Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác

New York là tâm điểm dịch bệnh, nhưng giữa lòng New York, quận Queens - nơi ở của người nhập cư, và là một trong những khu vực đa dạng nhất thế giới - đang nổi lên là một tâm dịch.

Anil Subba, một tài xế taxi từ khu Jackson Heights, thuộc quận Queens của thành phố New York, tử vong chỉ vài giờ sau khi rời khỏi máy thở ở bệnh viện Elmhurst.

Ở một khu khác mang tên Corona, cũng thuộc Queens, Edison Forero, 44 tuổi, nhân viên nhà hàng từ Colombia, đang lên cơn sốt, nhưng người thuê cùng nhà lại yêu cầu anh chuyển ra ngoài.

Raziah Begum, cũng ở Jackson Heights, một góa phụ và là người giữ trẻ đến từ Bangladesh, lo rằng bà sẽ sớm đổ bệnh. Hai trong số ba người sống cùng nhà với bà đã có triệu chứng của Covid-19. Mọi người trong căn hộ này đều mất việc. Họ ăn một bữa cơm mỗi ngày, bà nói với New York Times.

“Chúng tôi đói lắm, nhưng tôi còn sợ bị bệnh hơn”, bà Begum, 53 tuổi, người có bệnh tiểu đường và huyết áp cao, chia sẻ.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 1.

Quận Queens là nơi đa dạng nhất ở New York. Chuyến tàu 7 chạy xuyên Queens thường được gọi là “tàu tốc hành quốc tế” (International Express) vì chạy qua cộng đồng nhiều nước khác nhau. (Ảnh: New York Times).

Khu vực đa dạng nhất trên Trái Đất

Thành phố New York đã tê liệt vì virus corona, nhưng ít khu nào chịu tổn thương nặng nề như Queens. Khi một khu vực trung tâm ở đây, nơi đông dân nhập cư và có diện tích chỉ 18 km2, lại ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm trong những tuần đầu của dịch.

New York đã có những dấu hiệu tích cực vào ngày 9/3, dù ngày đó có thêm 799 ca tử vong - con số kỉ lục. Tỉ lệ nhập viện trở nên ổn định, không tăng - lần đầu tiên kể từ khi phong tỏa. Dù vậy, các quan chức nói vẫn còn sớm để nói xu hướng đó có duy trì hay không, và các biện pháp giãn cách xã hội vẫn cần tiếp tục.

Đại dịch đã phơi bày sự bất bình đẳng cố hữu tại New York, và các khu có đông người lao động nhập cư chịu tổn thương nhiều hơn và nhanh hơn so với các nơi khác.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 2.

Người xếp hàng ở PL$, một tiệm chuyển tiền ở khu Jackson Heights, Queens. (Ảnh: New York Times).

Một số khu liền kề nằm trong Queens - Elmhurst, Đông Elmhurst, Jackson Heights, Corona - đang trở thành tâm dịch mới bên trong New York, vốn đã là tâm dịch của thế giới.

Tính đến ngày 8/4, những cộng đồng trên, với tổng dân số khoảng 600.000 đã có hơn 7.260 ca nhiễm virus corona, theo dữ liệu của thành phố. Tỉ lệ nhiễm này lớn hơn nhiều so với quận Manhattan - nơi trung tâm và giàu có hơn, nơi có gấp ba dân số nhưng chỉ 10.860 ca nhiễm.

Đại diện các nhóm cộng đồng và nhân viên y tế nói đại dịch chắc chắn đang ảnh hưởng nặng hơn đến những lao động tự do, nhân viên nhà hàng, lau dọn người Nam Mỹ. Người Nam Mỹ chiếm tỉ lệ dân số cao nhất tại các khu vực nói trên - những khu được coi là đa dạng nhất trên Trái Đất.

Người Nam Mỹ chiếm 34% tổng số ca tử vong toàn thành phố - tỉ lệ cao hơn các các nhóm sắc dân khác, New York Times cho biết dựa vào dữ liệu chính thức.

Không chỉ người Nam Mỹ, các khu vực nói trên ở Queens cũng có cộng đồng lớn các dân tộc khác, đang chịu thiệt hại lớn từ đại dịch Covid-19, như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Philippines, và Negal, theo New York Times.

