Bình quân mỗi ngày có 4 doanh nghiệp bất động sản giải thể

Trong quý I/2023, có thêm 30 - 50% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có khu vực ghi nhận con số này lên tới 80%.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023, trong đó ghi nhận thị trường tiếp tục trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp, môi giới bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư cùng nhau “ấn nút chờ”. Toàn bộ thị trường “nín thở”, tuy không hoàn toàn “án binh bất động” nhưng luôn trong trạng thái nghe ngóng, chờ đợi từng động thái từ phía Chính phủ.

Các giải pháp nhằm gỡ vướng cho thị trường là tín hiệu tích cực, thể hiện được quyết tâm đồng hành từ phía Chính phủ, tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân tham gia thị trường.Tuy nhiên, do các chính sách cần thời gian thẩm thấu nên thị trường chưa ghi nhận kết quả cụ thể, chưa thực sự thoát ra khỏi khó khăn, trầm lắng.

Nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao, đối mặt với khủng hoảng và phá sản. Quan điểm “tự cứu lấy mình”, “cùng nhau vượt khó” đang dần thay thế cho tâm lý chờ giải cứu của các doanh nghiệp.

Phân tích cụ thể hơn về tình trạng sức khoẻ của các doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2023, VARS dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, hai tháng đầu năm 2023 có hơn 235 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi ngày có 4 doanh nghiệp bất động sản giải thể.

Trong đó, đối với doanh nghiệp phát triển dự án, VARS cho biết, nhóm này tiếp tục thu hẹp hoạt động sản xuất, quy mô và số lượng dự án. Đồng thời tái cấu trúc doanh nghiệp, dừng dự án, bán hoặc đình chỉ hoạt động đầu tư dự án nhằm giảm bớt khó khăn, áp lực. Một số doanh nghiệp đã có hoạt động phát hành trái phiếu trong quý này. 

Với nhóm doanh nghiệp dịch vụ bất động sản, hầu hết các sàn giao dịch mới thành lập (khoảng nhỏ hơn hai năm) đều phải đóng cửa.

Theo thống kê từ các sàn giao dịch là hội viên của VARS, trong quý I tiếp tục có thêm 30 - 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có khu vực con số này lên tới 80%.

“Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn”, VARS nhận định.

Cũng theo VARS, số lượng môi giới bất động sản nghỉ việc tiếp tục gia tăng. Ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Cá biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới tiếp tục nghỉ việc lên tới 80%.

Theo điều tra, phần lớn môi giới nghỉ việc đều thuộc nhóm “lính mới” hoặc “tay ngang”. Điển hình là nhóm môi giới bắt sóng các đợt sốt ảo, quá “phấn khích” và duy trì song song hai trạng thái tay ngang vừa là nhà đầu tư vừa là môi giới.

Trong khi đó, nhóm môi giới chuyên nghiệp tuy có khó khăn nhưng vẫn bám trụ được với thị trường. Để tồn tại qua thời gian này, một số môi giới đã tìm hướng mới bằng cách chuyển sang mảng cho thuê.

chọn
Hơn 500 căn hộ vướng pháp lý tại TP HCM vừa được mở bán trở lại
Savills cho biết, trong quý III, có 5 dự án với 545 căn hộ tại TP HCM đã được mở bán trở lại sau khi các vướng mắc pháp lý đã được giải quyết.