Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho rằng số giao dự toán thu ngân sách của TP HCM đang có sự chênh lệch khá lớn so với các thành phố trực thuộc khác. (Ảnh: TỰ TRUNG).
Với tình hình hiện nay, 1% dự toán thu ngân sách TP HCM đã tương đương 4.000 tỉ đồng.
Đưa ra con số so sánh dự toán thu ngân sách Nhà nước của 4 thành phố trực thuộc trung ương tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tổ chức ngày 19/7, bà Lê Ngọc Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho rằng đến nay, các số thu của thành phố đều tăng nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu do số thu được giao quá cao.
Theo đó, thu ngân sách trên địa bàn TP HCM 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 193.310 tỉ đồng, đạt 48,43% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ 2018. Trong đó thu nội địa ước đạt 121.825 tỉ đồng, đạt gần 45% dự toán, tăng 2%.
Thu nội địa, nếu trừ thu tiền sử dụng đất, đạt 118.100 tỉ đồng (đạt 45% dự toán), tăng 7,5%. Thu ngân sách địa phương đạt 37.300 tỉ đồng, chiếm 43% dự toán và giảm 10,6% cùng kỳ 2018.
Cũng theo bà Trang, dù tổng mức thu nội địa được 121.825 tỉ đồng nhưng vẫn chỉ đạt 45% dự toán là do trung ương giao dự toán thu ngân sách TP HCM năm 2019 lên đến gần 400.000 tỉ đồng, đồng nghĩa cứ 1% dự toán thu ngân sách TP HCM đã tương đương 4.000 tỉ đồng.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, các địa phương xây dựng dự toán thu nội địa năm 2019 sẽ tăng 12-14% so với thực hiện năm 2018. Nhưng riêng với TP HCM lại được giao tăng đến 19,9%.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, TP HCM dù đã nỗ lực hỗ trợ nguồn thu từ khu vực kinh tế, kết quả thu có tăng 8,48% so với cùng kì 2018 nhưng vẫn không đạt dự toán được giao do số giao trong năm 2019 ở mức thu khu vực kinh tế tăng đến 21,15%.
Cũng theo đại diện Sở Tài chính TP HCM, tổng số dự toán thu ngân sách 2019 của 4 TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỉ đồng. Trong khi tổng dự toán thu ngân sách của TP HCM gần 400.000 tỉ đồng. Như vậy, dự toán thu ngân sách của TP HCM năm 2019 cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu của 4 TP trực thuộc trung ương còn lại.
Điều này cho thấy số giao dự toán thu ngân sách của TP HCM đang có sự chênh lệch khá lớn so với các thành phố trực thuộc khác.
"Đây là con số quá cao, vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn TP HCM", bà Trang nói.
Chỉ tiêu giao thu cao, trong khi TP HCM lại đối mặt với tình trạng nhiều nguồn thu tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm như tốc độ tăng thu nội địa giảm đến 2,17% so với cùng kì 2018, thấp nhất so với tốc độ thu nội địa trong 3 năm trở lại đây.
Về lí do nguồn thu khó khăn, bà Trang cho biết hiện nay thu từ khu vực kinh tế đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong số thu nội địa với 63,7% của TP HCM, nhưng đây là khu vực đang có số thu tăng trưởng thấp nhất trong ba năm trở lại đây.
Trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp, thu giá trị gia tăng cũng thấp so với cùng kì 2018, chủ yếu do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không còn thuận lợi, nộp thuế thấp, thậm chí còn không nộp. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán, vận tải, xây dựng tình hình cũng không khả quan hơn...
Trong khi đó, tình hình chi tiêu ngân sách Nhà nước của TP HCM cũng có vấn đề, mà chủ yếu đến từ công tác giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài, chưa tìm được cảm thông từ phía người dân. Trong đó, chi đầu tư phát triển của TP HCM 6 tháng đầu năm chỉ đạt 20,2% so với dự toán.
Chi thường xuyên cũng chỉ đạt 32,35% so với dự toán, nhưng tăng 12,75% so với cùng kỳ năm ngoái do tăng các mức lương cơ sở, chi trả thu nhập tăng thêm… Một số lĩnh vực đạt chi thấp như chi lĩnh vực y tế, gia đình, chi kinh phí bảo vệ môi trường, chi các hoạt động kinh tế, thể dục thể thao…
Để cải thiện tình hình thu, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết ngành tài chính TP HCM đang tập trung thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ đối với các doanh nghiệp nợ thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp nợ thuế lớn và các khoản liên quan từ đất đai.
Cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh đôn đốc các doanh nghiệp nộp các khoản truy thu, nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước. Đối với thu thuế xuất nhập khẩu, ngành hải quan cũng nỗ lực nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết để đảm bảo tốc độ tăng trưởng như đề ra, trong 6 tháng cuối năm tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP phải tăng ít nhất trên 8%. Bởi nếu giữ tốc độ hiện tại thì khó đạt chỉ tiêu, trong đó sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng.
Để tăng cường, quản lí nguồn thu, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành tài chính tăng cường công tác quản lí thu, đôn đốc thu, chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2019. Cùng với đó thực hiện rà soát các nguồn thu phát sinh, tình hình kê khai nộp thuế, số tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm để kịp thời có các biện pháp đôn đốc thu nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước, không để phát sinh nợ mới.
Về giải quyết tình trạng ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công, ông Phong cho biết TP HCM sẽ có những giải pháp để nỗ lực cùng các sở, ngành, địa phương để các đơn vị tháo gỡ. Tuy vậy, các đơn vị cũng phải tìm hiểu nguyên nhân, xem lại năng lực, trình độ quản lí của mình.
"Cuối năm, đơn vị nào giải ngân không được 50% thì không đưa vào thi đua, đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ", ông Phong quyết liệt.