Cần làm rõ Rạng Đông có xả thải Cadimi, Asen ra môi trường hay không

Bộ TN&MT cho biết nguồn gốc các kim loại nặng như Cadimi, Asen có do Công ty xả thải ra môi trường hay không, cần tiếp tục được nghiên cứu, điều tra làm rõ.

Dientu_HBCP_2

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. (Ảnh: Bộ TN&MT).

Ngày 4/9, Bộ TN&MT đã đăng tải thông tin về việc Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân công bố kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích, đánh giá về chất lượng môi trường không khí, nước, đất, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) của Sở TN&MT Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường), từ ngày 30/8/2019 - 1/9/2019 sau vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Cụ thể, thông tin trên trang web của Bộ TN&MT cho biết kết quả so sánh giá trị nồng độ thủy ngân với các qui chuẩn của Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường cho thấy có 1/2 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân vượt QCVN 08-MT:2015 1,3 lần tại thời điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5km.

Có 1/8 mẫu nước thải có giá trị thủy ngân vượt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) 2,76 lần tại điểm quan trắc Hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty Rạng Đông.

Đáng chú ý là có tới 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị thủy ngân vượt QCVN 43:2017/BTNMT.

Tại điểm quan trắc ở sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty Rạng Đông ở ngõ 320 Khương Đình 1 km có giá trị thủy ngân cao nhất, vượt QCVN 43:2017/BTMNT 6,1 lần.

Có 1/6 mẫu không khí có giá trị thủy ngân vượt QCVN 06:2009/BTNMT 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty Rạng Đông.

Ngoài ra, kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR - Mỹ, Canada cho thấy:

Đối với các điểm quan trắc chất lượng không khí xung quanh, Tổng cục Môi trường đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ thủy ngân (bằng bẫy vàng theo công nghệ của Nhật Bản) theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200m, 500m và 1.000m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy.

Kết quả cho thấy, trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

Các điểm quan trắc trong không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy (trạm Oxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR - Mỹ từ 10 - 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người).

Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khỏe con người đó là điểm NM-HĐ 02 (hồ Hạ Đình) và điểm TL 05 (sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5km về phía hạ lưu).

Ngoài ra, nồng độ thủy ngân quan trắc được trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty Rạng Đông có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.

anh_zing_1

(Ảnh: Zing.vn).

Đáng chú ý, theo thông tin trên trang web của Bộ TN&MT, kết quả quan trắc một số kim loại nặng khác cũng phát hiện thấy có giá trị vượt ngưỡng QCVN.

Cụ thể, có 1/8 mẫu nước thải có giá trị Chì vượt QCVN 40:2011/BTNMT 1,96 lần tại hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty Rạng Đông.

9/13 mẫu trầm tích, bùn đáy (trên sông Tô Lịch) có giá trị Cadimi vượt QCVN 43:2017/BTNMT (trầm tích nước ngọt).

Điểm quan trắc có giá trị Cadimi cao nhất vượt QCVN 43:2017/BTNMT 1,98 lần là điểm cống xả số 1 cạnh ngõ 320 Khương Đình trước khi đổ ra sông Tô Lịch; 2/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Asen vượt QCVN 43:2017/BTNMT (trầm tích nước ngọt ).

Điểm quan trắc có giá trị Asen cao nhất vượt QCVN 43:2017/BTNMT 1,13 lần là điểm trên sông Tô Lịch cách ngõ 320 Khương Đình 1km về phía hạ lưu.

"Tuy vậy, nguồn gốc các kim loại nặng như Cadimi, Asen có do Công ty xả thải ra môi trường hay không, cần tiếp tục được nghiên cứu, điều tra làm rõ", thông tin trên trang web của Bộ TN&MT nêu rõ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.