Chủ tịch LDG phản đối 'căn hộ quan tài' 25 m2, Giám đốc Savills nói doanh nghiệp sẽ mừng

Việc Bộ Xây dựng cấp phép xây dựng căn hộ có diện tích 25 m2 dấy lên nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những lợi ích cùng hệ lụy mà loại hình căn hộ này mang lại.

Trong thông tư mới đây của Bộ Xây dựng, diện tích căn hộ tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2 được áp dụng đối với dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên tỉ lệ căn hộ chung cư diện tích nhỏ hơn 45 m2 không được vượt quá 25% tổng số căn hộ của dự án.

Theo đó, các dự án nhà ở thương mại sẽ được xây dựng căn hộ có diện tích tối thiểu là 25 m2 kể từ 1/7/2020. Việc cấp phép xây dựng căn hộ với diện tích 25 m2 làm dấy lên các ý kiến trái chiều về những lợi ích cùng hệ lụy mà loại hình căn hộ này có thể mang lại.

Căn hộ 25 m2 là "căn hộ quan tài"?

Không đồng tình với việc Bộ Xây dựng cho phép tồn tại căn hộ 25 m2, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch CTCP Đầu tư LDG (LDG Group) lo ngại những hệ luỵ kéo theo đó. 

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Hưng cho hay: "Ở Hong Kong, người ta gọi loại căn hộ diện tích nhỏ như này là "căn hộ quan tài". Nếu quan sát vài khu nhà như vậy, thì gọi tên thế cũng có vẻ đúng."

Chủ tịch LDG phản đối 'căn hộ quan tài', Giám đốc Savills cho rằng diện tích nhỏ không dẫn đến "ổ chuột" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch CTCP Đầu tư LDG. (Nguồn: LDG).

Phản biện vấn đề này, Chủ tịch LDG Group cho rằng nếu để cho vài doanh nghiệp làm kiểu "căn hộ quan tài" thì doanh nghiệp sẽ có lợi lớn trong khi người mua nhà không hề có lợi và xã hội thì thiệt hại. 

Ông Hưng cũng phản đối ý kiến cho rằng căn hộ 25 m2 giúp người nghèo có nhà, vì đơn giá bán tính ra sẽ rất cao. Tổng giá trị căn hộ thấp do có diện tích nhỏ mà thôi.

Tại Hong Kong hay một số quốc gia từng cho phép loại hình căn hộ này hiện đang rất đau đầu để giải quyết.  Theo ông Hưng, căn hộ với diện tích nhỏ không hề mới mẻ mà đã xuất hiện ngay từ giai đoạn thuộc địa đầu thế kỉ 20.

Ông Hưng lo ngại: "Việt Nam đi sau, nếu không nhìn thấy những hệ luỵ của nó thì chả khác gì người vừa câm vừa điếc vừa mù."

Việc cho phép hình thành loại căn hộ chung cư chỉ 25m2 chính danh đủ điều kiện trở thành nhà ở để bán thương mại có chủ quyền được.

Cuối cùng, ông Hưng cho rằng loại hình căn hộ này chỉ nên dùng cho người lưu trú có thời hạn, không nên xác lập quyền tài sản riêng và chỉ nên xây dựng với mục đích cho thuê.

'Bộ Xây dựng đã giảm chuẩn về môi trường sống của đô thị'

Trong khi đó, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam cho rằng căn hộ với diện tích nhỏ 25 m2 không phải là nguyên nhân tạo thành những khu "ổ chuột" hay các hệ lụy khác cho xã hội. Vấn đề này phụ thuộc vào qui hoạch dân số của từng địa phương.

Chủ tịch LDG phản đối 'căn hộ quan tài', Giám đốc Savills cho rằng diện tích nhỏ không dẫn đến "ổ chuột" - Ảnh 2.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills. (Nguồn: Công ty Địa Thế Vàng).

Theo ông Hiển, một dự án được cấp phép phải tuân thủ qui hoạch về dân số của địa phương, về cảnh quan, kiến trúc và mật độ xây dựng. 

Dựa trên qui hoạch về dân số, Sở Qui hoạch – Kiến trúc sẽ cho phép số lượng căn hộ của dự án đó là bao nhiêu, số lượng căn hộ theo từng loại diện tích là bao nhiêu.

Ví dụ, căn hộ 50 m2 là loại diện tích được nhiều người mua nhà ưa chuộng nhưng không một dự án nào được phép thiết kế toàn bộ căn hộ là 50 m2 được. 

Theo qui chuẩn dân số thì sẽ phải có những căn 50 – 70 – 100 m2. Tương tự đối với căn hộ 25 m2 cũng sẽ có qui định về số lượng căn được cho phép nên không lo lắng về vấn đề "ổ chuột".

Tuy nhiên, về trường hợp dự án khi đi vào hoạt động có nhiều người ở trong cùng một căn hộ 25 m2 mặc dù đã có qui hoạch về dân số trong dự án đó, hiện chưa có qui định nào cụ thể. Tương tự, cũng chưa có qui định số người tối đa được đăng kí tạm trú tạm vắng cho mỗi căn hộ như vậy. Điều này có thể khiến dân số tại dự án đó vượt quá qui hoạch ban đầu của Sở Qui hoạch – Kiến trúc.

"Nhưng trong thực tế, tại TP HCM chưa gặp tình trạng như vậy", ông Hiển cho hay. Bởi theo ông Hiển, những người mua nhà hiện nay tìm kiếm một môi trường xung quanh đạt "chuẩn" hơn và không gian sống vừa vặn với các thành viên trong gia đình.

Nhận định về lí do sao nhiều năm nay Bộ Xây dựng chần chừ đến bây giờ mới cấp phép cho loại hình căn hộ này, theo ông Hiển, điều đầu tiên là những căn hộ với diện tích nhỏ như vậy liệu có đạt chuẩn căn hộ.

"Tại một số nước trên thế giới, như Hong Kong cũng vẫn có những căn hộ dưới 25 m2, nhưng đó là thực tiễn tạo ra, còn cái mà chúng ta muốn nói tới là những dự án mới", Giám đốc Savills chia sẻ.

Đồng thời, ông Hiển cũng nêu rõ về những dự án được cấp phép mới phải hướng tới một cái chuẩn cho tầm nhìn nhiều năm. Bởi vì một căn hộ khi xây ra thì phải tồn tại ít nhất 50 – 70 năm. 

Theo ông Hiển, trước đây Bộ Xây dựng qui hoạch chuẩn mực tầm nhìn đến 2020 là 20 m2/người. 

"Có thể thấy là giờ Bộ Xây dựng đã giảm chuẩn về môi trường sống của đô thị. Về phía các doanh nghiệp bất động sản, thông tư của Bộ Xây dựng là điều mong mỏi của các chủ đầu tư. Bởi trong thực tế, căn hộ nhỏ bán rất nhanh, tính thanh khoản cao giúp doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh.

Từ nhiều năm nay, nhiều chủ đầu tư mong muốn được cho phép xây dựng căn hộ nhỏ do đó đây là tin vui cho các doanh nghiệp bất động sản", ông Hiển chia sẻ.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.