Các thủ đô du lịch châu Á đổ mồ hôi hột vì vắng bóng khách du lịch từ Trung Quốc

Ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam có thể mất tới 7,7 tỉ USD trong ba tháng đầu năm 2020...
Các thủ đô du lịch châu Á đổ mồ hôi hột vì vắng bóng khách du lịch từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Một chủ shop mang khẩu trang đứng tại quầy quà lưu niệm ở Wat Phra Kaeo (Thái Lan). (Nguồn: Nikkei Asian Review).

Các địa đểm du lịch nổi tiếng ở châu Á đang đối mặt với nguy cơ suy giảm kéo dài về khách du lịch từ Trung Quốc – một nhóm tạo ra khoảng 20% chi tiêu du lịch trên thế giới – khi virus corona gây gián đoạn ngành du lịch.

Các chuyến bay bị hủy bỏ và các hạn chế du lịch đã kìm hãm ngành du lịch Trung Quốc trong suốt dịp lễ Tết Nguyên đán, và một số nhà phân tích kì vọng tác động suy giảm sẽ kéo dài đến tận năm 2021.

Nhưng khi dịch bệnh bùng phát hơn và cướp đi sinh mạng của hơn 1.300 người ở Trung Quốc, một số quốc gia phải đối mặt với áp lực từ công chúng về việc cấm hoàn toàn đối với du khách Trung Quốc.

Vào này 07/02, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết rằng các vận động viên Trung Quốc đã được yêu cầu "tự nguyện không" tham gia Tokyo Marathon, dự kiến diễn ra vào ngày 01/03. Sự kiện Tokyo Marathon – một trong những sự kiện lớn nhất châu Á, theo nhà tổ chức – chào đón gần 10.000 vận động viên từ nước ngoài trong năm nay, với 18% vận động viên đến từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc ) và Macao (Trung Quốc).

1 ngày trước đó, nhà tổ chức đã thông báo rằng các vận động viên Trung Quốc có thể trì hoãn gia nhập vào sự kiện marathon đến năm 2021 nếu họ chọn không thi đấu trong năm nay. Nhà tổ chức Kyoto Marathon, dự kiến diễn ra trong ngày Chủ nhật (16/02), cũng hành động tương tự.

Ông Koike cho biết sẽ rất khó để các vận động viên Trung Quốc tham gia vì nhiều chuyến bay trong nước và quốc tế tại Trung Quốc đã bị hủy bỏ.

Các thủ đô du lịch châu Á đổ mồ hôi hột vì vắng bóng khách du lịch từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Khách du lịch đến Nhật Bản giảm mạnh. (Nguồn: Nikkei Asian Review).

Các nhà chức trách và nhà tổ chức sự kiện tại châu Á khác đang thực hiện những động thái nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ngày 02/02, Philippines đã mở rộng lệnh cấm du lịch đối với du khách từ tỉnh Hồ Bắc thành tất cả du khách nước ngoài từ Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Macao. Singapore đã cấm nhập cảnh người nước ngoài đã từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó, và Mỹ cũng đưa ra động thái tương tự.

Tác động của Trung Quốc đến du lịch toàn cầu là rất lớn. Các công dân Trung Quốc đã chi 277 tỷ USD trong năm 2018, nhiều nhất trên toàn thế giới và một phần năm của tổng chi tiêu du lịch, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết. Chi tiêu của người Trung Quốc cho du lịch đã tăng gấp năm lần so với thời điểm năm 2010.

Hồi tháng 12/2019, Chính phủ Trung Quốc ước tính rằng nước này có tới 168 triệu người Trung Quốc du lịch ở nước ngoài trong năm 2019.

Các điểm đến phổ biến cảm thấy tác động mạnh về kinh tế từ việc mất du khách Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán. Các quốc gia này hiện đang chuẩn bị cho sự vắng mặt kéo dài của du khách từ Trung Quốc.

Singapore hiện đang cấm những người giữ các hộ chiếu Trung Quốc. Hôm thứ Ba (11/02), Singapore cho biết họ dự báo lượng khách đến sẽ giảm 25% đến 30% trong năm nay, với thiệt hại khoảng 5 tỉ USD về chi tiêu du lịch.

