Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện chia sẻ của cô gái trẻ về việc bị một người đàn ông có hành vi "khiếm nhã" trên máy bay.
Theo chia sẻ của cô gái, cô đi chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn một mình và ngồi cạnh người đàn ông tầm tuổi bố mình. Chỗ của cô gái cạnh cửa sổ, người đàn ông cứ nhìn ra cửa sổ chẳng hiểu để làm gì khi máy bay chưa cất cánh và thỉnh thoảng lại nghiêng người sang.
Khi máy bay cất cánh, người đàn ông bắt đầu ngồi theo tư thế cánh tay khuỳnh sang ghế của cô gái. Sau đó, người đàn ông thả tay xuống ghế cô gái, sát cạnh chân khiến cô gái nói to: " Chú để tay của chú về ghế của chú đi ạ!".
"Chú này chưa hành động được gì quá đáng với mình, nhưng chỉ nhiêu thôi là mình đã không chấp nhận được rồi chứ đừng nói làm gì quá. Nếu quá, chắc chắn mình sẽ cho cả máy bay biết luôn!.
Lần sau, bạn gái nào đi máy bay 1 mình và gặp cảnh như mình, cứ mạnh dạn nói ra điều mình cảm thấy, nghĩ, muốn bằng những câu ngắn gọn, to rõ ràng, thể hiện sức mạnh của mình để những người có ý định xấu biết mình không người dễ bắt nạt. Mình phải mạnh dạn lên tiếng bảo vệ mình trước, quyết không cam chịu, không thoả hiệp với hội "yêu râu xanh" các bạn nhé", cô gái viết.
Từ sự việc trên nhiều người đặt câu hỏi: chế tài nào đối với hành vi quấy rối tình dục?
Ảnh minh họa. (Ảnh: Slate Magazine). |
Các hình thức quấy rối tình dục bao gồm: Quấy rối thể chất (cố tình đụng chạm…); Quấy rối lời nói (nhận xét không phù hợp, có ngụ ý về tình dục); Quấy rối phi lời nói (nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm)…
Mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 coi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em… là những tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và gắn với những chế tài xử phạt nghiêm khắc. Thế nhưng, với hành vi quấy rối tình dục hay còn gọi là gạ tình thì chưa có quy định cụ thể nào.
Quấy rối tình dục thường là những hành vi rất khó chứng minh vì hầu như không để lại sự thương tổn rõ ràng về sức khỏe, cho dù các nạn nhân phải chịu những khủng hoảng tâm lý nặng nề. Có thể đây là một trong những lý do khiến quấy rối tình dục chưa được đưa vào Bộ luật Hình sự như một tội danh.
Tuy nhiên, nếu người quấy rối “có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, nếu hành vi quấy rối được xác định là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 2015; mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 05 năm.
Không phải trong chuyến bay nào cũng xuất hiện "kẻ biến thái", nhưng nếu chẳng may rơi vào trường hợp đó, chúng ta nên làm gì?
Báo cho phi hành đoàn
Việc nên làm đầu tiên khi bạn bị quấy rối tình dục là tìm cách báo cho phi hành đoàn.
Bạn cũng có thể cân nhắc giữa việc nói to cho mọi người xung quanh biết hoặc kín đáo báo cho các thành viên phi hành đoàn biết.
Bạn có thể ra hiệu, bấm nút khẩn cấp hoặc đứng dậy gặp riêng một tiếp viên hàng không để nói về vấn đề mình gặp phải.
Tùy thuộc vào mức độ của hành vi, các hãng bay sẽ có quy định đối phó riêng với những trường hợp khách có hành vi xấu này.
Xin đổi chỗ ngồi khác
Nếu muốn chấm dứt ngay tình trạng bị quấy rối tình dục, không có phương thức nào hữu hiệu hơn là xin đổi chỗ ngồi khác ngay lập tức.
Trong mọi trường hợp, các tiếp viên hàng không sẽ hỗ trợ bạn hết sức có thể để ngăn tình trạng này.
Nếu khoang máy bay không còn chỗ trống, bạn có thể đề nghị đổi chỗ với một hành khách khác.
Đảm bảo cơ trưởng chuyến bay cũng biết
Không chỉ báo cho tiếp viên hàng không, bạn nên báo cho cơ trưởng chuyến bay biết.
Đây là điều cần làm để đảm bảo quyền lợi của bạn nếu vụ việc được đưa ra pháp luật.
Nếu có thể, hãy đề nghị họ bí mật quay lại sự việc để làm bằng chứng.
Tự bảo vệ mình
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, tỉ lệ các cuộc tấn công tình dục thường xảy ra cao hơn trên các chuyến bay đêm, đặc biệt khi vị khách ngồi gần đó có chút men rượu trong người.
Do vậy, du khách cần đặc biết chú ý bảo vệ mình mỗi khi đi máy bay.
Tránh mặc quần áo quá mỏng, quá gợi cảm.
Trong lúc trò chuyện không nên có những lời nói hoặc hành vi mang tính khơi gợi.
Thể hiện ngay lập tức thái độ giữ khoảng cách với đối tượng mà bạn cảm thấy "không an toàn".
Nếu không phải là nạn nhân một vụ quấy rối tình dục mà chỉ là người chứng kiến, bạn vẫn nên báo sự việc cho các tiếp viên hàng không và phối hợp với họ để ngăn chặn việc xấu.
‘Con có làm sai thì vẫn là con của mẹ’ - câu ‘thần chú’ bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục
Theo TS. Khuất Thu Hồng, tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ với con cái sẽ "tấm lá chắn" bảo vệ con khỏi ... |
Chấm dứt hợp đồng với giảng viên khoa Luật bị tố quấy rối nữ sinh
Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đơn phương chấm dứt hợp đồng với giảng viên Nguyễn Hùng Cường vì lý do thường xuyên ... |
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn.
Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại đây! Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |