Bitexco nói gì về hơn 15.700 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan?

Theo Bitexco, 15.712 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan là quan hệ giao dịch dân sự khi chuyển nhượng dự án Tứ giác Bến Thành, không liên quan SCB nên đề nghị tòa không thu hồi.

Ngày 10/10, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát, và 33 bị cáo tiếp tục với phần tranh luận của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị hại.

Là người đầu tiên trình bày, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Bitexco đề nghị HĐXX không thu hồi hơn 15.712 tỷ đồng mà tập đoàn đã nhận từ bà Lan.

Trước đó, kết quả điều tra xác định, năm 2018, bà Lan và Tập đoàn Bitexco thỏa thuận chuyển nhượng Dự án khu Tứ giác Bến Thành (The Spirit of Sài Gòn) cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá 22.000 tỷ đồng. Đến nay, bà Lan đã chuyển cho Bitexco 15.712 tỷ, hai bên chưa thực hiện thủ tục chuyển giao công ty. Do đó, cơ quan điều tra kiến nghị tòa xem xét thu hồi số tiền này.

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn nhiều tài khoản của Bitexco và công ty trong hệ sinh thái.

Dự án này rộng 8.600 m2, đối diện chợ Bến Thành, quận 1 - là một trong những vị trí đắc địa nhất TP HCM với 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính.

Dự án khu Tứ giác Bến Thành - đối diện chợ Bến Thành. (Ảnh Trần Quỳnh). 

Trình bày tại tòa trong những ngày làm việc trước, đại diện Bitexco thừa nhận có nhận 15.712 tỷ đồng từ bà Lan để thực hiện dự án khu Tứ giác Bến Thành. Số tiền này mục đích để triển khai dự án, hiện đã hòa nhập vào dòng tiền hoạt động của tập đoàn. Cụ thể, Bitexco đã sử dụng thanh toán hoặc chuyển cho công ty con để hoàn trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, và một số dự án khác của tập đoàn.

Còn bà Lan khai "có thỏa thuận miệng với chủ tịch của Bitexco" là sẽ tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng. Bị cáo đã nhiều lần chuyển cho doanh nghiệp này tổng cộng 7.000 tỷ, và nói với chủ tịch Bitexco rằng "nếu bán dự án cho ai thì phải hoàn trả số tiền này và 30% giá trị của 7.000 tỷ đồng". Sau này bị cáo kiếm được đối tác Singapore để vào thực hiện dự án, nhưng khi họ đang chuẩn bị nguồn tiền thì bà bị bắt. 

Tại tòa hôm nay, luật sư của Bitexco nhắc lại quan điểm đã trình bày trước đó, rằng thỏa thuận của hai bên là giao dịch dân sự hợp pháp. Bitexco nhận tiền một cách hợp pháp và không biết có liên quan đến vụ án hay không. Số tiền 15.712 tỷ đồng đã hòa chung vào tiền của tập đoàn, không thể tách rời và doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế.

Phía Bitexco cũng cho rằng đã tìm hiểu và xác định "nguồn gốc số tiền trên không liên quan tới SCB cũng như phát hành trái phiếu". Việc bà Lan bị bắt trong quá trình thực hiện hợp tác chuyển nhượng đã khiến công ty đang phải gánh chịu thiệt hại hơn 12.000 tỷ đồng.

Từ đó, luật sư của Bitexco đề nghị tòa giải tỏa các lệnh phong tỏa, ngăn chặn nhiều tài khoản... để các công ty có điều kiện tiếp tục hoạt động, phát triển.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Trần Quỳnh). 

Bà Trương Mỹ Lan không đồng ý Novaland trả 2.500 tỷ đồng bằng hiện vật

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, người bảo vệ quyền lợi của Công ty cổ phần đầu tư Tân Thành Long An (do bà Võ Thị Kim Khoa sở hữu) đề nghị tòa gỡ các lệnh kê biên, phong tỏa để họ tiếp tục thực hiện dự án Khu Công nghiệp và Khu dân cư Tân Thành Long An. Đối với yêu cầu của bà Lan về việc đề nghị trả 2.500 tỷ đồng còn thiếu khi chuyển nhượng dự án này, công ty đề nghị tòa cho thêm thời gian để trao đổi lại với bà Lan.

