Chủ tịch VRC từ nhiệm sau 6 năm, công ty từng lãi kỷ lục trong giai đoạn nữ doanh nhân nắm quyền

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như vừa có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT sau 6 năm từ năm 2016. Thời điểm bà Như nắm quyền, công ty đã tái cấu trúc và ghi nhận lãi kỷ lục trong năm 2018, trước khi tiếp tục đà lao dốc từ sau khi lên sàn.

CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (mã chứng khoán: VRC) vừa công bố đơn từ nhiệm của bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như đối với chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Thành viên Ủy ban Kiểm toán của công ty kể từ ngày 10/10. Theo bà Như, quyết định từ nhiệm này dựa trên lý do cá nhân. 

Sau khi bà Như rời đi, HĐQT VRC sẽ còn ba thành viên là bà Phan Chiêu Anh, ông Nguyễn Thành Hưng và ông Từ Như Quỳnh. Bà Chiêu Anh cũng là thành viên còn lại duy nhất của Ủy ban Kiểm toán VRC. 

Bà Như (sinh năm 1986) là một Thạc sĩ Kinh tế, bà tham gia vào HĐQT công ty và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ tháng 12/2016. Đến tháng 5/2021, bà cũng được bổ nhiệm làm Thành viên Ủy ban Kiểm toán của công ty.  

Lợi nhuận VRC từng khởi sắc sau khi bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như nắm quyền

VRC tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, được thành lập từ tháng 8/1980, là một trong những công ty xây dựng đầu tiên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tháng 6/2005, công ty chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần và tháng 7/2010 thì chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã chứng khoán VRC. 

Thời điểm bổ nhiệm bà Như làm Chủ tịch HĐQT, cổ đông công ty cũng thông qua miễn nhiệm ba thành viên khác trong HĐQT là ông Ngô Trí Dũng, ông Nguyễn Thanh Hải (cựu Chủ tịch HĐQT) và ông Tô Quang Tùng. 

Khi đó, VRC cũng vừa trải qua giai đoạn kết quả kinh doanh giảm mạnh sau một năm lên sàn chứng khoán, thậm chí ghi nhận lỗ sau thuế 6,1 tỷ đồng vào năm 2015 do giá vốn ăn mòn doanh thu. Đây cũng là mức lỗ sau thuế duy nhất kế từ năm 2007 đến nay của doanh nghiệp.   

4 tháng sau khi bà Như được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, tháng 4/2017, công ty (khi đó với tên cũ là CTCP Đầu tư Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu) đã đổi tên thành CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC như hiện tại, định hướng lại hoạt động tập trung mảng bất động sản và đầu tư (thay vì xây dựng như trước đó), đồng thời tăng vốn điều lệ từ 145 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Giai đoạn 2017 - 2018, kết quả kinh doanh của công ty có chuyển biến tích cực và ghi nhận khoản lãi kỷ lục 280 tỷ đồng trong năm 2018, chủ yếu nhờ bán 95% vốn công ty con là VRC Sài Gòn (chủ đầu tư dự án Babylon Garden 5 ha tại quận 7, TP HCM), lãi từ thương vụ này được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

 

Muốn bán tiếp đơn vị thành viên sau khi lợi nhuận quay lại đà giảm 

Mặc dù lãi tăng trong năm 2018, doanh thu từ hoạt động chính là bán đất nền của công ty đã liên tục giảm từ sau năm 2017 và không ghi nhận doanh thu từ mảng này trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế theo đó liên tục đổ dốc trong năm 2019 - 2020 và ghi nhận mức phục hồi nhẹ vào năm 2021 (tăng 50 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020).  

Nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VRC lần lượt giảm 20% và 34% so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận 1,6 tỷ đồng và 191 triệu đồng. 

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý II/2022, tổng tài sản của công ty đạt gần 2.080 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là giá trị tồn kho với 1.247 tỷ đồng, là giá trị bất động sản dở dang tại ba dự án Khu dân cư Nhơn Đức (888 tỷ đồng), dự án Khu dân cư ADC Phú Mỹ (326 tỷ đồng) và dự án Khu dân cư Long An A (33 tỷ đồng). 

Thông tin thêm về ba dự án này, dự án Nhơn Đức có diện tích 90,4 ha, nằm tại huyện Nhà Bè, TP HCM. Dự án ADC có diện tích 7,9 ha, nằm tại Phú Mỹ, quận 7, TP HCM, tính đến cuối năm 2021 đã hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Còn dự án Long An A có diện tích 9,56 ha, nằm tại TP Tân An, tỉnh Long An, tính đến cuối năm 2021 đã hoàn thiện hạ tầng cơ sở và phân lô hoàn chỉnh giai đoạn 1 (2,6 ha). Thời điểm ngày 30/6, công ty ghi nhận gần 2 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước đối với đất nền tại dự án này.

 Dự án Khu dân cư ADC Phú Mỹ, quận 7, TP HCM do CTCP Adec làm chủ đầu tư. (Ảnh: VRC).

Cả ba dự án này đều do công ty con là CTCP Adec làm chủ đầu tư và là ba trong bốn dự án được VRC ghi nhận tại báo cáo thường niên năm 2021 của doanh nghiệp, bên cạnh dự án Cảng tổng hợp container Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 50,3 ha), do công ty liên kết là CTCP Đóng tàu và Dịch vụ Cảng Mỹ Xuân làm chủ đầu tư. 

Tháng 6, công ty đã công bố kế hoạch bán toàn bộ cổ phần sở hữu tại hai đơn vị thành viên này thông qua đợt tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, song đã không được thông qua do tỷ lệ số phiếu tán thành chỉ đạt gần 41%.  

Bên cạnh các dự án nói trên, đầu năm nay, UBND TP Vũng Tàu cũng thông tin về việc sẽ thu hồi mặt bằng, buộc các doanh nghiệp phải bàn giao hạ tầng dọc khu vực Bãi Sau (bãi tắm Thùy Vân) để tổ chức đấu giá. Đầy là khu đất 28 ha, được giao cho VRC (khi đó còn là doanh nghiệp Nhà nước) từ năm 1996 cải tạo, sau khi hoàn thành đã cho 8 doanh nghiệp khác thuê lại.   

Tag:
chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.