Quận Queens nói chung, và các khu Elmhurst và Jackson Heights nói riêng, cũng là nơi ở của nhiều người Việt Nam đang học tập, làm việc tại thành phố New York.

Vì sự đa dạng này, chuyến tàu 7 chạy xuyên qua Queens còn được mệnh danh là "tàu tốc hành quốc tế" (International Express) vì chạy qua cộng đồng nhiều nước khác nhau.

Bệnh viện Elmhurst là nơi ảnh hưởng nặng nề nhất và sớm nhất từ đại dịch. Hàng chục bệnh nhân đã phải chờ ở hành lang, khiến hành lang bệnh viện trở nên đông đúc, tắc nghẽn. Họ sợ hãi vì đi một mình và nói không thạo tiếng Anh, theo New York times.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 3.

Bệnh viện Elmhurst, một bệnh viện công, là nơi ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch ở New York. (Ảnh: New York Times).

Dịch bệnh làm khu vực “rung chuyển”

“Chúng tôi là tâm dịch của tâm dịch”, dân biểu Daniel Dromm, đại diện cho khu Elmhurst và Jackson Heights, nói với New York Times, nghẹn đi khi điểm lại những người đã nằm xuống, bao gồm 5 người bạn và hơn hai chục người trong các khu mà ông đại diện.

“Cả khu vực đã rung chuyển (vì dịch bệnh)”, ông nói.

Khi cập nhật hàng ngày về số người chết, giới chức y tế thành phố và tiểu bang không ghi chi tiết nơi nào có bao nhiêu người chết. Nhưng đại diện các cộng đồng và tổ chức đã tự thống kê, nhờ đó hé lộ thương vong kinh hoàng, bất tương xứng mà các cộng đồng nhập cư đang hứng chịu.

Một số cái tên nổi bật ở Queens đã ra đi, bao gồm Antonio Checo, linh mục nhà thờ St. Mark’s Episcopal ở khu Jackson Heights; Lorena Borjas, nhà hoạt động vì người chuyển giới; và Kamal Ahmed, Chủ tịch Hội Người Bangladesh.

Liên minh Nhân viên Taxi New York nói 28 tài xế đã tử vong, đa số là người nhập cư sống ở Queens. Make the Road New York, nhóm vận động cho các lao động Nam Mỹ ở Queens, cho biết 8 thành viên đã tử vong.

“Bi kịch đang diễn ra”, Giám đốc của nhóm, Javier Valdés, nói.

Đại dịch đã “cuốn sạch” sự sầm uất và năng lượng chưa bao giờ cạn của Queens, nhất là ở Đại lộ Roosevelt chạy dọc theo đường tàu và các bến tàu. Con phố “huyết mạch” của khu vực, vốn nhộn nhịp với các quán đủ loại đồ ăn, quán cắt tóc, siêu thị, tiệm cắt tóc, hay tiệm bán các tờ báo cộng đồng có tới hàng chục ngôn ngữ, nay đóng cửa.

Sự tĩnh lặng kì lạ thi thoảng bị phá vỡ bởi tiếng rầm rập và tiếng còi khi những đoàn tàu chạy qua ở phía trên.

Một số người đã quay trở ra, dựng bàn bán khẩu trang và áo bảo hộ. Nhà thờ, thánh đường đều đóng, nên gia đình những người tử vong chỉ có thể thương tiếc ở nhà.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 4.

Vivien Grullon, ngoài cùng bên trái, bán khẩu trang và găng tay dưới bến tàu điện ngầm Đại lộ Roosevelt ở khu Jackson Heights, Queens. (Ảnh: New York Times).

Không có giấy tờ, không có bảo hiểm

Sự đông đúc của Queens có thể là một phần khiến quận này ảnh hưởng nặng nề. Nhưng các bác sĩ và lãnh đạo cộng đồng nói sự nghèo đói, các căn nhà ở đông người, và hành động không đủ của chính quyền, đã khiến cư dân ở đây ảnh hưởng nặng hơn do virus.

