Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị bán đấu giá quỹ đất để huy động nguồn lực phát triển

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực có thể tiếp cận đất đai, dự án, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã rà soát toàn bộ các dự án chậm tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị tăng cường bán đấu giá quỹ đất để huy động nguồn lực phát triển.

Vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, UBND tỉnh vừa tổ chức phiên họp thường kì tháng 7/2019 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Theo đó, về đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, tổng kế hoạch vốn năm 2019 toàn tỉnh là 22.700 tỉ đồng, bằng 115% so với thực hiện năm 2018.

Đến đầu tháng 7/2019, thực hiện XDCB trên địa bàn toàn tỉnh đạt 9.950 tỉ đồng, đạt gần 44% kế hoạch, bằng 111,5% so với cùng kì. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lí đạt 53%; vốn ODA do địa phương quản lí đạt 33,1%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 41,5%; vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài đạt 40%; nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 27,5% kế hoạch.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực có thể tiếp cận đất đai, dự án, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã rà soát toàn bộ các dự án chậm tiến độ, xử lí chia làm 3 giai đoạn.

du an nguyen kim cham tien do

Dự án Khu thương mại của Tập đoàn Nguyễn Kim có tiến độ triển khai chậm, đang điều chỉnh hoàn thiện thiết kế. (Ảnh: Khải Tuấn).

Trong đó, 24 dự án cần rà soát xem xét thu hồi (đã thu hồi 12 dự án), 29 dự án cần được giám sát đặc biệt và 26 dự án đang triển khai cần đôn đốc thực hiện (đã thu hồi 6 dự án).

Nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt theo kế hoạch đề ra và có chuyển biến tích cực ở một số ngành, lĩnh vực; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm 2019 có bước khởi đầu thuận lợi.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ đề ra; công tác giải ngân chưa đảm bảo yêu cầu do vẫn còn một số yếu tố bất lợi: nguồn vốn vay doanh nghiệp huy động khó khăn, năng lực các nhà thầu chưa được nâng cao, thủ tục đầu tư XDCB vẫn còn bất cập, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc…

Công tác XDCB rất quan trọng, có quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương phải khẩn trương hoàn thành phân bổ dự toán kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện vẫn có một số địa phương chưa giao hết.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị, các ngành, địa phương và các Ban quản lí dự án phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ để thực hiện giải ngân vốn đầu tư từ khâu chuẩn bị tới thực hiện. Phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2019 để có sự chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai nội dung, tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng.

"Đây là khó khăn lớn nhất, gây cản trở nhiều nhất, gây chậm trễ nhiều nhất đối với giải ngân vốn đầu tư công. Dù luật đã có quy định hành lang pháp lí để thực hiện nhưng quá trình thực hiện phải làm sao phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn. Các đơn vị phải làm công tác chính trị tư tưởng để vận động người dân bàn giao giải phóng mặt bằng sớm hơn. Đây là vấn đề hệ trọng và nếu làm tốt thì công tác giải ngân sẽ nhanh hơn", ông Thọ nhấn mạnh.

Về huy động nguồn vốn XDCB, ông Thọ đề nghị, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan để tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương; tăng cường tổ chức bán đấu giá quỹ đất để huy động nguồn lực cho phát triển.

Các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất kêu gọi đầu tư từ nguồn lực các hội hóa; đồng thời, cần rà soát và chuẩn bị kỹ lưỡng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2020. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo việc tăng cường tỉ lệ đấu thầu qua mạng, hạn chế cơ chế "xin - cho" trong đấu thầu.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.