Tuy nhiên, bà Lan tỏ ra bức xúc, lớn tiếng cho rằng dự án này đã bán cho Novaland. Nhưng trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, dù được HĐXX triệu tập để nêu ý kiến có hay không đồng ý trả khoản tiền trên cho bà, thì phía Novaland không trả lời.

"Việc bị cáo chuyển nhượng dự án này cho Novaland là đã bị ép giá quá thấp. Đến nay, nếu họ vẫn không đồng ý trả số tiền trên thì tôi đề nghị HĐXX áp dụng các biện pháp theo quy định truy thu. Giờ tôi không có người nào đại diện để đàm phán gì nữa hết", bà Lan nói.

Dự án Khu Công nghiệp và Khu dân cư tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An do Công ty Tân Thành Long An làm chủ đầu tư với diện tích 1.800 ha. Bà Lan cho biết, dự án này trước đây đang phát triển rất tốt, toàn bộ là đất sạch với giá trị ban đầu là 45.000 tỷ đồng. Sau này, do phía Novaland năn nỉ mua và xin giảm giá nên bà đồng ý bán theo hiện trạng dự án với tổng giá trị 30.000 tỷ đồng. Novaland nhờ bà Võ Thị Kim Khoa là người đại diện đứng ra thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, dự án sau đó bị thu hồi một phần nên hai bên thống nhất lại giá là 20.000 tỷ đồng "dù lỗi là do phía Novaland không chịu triển khai dự án".

Cơ quan điều tra xác định, đến nay bà Khoa đã đặt cọc cho việc nhận chuyển nhượng dự án là 1.750 tỷ đồng và là chủ sở hữu Công ty Tân Thành Long An. Quá trình điều tra và xét xử, phía Công ty Tân Thành Long An có văn bản xin được tiếp tục thực hiện dự án, cam kết thực hiện nghĩa vụ chi trả 15.000 tỷ đồng trái phiếu cho các công ty của bà Lan (không liên quan đến vụ án đang xét xử). Đối với phần giá trị dư ra theo hợp đồng chuyển nhượng dự án, công ty của bà Khoa sẽ nộp để khắc phục hậu quả của vụ án cho bà Lan tại giai đoạn 2.

Trước đề nghị của Công ty Tân Thành Long An là sẽ trả khoản nợ 2.500 tỷ đồng bằng tài sản hiện vật, bà Lan nói nhanh: "Tôi chỉ biết chuyển nhượng dự án cho Novaland chứ không biết bà Khoa nào hết. Tôi cần Novaland trả ngay bằng tiền mặt 2.500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho người dân mua trái phiếu, chứ không muốn thanh toán bằng tài sản".

Chiều nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên liên quan khác trong vụ án.

Trong phạm vi vụ án đang xét xử, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua hình thức phát hành trái phiếu; rửa tiền 445.768 tỷ đồng và vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Bà Lan bị VKS đề nghị tuyên phạt mức án chung thân cho cả 3 tội danh, buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại vụ án; tiếp tục kê biên các bất động sản, tài sản có liên quan bị cáo để khắc phục hậu quả.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Cận cảnh khu đất xây tòa nhà cao thứ ba Hà Nội sắp được Taseco Land chuyển nhượng tại Starlake Tây Hồ Tây
Dự án cao thứ ba Hà Nội - Landmark 55 bao gồm lô đất văn phòng (13.600 m2) và lô đất khách sạn (10.000 m2). Hiện khối văn phòng đã được Taseco Land ký kết chuyển nhượng cho Mapple Tree, dự kiến hoàn tất trong năm 2025. Đối với khối khách sạn, doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm đối tác chuyển nhượng với lợi nhuận kỳ vọng trên 500 tỷ đồng.