Cao tốc Bắc - Nam bao giờ thông?

Hủy sơ tuyển quốc tế, chuyển sang sơ tuyển trong nước khiến tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông kéo dài thêm ít nhất 3 tháng.

Nhưng tiến độ thực tế sau đấu thầu như thế nào phụ thuộc rất lớn vào việc các ngân hàng trong nước có “gật đầu” chấp nhận cho vay hay không.

Tháng 3 sẽ phát hành hồ sơ thầu

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), các ban quản lý dự án (QLDA) đã trình kết quả chấm sơ tuyển lên Bộ GTVT và đang được các chuyên gia của Ban PPP (đầu tư theo phương thức đối tác công - tư), Bộ GTVT đang thẩm định lại. Trước đó, chốt hồ sơ, có 32 nhà đầu tư trong nước tham dự vòng sơ tuyển với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thành phần PPP.

“Hiện các chuyên gia của Bộ đang yêu cầu nhà đầu tư làm rõ thêm các vấn đề phát sinh trong một số hồ sơ dự sơ tuyển, ví dụ như yêu cầu về vốn điều lệ phải có nghị quyết của hội đồng cổ đông về việc phân bổ vốn... Đây là vòng thứ 2 sau khi các ban QLDA sơ tuyển, yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh được các điều kiện hợp lệ, để làm chặt chẽ hơn hồ sơ, nếu không làm rõ được thì phải chấp nhận bị loại”, ông Huy nói.

Cao tốc Bắc - Nam bao giờ thông? - Ảnh 1.

8 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ khởi công cuối năm 2020 (Ảnh: Độc Lập - Đồ họa: Hồng Sơn)

Được biết, một số dự án đã được các chuyên gia của Bộ thẩm định xong, sau khi có kết quả, Bộ GTVT sẽ báo cáo Tổ giám sát liên ngành về đấu thầu cao tốc Bắc - Nam do Bộ KH-ĐT chủ trì, trước khi công bố kết quả sơ tuyển chính thức. Đáng chú ý, với 8 dự án thành phần PPP, theo ông Huy, có 1 dự án chỉ sơ tuyển được 1 nhà đầu tư.

Trước đó, việc hủy kết quả sơ tuyển quốc tế, chuyển sang sơ tuyển trong nước khiến dự án bị kéo dài hơn 3 tháng. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn đang đảm bảo đúng tiến độ, dự kiến cuối tháng 3/2020 kết thúc sơ tuyển, các ban QLDA sẽ phát hành hồ sơ đấu thầu. Trường hợp thuận lợi, các dự án có thể hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công vào cuối năm 2020. Với trường hợp dự án chỉ sơ tuyển được 1 nhà đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ quyết định hình thức.

Với 3 dự án hợp phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án Cam Lộ - La Sơn đã khởi công 2 gói thầu vào tháng 9/2019. Dự án Cao Bồ - Mai Sơn (do Sở GTVT tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư) không tổ chức khởi công nhưng đã thi công từ cuối năm 2019, nhà thầu được lựa chọn là Doanh nghiệp xây dựng tư nhân Xuân Trường. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến trước đó sẽ khởi công xây dựng phần đường dẫn và cầu dẫn trong quý 4/2019, nhưng hiện đã được lùi sang đầu năm 2020.

“Ẩn số” vốn

Trước đó, sau khi thay đổi hình thức sơ tuyển, Bộ GTVT dự kiến sẽ kết thúc sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 2/2020, nhà đầu tư sẽ có thời gian tối thiểu 60 ngày chuẩn bị hồ sơ dự thầu, các ban QLDA sẽ đóng thầu cuối tháng 4/2020. 

Thêm 2 tháng cho đánh giá hồ sơ dự thầu, 40 ngày cho thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu, nhanh nhất công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8/2020. Nhưng với tiến độ thực tế như hiện nay, việc lựa chọn nhà đầu tư dự kiến sẽ phải kéo dài tới cuối năm 2020, đồng nghĩa với việc hoàn thành dự án có thể kéo dài thêm so với mốc 2022 trước đó.

Tuy nhiên, quy trình đấu thầu kéo dài không phải là mối lo lớn nhất với tiến độ triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam, mà là “ẩn số” vốn. Hồ sơ của các nhà đầu tư tại vòng sơ tuyển mới chỉ là cam kết tín dụng, tới vòng đấu thầu, các nhà đầu tư mới phải đưa ra cam kết chính thức từ phía ngân hàng. Vì thế, theo một lãnh đạo Bộ GTVT, hiện vẫn chưa thể đánh giá được tính khả thi về nguồn vốn tín dụng các nhà đầu tư có thể huy động để triển khai.

Đáng chú ý, trong số 32 nhà đầu tư dự sơ tuyển, không có nhiều tập đoàn lớn, mạnh về tài chính; đa phần đều là các đơn vị xây lắp hoặc từng tham gia đầu tư các dự án BOT trước đây.

Lãnh đạo một doanh nghiệp tham gia sơ tuyển cho biết đã liên danh với doanh nghiệp xây lắp khác để tham gia dự sơ tuyển 1 dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo doanh nghiệp này không tự tin vào khả năng “lọt” qua vòng sơ tuyển cũng như thắng thầu. Lí do, dù đủ kinh nghiệm thi công, xây lắp, đủ khả năng thu xếp 20% vốn điều lệ, nhưng hiện liên danh chưa nhận được cam kết chính thức nào từ phía các ngân hàng trong nước.

“Nhưng ngay cả cam kết này cũng chưa nói lên được điều gì, thậm chí ngay cả sau khi hợp đồng đã ký chính thức, việc bị lụt tiến độ do bể cam kết giải ngân vẫn có thể xảy ra. Trong khi tới thời điểm này, vẫn chưa có một tín hiệu hay cơ chế đặc biệt nào về nguồn tín dụng dành riêng cho cao tốc Bắc - Nam”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Cũng theo ông này, bài học cho cao tốc Bắc - Nam là ngay cả những dự án nhà đầu tư có năng lực về thi công, tài chính khá vững như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đã bị chậm tiến độ, trầy trật rất nhiều về tín dụng khi các ngân hàng yêu cầu thêm rất nhiều điều kiện chặt chẽ và không như thông lệ về phần vốn góp của nhà đầu tư, phần hỗ trợ của nhà nước phải giải ngân xong...

Bộ GTVT cho biết tính đến hết năm 2019, 11/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông cơ bản đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, đang lập phê duyệt phương án hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch, các địa phương phải bàn giao xong đất nông nghiệp trước cuối năm 2019 và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quí 2/2020. Tuy nhiên, mục tiêu bàn giao đất toàn bộ mặt bằng diện tích đất nông nghiệp chưa thể hoàn thành do nhiều khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, như tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.