Có lẽ để nói về Steve Jobs, người ta sẽ dành cho ông những mỹ từ tuyệt vời nhất trong giới kinh doanh: nhà sáng tạo, nhà phát triển, CEO quyền lực, người mở đường, người tiên phong ....
Steve Jobs là biểu tượng của sự hoàn hảo. |
Tuy nhiên, chắc chắn Steve Jobs thích nhất nếu được mọi người gọi với danh hiệu: "Người tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo".
Trong kinh doanh, Steve Jobs là người tôn sùng sự hoàn hảo đến mức tuyệt đối. Đối với ông, sự hoàn hảo là kim chỉ nam của thành công.
Tạp chí Fortune từng mô tả Steve Jobs “là một trong những kẻ có cái tôi to nhất Thung lũng Silicon”. Những câu chuyện kể về tính cách cầu toàn của Steve Jobs được nhiều người kể lại và khắc ghi như những bài học về thành công.
Ông cầu toàn và hướng đến sự hoàn hảo đến từ tất cả mọi người. Có lần một kĩ sư đến trình cho Steve Jobs phần mềm anh ta mới viết. Steve Jobs ngó qua và quẳng lại cho anh ta với nhận xét: “Chưa đủ tốt đâu!”. Cuối cùng, sau nhiều lần “Chưa đủ tốt đâu”, họ đã có thể tạo ra những sản phẩm làm thay đổi cả thế giới công nghệ.
Sự hoàn hảo chính là kim chỉ nam mang đến thành công của Steve Jobs. |
Ed Niehaus, người được Jobs thuê làm quan hệ công chúng cho công ty, nhớ lại rằng ngay sau khi nắm quyền CEO, ông lập tức cắt giảm rất mạnh các kế hoạch sản xuất và cả nhân lực của công ty.
"Có một lần tôi và Jobs đi cùng thang máy. Khi xuống tầng tiếp theo, một phụ nữ bước vào và tôi có thể nghe cô ấy nói "Ối, nhầm thang máy rồi'" - Niehaus kể lại - "Lúc ấy Steve liền nói "Xin chào, cô là ai thế?" và tự giới thiệu bản thân. Tiếp đó ông hỏi: 'Công việc của cô là gì?' và hai bên trao đổi với nhau một số chuyện tương tự. Khi thang máy xuống đến tầng cuối cùng, Jobs cất lời "Chúng tôi sẽ không cần tới cô nữa" và bước đi".
Mất đi Steve Jobs, Apple đang gặp nhiều khó khăn. |
Niehaus nói rằng Apple khi đó hoạt động kém hiệu quả vì quy mô của công ty quá lớn và Jobs đã mang trở lại sự đơn giản, nhỏ gọn, tập trung.
Động lực mà sự cầu toàn mang lại cho Steve Jobs chính là việc tạo ra những sản phẩm tốt nhất và độc đáo nhất. Nhưng ông không cho mình là một thiên tài hay một người tiên phong.
Bằng chứng là khi được phóng viên tờ New York Times hỏi liệu trong tiềm thức ông có từng nghĩ về sự đổi mới hay không, Steve Jobs đã đáp lại rằng: “Không. Trong tiềm thức chúng tôi chỉ nghĩ đến việc tạo ra các sản phẩm vĩ đại”.
Và ông cũng luôn luôn tìm cách để vươn lên. "Mỗi ngày khi thức dậy, tôi đều đứng trước gương và tự hỏi bản thân mình rằng: 'liệu đây có phải ngày cuối cùng của cuộc đời?' - và nếu câu trả lời là 'chưa phải' thì tự tôi sẽ cảm nhận rằng, tôi còn nhiều việc phải làm và tôi phải thay đổi" - ông khẳng định.
Steve Jobs không hề là một ông chủ dễ chịu. Các kỹ sư của Apple từng than trời vì sự cầu toàn của ông. Ông sẵn sàng dành thời gian để duyệt và yêu cầu các kỹ sư làm lại thiết kế theo đúng ý tưởng của mình.
Đơn cử như hồi năm 2008, một kỹ sư của Apple đã tiết lộ trên tờ Businessweek về quy trình phát triển sản phẩm rất dài của công ty. Theo đó một sản phẩm mới thường bắt đầu bằng 10 ý tưởng nòng cốt "hay ho". Apple sẽ loại bớt xuống chỉ còn 3 ý tưởng và chúng sẽ được bàn thảo tiếp trong nhiều tháng trước khi ý tưởng tốt nhất được lựa chọn.
Trước buổi lễ ra mắt Công ty NeXT ở San Francisco, Steve Jobs đã buộc một nhân viên phải chọn 37 loại màu xanh khác nhau trước khi tìm ra được một màu đại diện cho công ty. Mọi người gọi màu đó là “màu xanh của Steve”. Cựu quan chức Apple là Edgar S. Woolard kể khi Apple ra mắt máy tính Macbook đầu tiên, Steve Jobs và các kỹ sư đã ngồi thảo luận nhiều giờ để tìm ra màu sắc phù hợp nhất cho chiếc máy.
Sự cầu toàn và tôn sùng sự hoàn hảo đến mức tuyệt đối của Steve Jobs là điều khiến ông khác biệt so với những nhân tài khác của thế giới công nghệ.
"Steve là người giỏi nhất trong những người giỏi nhất" - Marc Andreessen, đồng sáng lập công ty Netscape Communications đánh giá - "Như Mozart và Picasso vậy, có thể sẽ không ai sánh được với ông".