Khi hỏi người dân New York những gì họ nhớ nhất sau gần hai tháng bị cách li, phần lớn đều trả lời rằng họ đã có dịp chứng kiến một phiên bản hoàn hảo của thành phố được xây dựng từ đầu. Những chiếc ghế rẻ tiền ở ngoài sân, tiếng cụng li được nghe vào "giờ hạnh phúc", khoảng thời gian khi một địa điểm giảm giá đồ uống có cồn. Gặp gỡ anh em họ rồi cùng chơi bóng đá trong Công viên Cầu Brooklyn. Tiếng ồn ào của rạp chiếu phim trước khi đèn trong rạp đều tắt.
"Tôi nhớ các thiết bị tập thể dục của mình", huấn luyện viên thể hình Barbara James của phòng tập Brooklyn Heights, chia sẻ.
"Hầu như tất cả mọi thứ", một cảnh sát thở dài ngồi sau tay lái của mình ở Williamsburg, Brooklyn, khi được phóng viên Thời Báo New York phỏng vấn. "Tôi nhớ mọi thứ", anh nhấn mạnh.
Việc phong toả thành phố đã khiến tất cả mọi người trở thành khách du lịch, chỉ biết ngồi nhìn vào những bức ảnh cũ trên Instagram và Facebook để tìm lại một thành phố "đã từng là như thế ở ngoài cửa".
"Nhiều hơn bất cứ điều gì khác, tôi nhớ sự đa dạng của New York", ông Eddie Antar, 58 tuổi, ở khu Inwood, Manhattan, nói. Ông và vợ, vào cuối tuần thường đi vi vu trên tàu hỏa, không biết đích đến. Họ có thể nhảy xuống đường 125 và đi bộ qua Công viên Trung tâm đến Columbus Circle, và xa hơn về phía nam, kết thúc ở Lower Manhattan và ăn tối.
"Tất cả mọi thứ chúng tôi làm bây giờ rất hạn chế, trái ngược với việc tự do đi lại ngày xưa. Ngay cả ở cấp độ tiến hóa, chúng ta là những sinh vật di cư; chúng ta là những kẻ lang thang. Đó là một phần của DNA của chúng tôi, để đánh thức các giác quan tìm đến một cái gì đó mới mẻ", ông Antar cho biết.
Tommy O'Neil, 24 tuổi, một giáo viên khoa học tiểu học ở Brooklyn, cho biết anh mong mỏi về những ngày xưa cũ với những cuộc dạo chơi vô mục đích, mỗi khu phố là một bối cảnh đẳng cấp thế giới. "Hầu như chúng tôi phàn nàn cả ngày, mỗi ngày, về việc liệu đang có bao nhiêu người sống ở đây. Tôi nhớ những vỉa hè tấp nập ở làng Đông. Những người bận rộn đi dạo quanh Công viên Trung tâm. Tôi nhớ cả âm nhạc", anh nói.
Trên khắp nước Mỹ và thế giới, sự mất mát vì đại dịch có thể cảm thấy gần như vô cùng mạnh mẽ ở New York. Người ta hướng tới New York là hướng tới đỉnh cao của nghề nghiệp. New York là thành phố dành cho đám đông. Đây là những điều làm cho thành phố này đáng giá, dù giá thuê ngày một tăng điên cuồng, hệ thống tàu điện ngầm ì ạch,…
"Ta cứ tưởng như một kỉ nguyên đã trôi qua nhưng thật chất chỉ mới 10 tuần. Một cách bất ngờ, tất cả đã bị xé toạc ra khỏi chúng ta, thậm chí chúng ta không có cơ hội để nói lời tạm biệt. Đây là một cảm giác kì lạ duy nhất: bạn tuyệt vọng nhớ nơi bạn đang sống". Kathryn Ghotbi, 26 tuổi, một người New York, đã mô tả những gì xảy ra trong tâm trí bản thân về một New York khác lạ trong những ngày phong toả.
Cô tâm sự bản thân rất nhớ những khi cạn kiệt sức vì dành cả ngày ở viện bảo tàng, và sau đó, ngã gục xuống đĩa thức ăn ngon tại một nhà hàng địa phương.
