Bức tranh công nghiệp Nghệ An sau 10 năm: Từ 'vùng trũng' chuyển mình thành ngôi sao FDI của miền Trung

Từng là vùng trũng trên bản đồ công nghiệp, những năm qua Nghệ An liên tục phá kỷ lục hút vốn ngoại và tiến vào top 10 cả nước. Trong chu kỳ mới của bất động sản, tỉnh này được dự báo là ngôi sao mới dẫn dắt thị trường công nghiệp miền Trung với cuộc chơi dành cho những nhà phát triển chuyên nghiệp như VSIP, WHA Industrial và Hoàng Thịnh Đạt.

 Một góc KCN VSIP Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2024 Nghệ An đã thu hút được gần 1,75 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 8,8% so với cùng kỳ, đứng thứ 8/63 tỉnh thành và là mức cao kỷ lục. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 5,7 tỷ USD. 

Đây là năm thứ hai liên tiếp Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Trước đó vào năm 2023, Nghệ An đã có lần đầu hút vốn ngoại đạt mốc tỷ USD.  

Bức tranh FDI của Nghệ An 10 năm qua đã có sự thay đổi lớn. Năm 2014, tỉnh này chỉ đón gần 10 triệu USD và xếp thứ 46 cả nước. Giai đoạn 2015 - 2021, vốn ngoại vào Nghệ An dao động khoảng 72 - 318,5 triệu USD mỗi năm.

Năm 2022 chứng kiến làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc hậu Covid-19. Đây cũng là năm Nghệ An bắt đầu tăng tốc và hút về khoảng 891 triệu USD, xếp thứ 11 cả nước.

CBRE Việt Nam đánh giá, trong những năm gần đây, khu vực miền Trung, đặc biệt là Nghệ An đã thu hút các nhà sản xuất lớn như Luxshare ICT và Foxconn. Điều này đã thay đổi bối cảnh phát triển công nghiệp của Nghệ An nói riêng và cả các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Sự thành công của Nghệ An được đóng góp bởi yếu tố. Theo ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp Avison Young Việt Nam, trường hợp của Nghệ An phần nào cho thấy xu hướng dòng vốn ngoại đang dần dịch chuyển về các địa phương có quỹ đất dồi dào, hạ tầng tốt phát triển.

Vài năm trở lại đây, hạ tầng của Nghệ An đã có nhiều thay đổi với những dự án lớn như tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, tuyến đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò hay Đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường N2, đường N5...

Giá thuê đất công nghiệp tại Nghệ An hiện dao động khoảng 65 - 70 USD/m2 và giá thuê kho xưởng cũng chỉ khoảng 4 USD/m2, chưa kể tỉnh còn sẵn quỹ đất để phát triển công nghiệp hơn những năm tới.

Tuy nhiên: "Điểm thú vị của các khu công nghiệp tại Nghệ An nằm ở sự đa dạng của các nhà phát triển, từ VSIP (Singapore) đến WHA (Thái Lan) và doanh nghiệp nội địa như Hoàng Thịnh Đạt", ông Vũ Minh Chí đánh giá.

KCN VSIP Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Huy).

 

Nghệ An có nhiều nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhỏ. Giai đoạn trước năm 2015, các khu công nghiệp ở Nghệ An chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp nội.

Một số dự án ở giai đoạn trước 2015 có thể kể đến có KCN Nam Cấm (huyện Nghi Lộc) do Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Phát triển Hạ tầng Nghệ An (NAIDC) làm chủ đầu tư với diện tích hơn 371 ha, tổng vốn 891 tỷ đồng, cách TP Vinh khoảng 18 km về phía bắc.

Tại TP Vinh có KCN Bắc Vinh (hơn 60 ha) được thành lập từ năm 1998, chủ đầu tư là Công ty Tư vấn Phát triển Khu công nghiệp Bắc Vinh thuộc Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama).

Tại thị xã Hoàng Mai có KCN Đông Hồi do Công ty TNHH Vietnam Investment Partners (VIP) làm chủ đầu tư. Dự án này được thành lập vào năm 2010, diện tích 1.436 ha, tổng vốn 5.388 tỷ đồng, nằm tiếp giáp với cảng nước sâu Nghi Sơn của Thanh Hoá.

Cũng tại Hoàng Mai, vào năm 2008 CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Mai đã khởi công dự án KCN Hoàng Mai trên diện tích 290 ha, tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. 