“Tôi không nghĩ thành phố đã truyền thông đủ về mức độ nguy hiểm”, Claudia Zamora, Phó giám đốc một nhóm vận động vì người lao động ở Jackson Heights, nói với New York Times.

Đầu tháng 3, thành phố đưa ra tờ rơi khuyến cáo rửa tay, nhưng không có nhân viên đi vận động và dịch ra nhiều ngôn ngữ, để có thể truyền thông đủ về nguy cơ, bà Zamora nói.

Người đổ bệnh bao gồm những lao động như Ángel, 39 tuổi, công nhân xây dựng từ Ecuador.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 5.

“Tôi không có ai giúp đỡ”, Ángel, 39 tuổi, công nhân xây dựng từ Ecuador, nói với New York Times. (Ảnh: New York Times).

Giống nhiều người khác, anh tiếp tục làm việc ở công trường tại Manhattan cho đến khi đổ bệnh. Anh tới bệnh viện Elmhurst nhưng triệu chứng chưa đe dọa tính mạng, nên anh được yêu cầu về nhà. Anh chịu đựng bệnh ở căn hộ thuê chung với ba công nhân khác ở khu Corona.

“Tôi không có ai giúp đỡ”, Ángel nói với New York Times, đề nghị giấu họ vì không có giấy tờ hợp pháp.

Thành phố New York phủ nhận rằng họ đã để mặc người nhập cư. Sở Y tế thành phố cho biết đã tạo tờ rơi bằng 15 ngôn ngữ và chiến dịch truyền thông nhiều ngôn ngữ trên tàu điện ngầm và trên TV, cập nhật liên tục cho báo chí các thứ tiếng về sự cấp bách của giãn cách xã hội.

Ronny Barzola, 28 tuổi, người Mỹ gốc Ecuador từ khu Kew Gardens, Queens, làm việc cho dịch vụ giao đồ ăn Caviar, là một trong số ít người may mắn vẫn có việc làm. Anh rửa tay bằng nước sát trùng thường xuyên, nhưng vẫn lo về mẹ và người chị/em gái - cả hai đều ốm ở nhà mà chưa được xét nghiệm.

“Không thể cách li khi mọi người sống chung căn hộ”, anh nói với New York Times.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 6.

Hai chị em họ Idenia Ferrera (trái) và Kimberly Ferrera (phải) ngồi bên ngoài nhà mình ở Corona, Queens, tuân thủ chỉ dẫn không ra ngoài giữa đại dịch. (Ảnh: New York Times).

Anil Subba, tài xế người Nepal sống ở khu Jackson Heights, nhắc tới ở đầu bài, đã thôi lái xe vào tháng trước, sau khi chở một hành khách bị ốm, theo người anh/em họ Munindra Nembang.

Subba, 49 tuổi, bị tiểu đường. Vợ và hai con của anh cũng nhiễm bệnh. Subba tử vong chỉ vài giờ sau khi bệnh viện Elmhurst tưởng rằng anh đã đủ khỏe, để bỏ máy thở ra.

Nhiều người nhập cư Nepal khác cũng đang ốm. “Một số đang trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), một số phải thở máy, một số đang xếp hàng chờ”, Nembang nói với New York Times. “Chúng tôi rất buồn”.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 7.

Anil Subba, thứ hai từ phải, một tài xế Uber người Nepal từ khu Jackson Heights, đã tử vong ngày 31/3, sau khi nhiễm virus corona. (Ảnh: New York Times).

Nhiều cư dân trong khu vực có sức khỏe kém từ trước khi xảy ra đại dịch. Một quan chức phụ trách các bệnh viện New York cho biết tỷ lệ tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh mạn tính khác ở Queens cao hơn hẳn so với trung bình toàn thành phố, theo New York Times.

Tệ hơn, nhiều người không có bảo hiểm sức khỏe, và dựa vào các bệnh viện công.

“Họ (chính quyền) nói nên ở nhà và gọi cho bác sĩ của mình”, Diana Ramírez Barón, bác sĩ một phòng khám ở Jackson Heights chuyên phục vụ các phụ nữ không có giấy tờ, nói với New York Times. “Nhưng họ còn không có bác sĩ”.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 8.

Một số lao động như người giao hàng giờ đây được coi là “thiết yếu”. (Ảnh: New York Times).

