Ngày 12/11, một số doanh nghiệp (DN) giết mổ, kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP HCM cho biết thị trường đang rất căng thẳng bởi giá heo hơi nguyên liệu liên tục tăng và chưa có điểm dừng.
Trước đó, vào chiều muộn 11/11, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tăng giá bán heo hơi ra thị trường thêm 1.000 đồng/kg, lên mức 65.000 đồng/kg, nhưng vẫn tiếp tục xuất hàng nhỏ giọt, thậm chí không có. Từ giá tham chiếu này, các trang trại nhỏ đã đẩy giá bán heo tại chỗ lên mức 68.000 -70.000 đồng/kg.
Dù đẩy giá lên cao nhưng lượng heo các trang trại cung ứng ra thị trường trong nước lại giảm mạnh. Lượng heo giết mổ, đưa ra thị trường của một số DN cũng giảm khoảng 20% so với thời điểm chưa xảy ra sốt giá heo hơi.
"Giá thu mua heo nguyên liệu gần như tăng mỗi ngày nhưng công ty không thể điều chỉnh giá bán lẻ tăng tương ứng nên càng giết mổ nhiều càng lỗ lớn. Với mức giá mua - bán như hiện tại, lợi nhuận của chúng tôi đã về dưới 0% từ mấy ngày nay", đại diện một DN giết mổ thịt heo quy mô lớn tại TP HCM cho biết.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lí và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, dự báo nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt nên giá thịt heo từ nay đến Tết sẽ còn tăng.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hiện cao ngất ngưởng, chưa từng thấy trong lịch sử ngành chăn nuôi - cách nay khoảng 3 năm, giá heo lên cao nhất là 63.000 đồng/kg. Dù vậy, giá heo trong nước hiện chỉ bằng 1/2 giá bên Trung Quốc nên thương lái thu gom heo vận chuyển ra Bắc bán để hưởng chênh lệch.
Trong khi đó, giới thương lái cho biết khi giá heo trong nước tăng, nguồn heo từ Campuchia, kể cả Thái Lan, đã được vận chuyển bằng đường bộ vào Việt Nam theo dạng tiểu ngạch dọc biên giới tại khu vực Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, mỗi ngày khoảng 700-1.100 con. Hiện giá heo tại Thái Lan chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, còn ở Campuchia khoảng 50.000 đồng/kg.
Trước sức ép tăng giá liên tục trên thị trường, sáng 12/11, tổ điều hành giá Chương trình Bình ổn thị trường TP HCM đã làm việc với các DN tham gia bình ổn mặt hàng thịt heo trên địa bàn. Hai bên thống nhất điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn của các DN, gồm: hệ thống siêu thị Big C, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), Công ty Chế biến và Thực phẩm Sài Gòn, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam lên 7,3%-26,5%, tương ứng với mức tăng 8.000-35.000 đồng/kg, tùy loại (áp dụng từ ngày 13-11).
Dù mức điều chỉnh khá cao nhưng theo các DN, đợt điều chỉnh này chỉ giúp họ giảm lỗ chứ chưa thể có lãi.
Như vậy, đây là lần điều chỉnh giá thịt heo bình ổn trong vòng chưa đầy 1 tháng. Trước đó, ngày 26/10, giá bán thịt heo bình ổn thị trường tại TP HCM đã được điều chỉnh tăng 5,9%-14,3%, tương ứng với mức tăng 6.000-13.000 đồng/kg, tùy loại.
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại chợ Bến Thành, TP HCM. (Ảnh: TẤN THẠNH).
Việc giá heo tăng liên tục đã gây áp lực lớn lên các DN chế biến thực phẩm vốn đang trong mùa cao điểm sản xuất hàng Tết.
Ông Nguyễn Văn Ngàn - chủ một cơ sở chả lụa ở quận 8, TP HCM - cho biết giá heo tăng cao chưa từng có buộc ông phải nhiều lần tăng giá chả lụa chỉ trong thời gian ngắn.
"Mỗi lần chỉ dám tăng giá bán khoảng 10% và tăng tổng cộng 30% trong vòng 1 tháng nay. Nếu giá thịt heo cứ tăng liên tục như mấy ngày qua, đến Tết tôi có thể tăng giá bán thêm khoảng 20% mới đủ bù đắp chi phí", ông lo ngại.
Ông Võ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn, cho biết công ty của ông cũng vừa điều chỉnh giá bán các sản phẩm từ heo lên 10%-15% vì nguyên liệu đầu vào tăng quá cao. Từ giờ đến Tết nguyên đán, công ty có thể phải điều chỉnh tiếp sao cho phù hợp với tình hình.
Theo ghi nhận của phóng viên, tới thời điểm này, rất ít DN dám đưa ra dự đoán về tình hình cung ứng cũng như giá bán mặt hàng thịt heo trong thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán 2020.
"Lượng heo chết do dịch bệnh tương đương với sản lượng dư thừa, về nguyên tắc thì số còn lại đủ cho thị trường. Vấn đề là giá thịt heo tại Trung Quốc đang rất cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo không cho xuất khẩu thịt heo qua Trung Quốc nhưng việc kiểm soát chưa hiệu quả. Heo hơi Việt Nam vẫn xuất bán qua biên giới, gây thiếu hụt tại thị trường nội địa. DN và người dân đang phải mua heo giá cao là vì vậy", giám đốc một DN giết mổ heo phân tích.
Theo vị giám đốc này, giải pháp để giảm đà tăng giá thịt heo hiện nay là nhà nước làm sao ngăn chặn xuất lậu sang Trung Quốc; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng: chuyển từ sử dụng thịt heo "nóng" sang thịt đông lạnh và thịt động vật khác như bò, gà, vịt...
Tuy nhiên, giá heo tăng quá cao nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thay thế như thịt bò, gà, vịt, thủy sản... có xu hướng tăng lên lại kéo giá các mặt hàng này tăng theo.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết mấy tháng trước, giá gà công nghiệp dao động 14.000-18.000 đồng, nay đã tăng lên 24.000 đồng. Các loại gà màu, gà tam hoàng, vịt cũng tăng nhẹ và đang dần ổn định trong khoảng 30.000-40.000 đồng/kg.
Dù giá tăng nhưng theo ông Ngọc, nguồn cung gà hiện nay rất dồi dào, không lo thiếu trong dịp cuối năm.
Giá bò hơi hiện cũng đã lên 75.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tháng trước, khi thương lái chuyển sang tìm mua bò vì nguồn cung heo khan hiếm. Ông Nguyễn Khắc Quang, chủ trại chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Bình Thuận, dự đoán giá bò sắp tới sẽ còn tăng và có thể đạt 90.000 đồng/kg vào thời điểm Tết.
Tăng cường nhập khẩu heo
Tổ điều hành giá Chương trình Bình ổn thị trường TP HCM đã thống nhất cho các DN được điều chỉnh tăng - giảm giá bán các mặt hàng thịt heo trong chương trình với điều kiện bảo đảm giá bán luôn thấp hơn giá thị trường 5%.
"Giải pháp này nhằm hỗ trợ các DN linh hoạt điều chỉnh giá trong điều kiện giá nguyên liệu biến động liên tục như hiện nay. Bên cạnh đó, các sở, ngành và DN còn thống nhất giải pháp tăng cường nhập khẩu thịt heo để tăng nguồn cung ra thị trường nhằm giảm áp lực tăng giá trong thời gian từ nay đến Tết nguyên đán", bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay.
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020