Tại xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn có KCN Nghĩa Đàn do CTCP Lâm nghiệp Tháng Năm làm chủ đầu tư. Dự án được thành lập vào năm 2012 với quy mô khoảng 246 ha, nằm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

 Tổng vốn FDI thu hút đầu tư của Nghệ An giai đoạn 2014 - 2024. (Hoàng Huy tổng hợp).

Bức tranh công nghiệp của Nghệ An giai đoạn trước năm 2015 khá trầm lắng. Ngoại trừ một số KCN như Bắc Vinh hay Nam Cấm có vị trí thuận tiện, các dự án còn lại nhìn chung hiệu quả đầu tư thấp.

Đơn cử như KCN Đông Hồi, dù quỹ đất công nghiệp lớn, song đến nay mới thu hút được một vài dự án như Nhà máy Hoa Sen Nghệ An hay Bến cảng Thanh Thành Đạt. Có một dự án tỷ USD là Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobe từng đăng ký vào KCN Đông Hồi, vào năm 2019 đã bị chấm dứt hoạt động do chậm triển khai. Đến nay, phần lớn diện tích KCN Đông Hồi vẫn là đất trống hoang hóa.

Tương tự, KCN Nghĩa Đàn của CTCP Lâm nghiệp Tháng Năm cũng chỉ có một dự án duy nhất đang hoạt động là Nhà máy chế biễn gỗ Nghệ An của chính doanh nghiệp này.

Nằm trên tuyến tường trục Bắc Nam (quốc lộ 1A) và hoàn thành cơ bản hạ tầng vào năm 2016, KCN Hoàng Mai dù có vị trí thuận tiện song cũng không thu hút đầu tư được hết quỹ đất. Trước thực trạng đó, chủ đầu tư đã phải tiến hành chuyển nhượng khu công nghiệp cho CTCP Hoàng Thịnh Đạt.

Ảnh: Hoàng Huy.

 

Năm 2015 đánh dấu lần đầu tiên một ông lớn bất động sản công nghiệp hiện diện tại Nghệ An, khi CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã khởi công Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An trên diện tích 750 ha.

Tổ hợp VSIP có khoảng 361 ha là đất công nghiệp và khu đô thị - dịch vụ rộng gần 320,2 ha. Đến nay, VSIP Nghệ An đã thu hút 55 dự án của các nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn hơn 2,06 tỷ USD, trong đó có 34 dự án FDI với tổng vốn hơn 1,97 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy khoảng 97%. 

Trở lại với KCN Hoàng Mai 1, sau khi về tay Hoàng Thịnh Đạt, dự án này trở thành điểm sáng hút vốn của Nghệ An. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ lấp đầy của KCN Hoàng Mai 1 đạt 75%, có 5 dự án thứ cấp đã ký kết hợp đồng thuê đất với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ VND (tương đương 262 triệu USD).

Tháng 3/2018, Tập đoàn WHA Industrial Development PCL - nhà phát triển công nghiệp Thái Lan đặt chân vào Việt Nam và khởi công KCN WHA Industrial Zone 1 tại huyện Nghi Lộc, thuộc KKT Đông Nam Nghệ An. Giai đoạn 1 dự án này có mô hơn 498 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Sau 6 năm triển khai, tính đến 2024 KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An đã thu hút đầu tư được 32 dự án với tổng vốn đăng ký 41.361 tỷ đồng (khoảng 1,65 tỷ USD).

Nhìn chung từ 2015 đến nay, cuộc chơi công nghiệp tại Nghệ An chủ yếu xoay quanh VSIP, Hoàng Thịnh Đạt và WHA, mang đến những làn gió mới cho địa phương này.

Năm 2015, vốn FDI vào Nghệ An tăng vọt lên 206 triệu USD, cao gấp khoảng 22 lần so với năm 2014. Giai đoạn 6 năm sau đó, dù thiếu ổn định, song vẫn có những thời điểm tỉnh này hút vốn ngoại vượt ngưỡng trăm triệu USD vào 2017, 2019 và 2021. 

Một góc KCN WHA đang xây dựng tại Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Huy).

 

Cả VSIP, WHA và Hoàng Thịnh Đạt đều là những nhà phát triển chuyên nghiệp có tiềm lực lớn và vẫn đang tiếp tục mở rộng quỹ đất công nghiệp tại Nghệ An.

Hoàng Thịnh Đạt được thành lập từ năm 2004, có trụ sở tại quận Tây Hồ, Hà Nội, vốn điều lệ tính đến tháng 5/2024 là 638 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 900 tỷ đồng. 