Một vài người còn phải nếm trải những mất mát khác. Trên đảo Staten, bà Lori Smith, 57 tuổi, đã trải qua tháng cuối cùng trong đời với người anh trai, Tommy Smith III. Người anh đã chết vào ngày 10/4 vì Sars-CoV-2.
Họ lớn lên cùng những chuyến đến thăm các cửa hàng thu âm và âm nhạc ở Manhattan. Điều này gieo trong cô một kết nối sâu sắc với thành phố. "Tôi luôn thích đi lại. Tôi chưa bao giờ thấy đó là một sự vất vả", cô Smith nói. Mặc dù, mỗi ngày, cô phải đi phà từ đảo Staten đến làm việc tại Câu lạc bộ chó giống Mỹ gần Grand Central Terminal.
Mỗi khi ra khỏi nhà đi đâu đó, cô đều vui vẻ chỉ đường cho một khách du lịch. "Có những người trên thế giới này tiết kiệm tất cả tiền của họ để đến đây vào kì nghỉ. Họ làm thế chỉ vì muốn xem thành phố của chúng tôi", cô nói.
Vẫn có những thứ mà mọi người không mong đợi ở New York. Giao thông đông đúc trên đường cao tốc Long Island, hoặc trên đường cao tốc Brooklyn-Queens. Bất cứ nơi nào trong thành phố đều có thể trở thành điểm giao thông ùn ứ. Nhưng những hình ảnh đó bỗng chốc bốc hơi không một dấu vết.
Sống ở New York, ít nhiều mỗi người đều sẽ có một địa điểm yêu thích. Đối với Liz Maggiotto, 41 tuổi, đó là Bread and Yoga, một studio yêu thích ở Inwood. Đối với Cydney Weisel, 26 tuổi, sẽ rất vui vẻ dù bất cứ nơi nào khi có bạn bè. Đối với Nghiêm Chính, 52 tuổi, người điều hành Cửa hàng tạp hóa Lucky Family ở Brooklyn, đó là Salon Blue Color Hair.
"Bạn đi đến và bạn không nghĩ gì khác. Bạn chỉ cần thư giãn. Trong Phật giáo, tóc được gọi là "ba ngàn nỗi rắc rối", và do đó, cắt tóc giống như vứt bỏ những rắc rối của bạn", cô nói.
Đối với Elizabeth Curtis Bergin, 31 tuổi, đó là những tương tác hàng ngày, trao đổi nhỏ với những người lạ khi ai đó làm rơi thứ gì đó trên đường, hoặc nhắc nhở nhau những chỗ ngồi trống trên tàu.
Với Maggiotto, hơn cả cô nhớ phòng tập yoga của mình. Cô mong mỏi một ngày khi cô con gái 4 tuổi của mình, Livia, có thể hành động "như một đứa trẻ" một lần nữa .
Hôm qua, người bạn thân nhất của cô đã đến thăm nhưng cả hai đứa trẻ đều không quan tâm. "Ngày trước, chúng ta thường nói 'xin chào', và bây giờ chúng ta phải nói 'vui lòng đứng xa tôi một chút', điều đó hoàn toàn không tự nhiên và tạo nên ý thức xấu cho lũ trẻ", cô nói.
Đi qua những ngày dịch, nhiều người tâm sự những gì họ thực sự muốn là thứ chúng ta từng có thể có được ở hầu hết mọi nơi. "Tôi đã không được ôm ấp trong nhiều tháng", Michelle Velasquez, một huấn luyện viên cá nhân cho biết.
"Tôi nghĩ về những người đã mất đi người thân, và tôi không thể tưởng tượng được cảm giác mất đi một người thân yêu và không ai đến ôm người ấy. Hoặc, bạn đang ở trong bệnh viện và không ai đến để ôm bạn vào lòng. Sinh nhật của tôi diễn ra trong thời kì phong toả, tôi đã không nhận được một cái ôm nào", anh nói thêm
Susane Colasanti, 47 tuổi, một tiểu thuyết gia trẻ tuổi ở Manhattan, biết rõ hơn bất cứ ai những gì cô khao khát được gặp lại. "Tôi nhớ bản thân mình. Tôi nhớ thái độ sống tích cực, kiên cường và quyết tâm thành công của ngày xưa", cô viết.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020