"Hồi những năm 1970, chợ này người ta gọi là chợ dù, bạn hàng bán theo từng nhóm nhỏ chủ yếu là người gốc Campuchia. Đến năm 1989, ở phường cất lại thành cái chợ để dân họp bán cho gọn gàng, lịch sự. Từ đó kêu là chợ Lê Hồng Phong hay còn gọi là chợ Miên", người phụ nữ bán chè gần 40 năm tại đây chậm rãi kể.
Bắt đầu từ tờ mờ sáng đến chiều tối, khu chợ này thu hút bao thế hệ người dân Sài Gòn bởi mùi thơm đặc trưng, đa dạng của những món ăn đậm chất Campuchia.
Đường đến khu chợ không khó tìm, thường người dân sẽ đi từ hẻm 374 hoặc hẻm 382 Lê Hồng Phong, một đường khác là băng ngang qua chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Chợ có đến hàng trăm gian hàng bày bán, nằm xen lẫn trong con hẻm dài.
Với vị trí đắc địa, gian hàng Tư Xê thu hút ánh nhìn của nhiều người lần đầu đến đây. Cửa hàng gây ấn tượng bởi sự bày biện cuốn hút với nhiều màu sắc nghiêng về "gam nóng" kích thích thị giác lẫn vị giác.
"Đây là cá thiên nhiên của Biển Hồ, do gia đình tự làm nên không đụng hàng", chủ quán cho biết.
Lạp xưởng cũng được bà nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam, có vị ngon và lạ, được nhiều khách mua thưởng thức hoặc làm quà tặng người thân.
"Chuối nướng ăn với nước cốt dừa là một trong những món ăn đặc sắc của quê hương tôi", người phụ nữ gốc Campuchia, bán tại đây 20 năm cười hiền chia sẻ.
Khu chợ này còn đặc biệt bởi sự giao thoa giữa ẩm thực truyền thống và du nhập, giữa những món ăn tồn tại hàng thập kỉ với thức ăn, thức uống "hot trend" của giới trẻ.
Chợ bắt đầu nhộn nhịp từ 14h cho đến tối muộn, thu hút đông giới trẻ Sài Gòn và du khách nước ngoài tìm để thưởng thức những món ăn mới lạ.
Ngoài các gian hàng được bày biện sẵn, thức ăn còn được người dân chở trên những chiếc xe đạp cũ.
Sau gần nửa thế kỉ phát triển, chợ Campuchia xứng đáng là một trong những "thiên đường ăn uống" của người dân Sài Gòn. Chỉ dài chưa đầy 100 m, sự đa dạng về món ăn với mức giá phải chăng luôn là lựa chọn hàng đầu của các "tín đồ ẩm thực".