói được. Bằng một câu ngắn gọn hỏi các bạn mô tả về sản phẩm/dịch vụ của mình, các bạn rất ấp úng. Nhưng khi để các bạn nói về tương lai của công ty, các bạn nói rất nhiều. Điều này là không cần thiết.
Khi các bạn chỉ mới đang ở giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh, điều quan trọng nhất là sản phẩm và khách hàng, như khi xây dựng mọi thứ từ 0 đến 10 thì giai đoạn từ 0 đến 1 khó khăn nhất, còn từ 1 đến 10 là những bài học khác hay thỉnh thoảng là vấn đề của thời gian.
2. Đừng phí công đi học "Khởi nghiệp"
Dạo này nhiều trường dạy về khởi nghiệp mọc lên như nấm. Cá nhân tôi nghĩ, muốn khởi nghiệp, hãy đi làm. Bởi vì khi đi làm, bạn được cọ xát, được học tiếp cận với thực tế, được giao tiếp giữa người với người. Đi học - nghe cũng có vẻ vui đấy, cũng gọi là có chút xíu kiến thức nền tảng để đi khởi nghiệp, nhưng rốt cuộc, kinh nghiệm chỉ được tích luỹ bằng trải nghiệm thực sự. Ứng tuyển vào một công ty khởi nghiệp nào đó, dù nhỏ xíu cũng được, dù chỉ là 2-3 người, làm việc ở quán cafe cũng được, các bạn sẽ biết khởi nghiệp thực sự là như thế nào. Một số chương trình giảng dạy về khởi nghiệp có đi kèm thực hành hay phải làm bài tập thực tế cũng có thể cân nhắc, nhưng nếu chương trình nào chỉ có 100% lý thuyết thì Ngân khuyên các bạn nên bỏ qua nó.
Khi xem về chương trình giảng dạy khởi nghiệp, các bạn cũng nên xem thử đội ngũ giảng viên của mình là ai. Nếu giảng viên là người kinh doanh, có nhiều năm trong vai trò kinh doanh thực sự (không phải cố vấn hay tư vấn gì nha), thì nên theo học. Tôi chắc chắn những người này sẽ có nhiều kiến thức thú vị để chia sẻ.
Đừng phí công mà đi học "Khởi nghiệp) (Ảnh: Baomoi) |
3. Đừng có "Think different" nữa mà hãy "Do different"
Các bạn luôn muốn tìm cho mình nguồn cảm hứng trong khởi nghiệp kinh doanh, nên các bạn luôn thích suy nghĩ của mình giống ông này, giống bà nọ. Kiểu như, uầy, mình suy nghĩ được cái này hay chưa này, nó cũng "khùng điên" giống như ông A ông B hồi lúc ổng bằng tuổi mình á? Sai, sai lắm nha! Nghĩ khác là một chuyện, ai cũng nghĩ khác được hết, mà thiệt ra thì suy nghĩ ai cũng khác nhau, điều mà các bạn cần học tập và làm theo là phải làm được điều khác biệt. Ví dụ bạn nghĩ rằng mình có thể sáng chế được một thứ mà hay hơn cả Facebook. Đừng nghĩ, hãy làm đi, hãy tìm cách chứng minh bằng hành động. Doanh nhân thành công được là nhờ họ lao động làm việc chứ không phải ngồi suy nghĩ chơi chơi đâu sinh viên ơi!!!
4. Những kỹ năng cần thiết
Trong nhiều bài báo, nhiều trường hợp, mọi người đều đề cao vai trò kỹ năng mềm khi "lăn" vào trường đời. Tôi không phủ nhận điều này. Bên cạnh những kỹ năng mềm cần có, mình gợi ý các bạn sinh viên nên chuẩn bị thêm các kỹ năng sau:
a. Bổ sung kiến thức hàng ngày
Rất quan trọng bởi vì muốn sáng tạo phải dựa trên nền tảng kiến thức căn bản sâu sắc. Thế nên càng phải có nhiều thông tin, kiến thức có sẵn trong đầu, mới có thể phát triển từ thông tin thô đến thông tin hữu ích được. Đọc sách là một cách để có được kiến thức hay đọc báo hàng ngày, giao tiếp với người có kinh nghiệm,... Đừng từ chối bất cứ kiến thức nào, từ lịch sử văn hoá đến kinh doanh marketing, bạn biết không, khi não của bạn lúc 20 tuổi chắc chắn dễ tiếp thu hơn khi não bạn 40 tuổi đó.
b. Kỹ năng tìm kiếm thông tin
Google, Quora, Facebook, website, báo chí,... ngày càng có nhiều công cụ giúp chúng ta tìm kiếm thông tin, chỉ sợ chúng ta không chịu khó ngồi kiếm hay tìm hiểu. Mẹo nhỏ cho việc này là đặt mục tiêu của việc tìm kiếm thông tin, chia nhỏ nội dung cần tìm sẽ giúp mình tìm được thông tin chính xác hơn.
c. Kỹ năng đặt câu hỏi
Các bạn hỏi đúng thì bạn sẽ nhận được câu trả lời hữu ích. Rất tiếc, kỹ năng đặt câu hỏi hiện nay chưa được chú trọng trong đào tạo (từ cấp 1-2-3 cơ), thế nên các câu hỏi các bạn đặt thường ngô nghê. Hoặc đôi lúc, các bạn còn không dám đặt câu hỏi với người đối diện. Chỉ có cách hỏi - đáp mới giúp các bạn nhanh tiến bộ bởi có thể học được từ người khác một cách nhanh chóng. Ngân có một bài viết đăng trên Tia Sáng về kỹ năng này, sẽ chia sẻ sau với mọi người nhé.
d. Không ngại thử, lăn xả, cái gì cũng dám nhào vô
Nếu bạn còn tâm lý "sợ cái này, sợ cái kia", chắc là bạn chưa đủ duyên để khởi nghiệp đâu. Làm kinh doanh là phải liều, nếu tính toán quá mức thì các bạn sẽ không muốn khởi nghiệp nữa đâu. Phải luôn chuẩn bị tâm lý lăn xả, không ngại thử, không ngại khó khăn, tuổi trẻ mà, còn dư khối thời gian để làm lại nếu (trộm vía - chẳng may) lỡ thất bại nhỉ!
e. Không được lười
Phải nói "siêng năng" cũng là một dạng kỹ năng cũng cần phải được rèn luyện. Cơ thể của bạn có thể lười trong chốc lát, nhưng nếu bạn để não bạn cũng lười theo thì chắc chắn đó là vấn đề của bản thân cần phải chỉnh lại ngay. Cứ nhìn xung quanh bạn xem, có ai thành công mà họ lười không?
Tóm lại là đối với sinh viên, các bạn thực sự muốn khởi nghiệp thì cứ làm tới đi, mặc kệ mọi thứ. Đấy là khi các bạn thực sự muốn nhé. Còn nếu bạn chỉ nghĩ khởi nghiệp để mang cái mác giám đốc oai như ai, hay doanh nhân thành đạt như ai thì chắc đầu tư 2 triệu mở một công ty trên giấy, 100k in hộp namecard, thêm 1 triệu may một bộ đồ vest là được.
(Bài viết của blogger Ngân Sâu)