Hiện Hoàng Thịnh Đạt đang nắm 38% vốn góp tại CTCP Đầu tư Phát triển Yên Bình (Yên Bình Corp) - chủ đầu tư của KCN Yên Bình (3.820 tỷ đồng, 693 ha) và Khu đô thị Yên Bình (100 ha, 1.556 tỷ đồng) tại Thái Nguyên. 

Tại Quảng Ngãi, Hoàng Thịnh Đạt là chủ đầu tư của Khu Đô thị công nghiệp Dung Quất giai đoạn 1 (319 ha, 2.025 tỷ) nằm trong Khu kinh tế Chu Lai, được phát triển từ năm 2016. Tại Hà Tĩnh, vào năm 2021, doanh nghiệp từng đề xuất đầu tư KCN, đô thị, dịch vụ ở phường Trung Lương và phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh (419 ha, 4.050 tỷ đồng). 

Tại xã Tân Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An, Hoàng Thịnh Đạt sở hữu dự án nhà máy nước Hoàng Mai với tổng diện tích là 28 ha.

Vào tháng 10/2023, doanh nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt đầu tư KCN Hoàng Mai 2 (335 ha, 1.900 tỷ đồng) và hiện đang triển khai xây dựng.

Về phía VSIP, đây là nhà phát triển đang dẫn đầu cả nước về quỹ đất công nghiệp. Tính đến cuối 2023, đã có 14 KCN VSIP tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô khoảng 11.000 ha, thu hút gần 20 tỷ USD vốn đầu tư. Quỹ đất này lớn hơn cả Kinh Bắc, Viglacera, IDICO hay Sonadezi.

Tính đến 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của VSIP là 16.503 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 35.646 tỷ đồng.

Hiện nay, VSIP đang tích cực mở rộng quỹ đất ở Nghệ An. Vào tháng 2/2023, doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án KCN Thọ Lộc (giai đoạn 1) tại các xã Diễn Thọ, Diễn Phú và Diễn Lộc, huyện Diễn Châu với quy mô 500 ha, tổng vốn 165 triệu USD. Dự án này còn được gọi là VSIP Nghệ An 2 và đang triển khai xây dựng. 

Ngoài ra, VSIP vừa qua đã trình xin chủ trương chấp thuận địa điểm thực hiện dự án KCN VSIP 3 với quy mô 220 ha tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Lãnh đạo Nghệ An đã giao Ban Quản lý KKT Đông Nam tham mưu điều kiện thành lập KCN, hoàn thành trước 31/3/2025.

Còn theo giới thiệu của WHA Industrial, nhà phát triển từ Thái Lan đang sở hữu quỹ đất công nghiệp 11.380 ha ở các quốc gia, cùng với đó là 765.000 m2 nhà xưởng xây sẵn. Các KCN của WHA đến nay đã thu hút được số vốn đầu tư khoảng 43,1 tỷ USD. 

Ở diễn biến mới nhất, vào 31/12/2024, Phó Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An đối với WHA Industrial. Dự án có diện tích hơn 183 ha, thuộc các xã Nghi Hưng, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Nói về lý do đầu tư vào Nghệ An, theo WHA, đây là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung Bộ; hạ tầng có 82 km bờ biển, một sân bay quốc tế, 3 cảng nước sâu, cao tốc, cửa khẩu quốc tế với Lào; dân số cao với lực lượng lao động dồi dào cùng môi trường đầu tư tích cực với nhiều ưu đãi thuế... 

Trước đó không lâu, WHA cũng đã được chấp thuận đầu tư KCN WHA Smart Technology 178,5 ha tại các xã Hoằng Quỳ, Hoằng Quý, Hoằng Xuyên và Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Tổng vốn 1.320 tỷ đồng. Tại Hưng Yên, WHA cũng vừa đề xuất nghiên cứu và đầu tư phát triển dự án khu công nghiệp sinh thái thông minh.

Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Nghệ An sẽ phát triển 15 KCN nằm trong các khu kinh tế với diện tích đến năm 2030 là 8.056 ha và sau năm 2030 tăng lên 14.117 ha.

Bên cạnh đó, quy hoạch thêm 8 KCN ngoài khu kinh tế với diện tích đến 2030 là 1.509 ha và sau năm 2030 là 3.659 ha.

Dự kiến sau năm 2030, các khu kinh tế của Nghệ An sẽ có thêm 7 KCN với diện tích khoảng 3.630 ha và 6 KCN ngoài khu kinh tế với diện tích khoảng 3.550 ha.