Chiều nay tuyên án vụ li hôn của vợ chồng nhà sáng lập Trung Nguyên: Còn nhiều tranh chấp với khối tài sản nghìn tỉ, có thể phải xét xử lại

Theo kết quả trưng cầu giám định của tòa, số tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản được ông Vũ và bà Thảo đưa ra tranh chấp trong vụ li hôn này, ước tính có tổng trị giá gần 8.400 tỉ đồng.

Phiên phúc thẩm li hôn giữa ông Vũ và bà Thảo chưa ngã ngũ chuyện tranh chấp tài sản

Dự kiến chiều nay, ngày 5/12, TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ đưa ra phán quyết đối với phiên phúc thẩm li hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.

Bà Thảo đề nghị hưởng 51% cổ phần Trung Nguyên Group, giao 49% còn lại cho chồng. Còn ông Vũ muốn được chia 70%. Tuy nhiên, phán quyết của tòa sơ thẩm tuyên chia cho ông Vũ 60% cổ phần, bà Thảo được hưởng 40%. Nhưng bà Thảo nhận tiền mặt tương đương giá trị cổ phần, tức ông Vũ và Trung Nguyên có trách nhiệm trả khoản tiền tương đương giá trị cổ phần cho bà Thảo. 

78749604_488788975317843_5317751338782687232_n

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại tòa phúc thẩm. (Ảnh: Bách Hợp).

Không đồng ý với phán quyết này, bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án. Ông Vũ sau đó cũng kháng cáo, còn VKS đã có kháng nghị dài 16 trang, đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bán ản.

Ngoài ra, theo phán quyết của tòa sơ thẩm, bà Thảo được quyền nuôi 4 người con chung, ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng mỗi năm 10 tỉ đồng cho 4 người con, tính từ năm 2013, cho đến khi các con trưởng thành. Tuy nhiên tại phiên phúc thẩm, luật sư của ông Vũ cho biết bà Thảo muốn thay đổi tỉ lệ cấp dưỡng từ 10 tỉ đồng mỗi năm thành 20% cổ phần của ông Vũ trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên. Đây cũng là yêu cầu mà bà Thảo đặt ra tại phiên sơ thẩm. 

Song, bà Thảo sau đó lại bác bỏ, cho rằng bản thân không đề cập đến điều này, chỉ có đề nghị xem xét lại.

Phát biểu quan điểm về vụ án, VKSND Cấp cao cũng đề nghị Hội đồng xét xử chấp thuận cho ông Vũ và bà Thảo li hôn. Về phần tài sản, Viện đề nghị toà theo hướng huỷ một phần bản án đối với phân chia tài sản.

Khối tài sản mà ông Vũ, bà Thảo tranh chấp lớn cỡ nào?

Khối tài sản của đế chế Trung Nguyên luôn nhận sự quan tâm từ dư luận ngay từ khi vụ li hôn mang ra xét xử. Tại phiên sơ thẩm, khi khối tài sản chung được mang ra phân chia, đã hé lộ chi tiết vợ chồng ông chủ Trung Nguyên nắm trong tay số tài sản nghìn tỉ sau hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, chỉ tính riêng tài sản trong phạm vi vụ tranh chấp, ông Vũ và bà Thảo có chung 13 bất động sản giá trị 725 tỉ đồng. Bên cạnh đó, dựa trên kết quả xác minh tại ngân hàng hồi tháng 10/2018, cả hai còn có khoảng 2.102 tỉ đồng, gồm tiền mặt, ngoại tệ, vàng mà tại phiên sơ thẩm, ông Vũ từng cho rằng số tiền này chỉ là "bề nổi".

Tài sản đáng chú ý, và cũng đáng giá nhất đẩy vụ tranh chấp kéo dài của vụ li hôn này chính là việc tranh chấp về quyền sở hữu số tài sản tại Tập đoàn Trung Nguyên cả hữu hình và vô hình, tức giá trị cổ phần của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu Trung Nguyên. Trong đó, công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) có vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng, nắm quyền chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại.

Các công ty chính trong hệ thống cà phê bao gồm Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên Đắk Lắk do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đại diện pháp luật. Cơ cấu cổ đông tại đây gồm Trung Nguyên Group 70%, ông Vũ 15%, bà Diệp Thảo 15%. 

 Tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên, công ty do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện pháp luật, cơ cấu cổ đông gồm Trung Nguyên Group chiếm 60%, bà Diệp Thảo 30% và 2 cổ đông khác 10%.

78100936_2259678910800589_285819726972583936_n

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn giữ nguyên quan điểm muốn được nhận 51% cổ phần tại Trung Nguyên. (Ảnh: Bách Hợp).

Hệ thống doanh nghiệp ngoài cà phê bao gồm Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchise, do ông Vũ nắm 15% cổ phần, Trung Nguyên Group 85%. Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê, do Trung Nguyên Group chiếm 70%, ông Vũ 15%, bà Diệp Thảo 15%.  Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên gồm ông Vũ nắm  60%, bà Diệp Thảo 30%, 2 cổ đông khác 10%. Ngoài ra còn có Công ty thương mại và dịch vụ G7 toàn cầu.

Đế chế Trung Nguyên còn có hệ thống nhà máy và dự án bất động sản có giá trị đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng. Đó là các dự án bất động sản ở thành phố cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), dự án khu du lịch cụm thác Dray Sap thượng, Nhà khách Trung Nguyên, Khu du lịch sinh thái M'Drăk. 

4 nhà máy tại TP HCM, Bình Dương, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Bắc Giang. 

Dựa trên kết quả thẩm định tài sản do tòa trưng cầu, tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp này có trị giá 5.654 tỉ đồng.

Như vậy, số tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản được đưa ra tranh chấp trong vụ li hôn này ước tính có tổng trị giá gần 8.400 tỉ đồng

Và cũng như phiên sơ thẩm, phần tranh chấp tài sản vẫn chưa ngã ngũ. Theo phát biểu của cơ quan công tố, nhiều khả năng phần phân chia tài sản của vợ chồng nhà sáng lập Trung Nguyên phải xét xử lại.

Cuối phiên xử phúc thẩm hôm qua, ngày 4/12, trao đổi với báo chí trước khi ra về, bà Thảo cho biết ông Vũ có ý định giao cho bà quyền sở hữu Công ty TNHH Trung Nguyên International tại Singapore. Theo bà, Công ty ở Singapore chỉ khoảng 100 tỉ đồng, chỉ bằng một cái móng tay so với tài sản của Trung Nguyên.

chọn
ĐHĐCĐ Becamex IJC: Quý đầu năm lãi sau thuế 40 tỷ, sắp mở bán Sunflower II và Prince Town II
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Becamex IJC tiết lộ doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất dự kiến quý I đạt 162 tỷ và 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào bán hàng dự án Sunflower II và Prince Town II trong quý III/2024.