Ông Keith Tan, Giám đốc điều hành của Tổng cục Du lịch Singapore, cho biết Singapore đang mất trung bình từ 18.000 đến 20.000 lượt khách mỗi ngày, phần lớn là người Trung Quốc. "Tình hình càng kéo dài, thì tác động sẽ càng lớn", ông nói.

Dịch virus corona có thể có tác động dài hơn so với đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) nghiêm trọng năm 2003, từ đó Singapore cần 7 đến 8 tháng để hồi phục, ông Tan nói. Mạng xã hội nhanh chóng lan truyền thông tin về virus corona trên toàn cầu, vì vậy căn bệnh này sẽ "sống trong tâm trí của mọi người" và làm giảm tâm lí đi du lịch.

Thái Lan chứng kiến lượng khách Trung Quốc giảm gần 60% trong tuần cuối tháng 1, Bộ du lịch Thái Lan cho biết. Họ ước tính thiệt hại kinh tế ở mức 9,15 tỉ baht (tương đương 294 triệu USD) trong khoảng thời gian từ 24-31/01.

Sự sụt giảm trong khách du lịch Trung Quốc làm tăng áp lực lên nền kinh tế của Thái Lan, vốn đã cảm thấy bị sức ép đối với hàng xuất khẩu vì đồng baht mạnh hơn. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã giảm lãi suất xuống mức thấp kỉ lục vào ngày 5/2, nhằm bù đắp một phần tác động về nền kinh tế.

Ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam có thể mất tới 5,9- 7,7 tỉ USD trong ba tháng đầu năm 2020, do việc hủy các tour du lịch Trung Quốc và xu hướng suy giảm chung về khách du lịch nội địa và khách quốc tế, theo dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Du lịch Malaysia phải đối mặt với khoản thiệt hại hơn 400 triệu ringgit (96,7 triệu USD) chỉ riêng trong tháng 2 và tháng 3, vì 5.000 nhóm du lịch từ Trung Quốc hủy chuyến đi của họ. Hiệp hội Trung Quốc Nội địa Malaysia (MICA) nói với các phóng viên ở Kuala Lumpur vào ngày 5/2. Ông Angie Ng, Chủ tịch hiệp hội MICA, kêu gọi người Malaysia đi du lịch trong nước để giúp bù đắp sự sụt giảm nghiêm trọng của du khách Trung Quốc.

Quan điểm về thời gian dịch bệnh sẽ cản trở ngành du lịch Trung Quốc đang bị chia rẽ sâu sắc.

"Sự phục hồi của ngành du lịch ở Trung Quốc được dự báo sẽ là 1-2 tháng sau khi không có trường hợp nhiễm bệnh mới nào", ông Iris Pang, chuyên gia kinh tế của ING Wholesale Banking tại Trung Quốc, chia sẻ.

Trong các dịch bệnh trong quá khứ, ông Pang lưu ý, dòng chảy du lịch trở lại bình thường trong khoảng hai tháng.

Mặt khác, nếu sự bùng phát không được kiểm soát vào tháng 3/2020, "chúng tôi dự báo số lượng người Trung Quốc đi du lịch trong nước sẽ giảm mạnh trong kì nghỉ lễ Lao động trong tháng 5", ông Yao Xuanjie, Nhà phân tích của công ty New Times Securities, nhận định.

Ngành du lịch của Trung Quốc có thể giảm tốc trong hơn 6 tháng vì nỗi ái ngại về virus corona, ông nói. Đồng thời, vị chuyên gia này dự báo rằng du khách nội địa sẽ chỉ tăng dần trong kì nghỉ Tuần lễ Vàng tháng 10/2020. Du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc sẽ không phục hồi cho đến năm 2021, ông nói thêm.

Takayuki Miyajima, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu Mizuho, cho rằng: “Gần như không thể dự báo về mức độ tác động của virus corona đến thói quen du lịch nước ngoài của Trung Quốc”. Ông cho rằng mùa hè có thể cung cấp một vài manh mối về mức độ tác động của virus corona.

Tháng 7 và tháng 8 là hai tháng khách du lịch Trung Quốc đến thăm Nhật Bản nhiều nhất, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản.

"Tác động của dịch SARS trong năm 2003 không kéo dài quá lâu và số lượng du khách đến Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại sau chưa đầy một năm", ông Miyajima nói. "Việc xem xu hướng du lịch trong mùa hè bị ảnh hưởng bởi coronavirus như thế nào là rất quan trọng".


chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.