“Cơn sóng thần” những người mất việc, mất nhà

Patricia Rivera, 38 tuổi, người nhập cư Mexico, đã cố giữ khoảng cách với gia đình mẹ cô ở Đông Elmhurst, khi 7 trên 8 thành viên nhà mẹ cô nhiễm virus. Nhưng khi mẹ cô không thở được, cô đưa mẹ tới bệnh viện.

Cô về nhà đầy lo lắng, sợ sẽ lây cho gia đình của chính mình, bao gồm một người chú 70 tuổi. Cô kiếm được một số khẩu trang N95 mà con trai được nhận ở công trường, rồi phát cho gia đình.

“Nỗi sợ là điều chúng tôi đều đang cảm thấy”, Rivera, đang làm việc cho một tiệm giặt, nói với New York Times.

Đối với nhiều người, nỗi sợ đó đi kèm với viễn cảnh mất nơi ở. Johana Marin, 33 tuổi, nhân viên phục vụ nhà hàng sống ở khu Jackson Heights, kể về những ngày nằm trong viện.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 9.

Johana Marin, 33 tuổi, người phục vụ nhà hàng ở Jackson Heights, nói khi bị ốm, cô đã lo ngại mình sẽ không gặp lại gia đình nữa. (Ảnh: New York Times).

“Tôi tưởng tôi sẽ chết và không bao giờ được gặp lại gia đình ở Colombia nữa”, cô nói với New York Times.

Khi được ra viện, Marin nói người cho cô thuê nhà không cho cô ở nữa. Cô trú tạm tại căn hộ của dì, nhưng dì cô cũng đang muốn cô chuyển ra.

Dân biểu Daniel Dromm, đại diện cho khu Elmhurst và Jackson Heights, nói những câu chuyện trên ngày càng nhiều, và kêu gọi thành phố chuyển các khách sạn trống thành nhà tạm cho những người vừa ra viện, hoặc bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, có nguy cơ lây cho người khác.

Hàng nghìn người đã mất việc, và những người không có giấy tờ đến nay không được hỗ trợ từ liên bang.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 10.

Siêu thị Bravo ở Jackson Heights. (Ảnh: New York Times).

Ở một điểm phát đồ ăn ở khu Flushing, hầu hết người đến xin giúp đỡ từng là các bà mẹ đơn thân. Nhưng nay, 2/3 số người đến là đàn ông, đang kiếm thức ăn về cho gia đình, theo Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận La Jornada, Pedro Rodríguez. Ông lo rằng số người mất việc sẽ trở nên “quá tải”.

“Một cơn sóng thần đang đến”, ông nói với New York Times.

Dù vậy, nhiều người vẫn nỗ lực giúp đỡ cộng đồng. Các bà mẹ Mexico đang chia sẻ công thức các bài thuốc cổ truyền. Các tài xế Pakistan đang đi giao bữa ăn tự nấu. Các tình nguyện viên người Nepal, bao gồm Nembang, người anh/em họ của tài xế Nepal tử vong nói trên, thì đang phân phối đồ bảo hộ cho những ai tiếp tục làm việc.

Trong lòng tâm dịch New York vẫn còn một tâm dịch khác - Ảnh 11.

Một cửa hàng tiện lợi ở Jackson Heights - một trong số ít các nơi được phép mở cửa trong đại dịch. (Ảnh: New York Times).

Đối với hàng nghìn người khác, cuộc sống giờ đây gói gọn trong bốn bức tường căn phòng mà họ thuê.

Raziah Begum, người góa phụ Bangladesh 53 tuổi nhắc tới ở đầu bài, nói bà đang rất lo sợ. Bà dành cả ngày lau dọn căn hộ, và tránh xa những người sống cùng nhà đang đổ bệnh. Chủ nhà thì đòi tiền thuê tháng 4 và đe dọa sẽ đuổi ra.

Bà Begum chỉ còn cách cầu nguyện bằng cuốn kinh Koran của đạo Hồi mà bà giữ bên giường. “Tôi cầu nguyện mỗi ngày”, bà nói với New York Times.

“Cầu cho virus corona biến khỏi nước Mỹ”.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.