Chuỗi thời trang Seven.AM đóng cửa toàn hệ thống sau nghi vấn cắt nhãn mác Trung Quốc

Sau khi bị Cục Quản lí thị trường (QLTT) Hà Nội thu giữ 9.000 sản phẩm vì không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp Seven.AM hôm nay đã tạm thời đóng cửa toàn bộ hệ thống.

Seven.AM đóng cửa toàn bộ hệ thống

Chiều tối ngày 11/11, Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành niêm phong hơn 9.000 sản phẩm tại 5 hệ thống cửa hàng Seven.AM mà cơ quan này kiểm tra, khi những cửa hàng này không thể xuất trình được toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm bày bán.

Đồng thời, đội QLTT cũng đã tiến hành lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.

Chuỗi cửa hàng Seven.AM tại Hà Nội tạm dừng kinh doanh từ tối ngày 11/11. (Ảnh: Thiên Trường).

9.000 sản phẩm bị tạm giữ của Seven.AM bao gồm: 5.445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.

Đến 18h cùng ngày, trên các kệ hàng tại 146 Tôn Đức Thắng, trụ sở chính của Seven.AM đã hoàn toàn trống trơn hàng hóa.

Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Đào Kim Giang, thuộc Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: "Hôm nay Đội Quản lí thị trường tạm giữ hàng vì công ty không xuất được hóa đơn, chứng từ. Vì số lượng hàng quá lớn, chúng tôi buộc phải niêm phong, dọn sạch cửa hàng".

Bên cạnh đó, ông Giang nói trong tương lai, nếu phía Seven.AM xuất trình chứng từ cần thiết, Đội Quản lí thị trường sẽ mở niêm phong, đối chiếu và sẽ có hướng xử lí sau.

Bị tạm giữ toàn bộ hàng hóa đồng nghĩa với việc Seven.AM sẽ phải tạm dừng công việc kinh doanh, và chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng.

Trong hôm nay, các cửa hàng của chuỗi này không hoạt động. Tuy nhiên, các điểm bán cũng như website của thương hiệu không cập nhật thông tin thông báo về việc tạm dừng kinh doanh với khách hàng. Fanpage của Seven.AM vẫn cập nhật các items thời trang mới cho mùa thu đông của nhãn hàng này. 

Vướng nghi án cắt mác Trung Quốc, Seven.AM nói gì?

Một số sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Seven.AM bị cho là cắt nhãn mác Trung Quốc để gắn nhãn mác của thương hiệu này. (Ảnh: Thiên Trường).

Tại thời điểm kiểm tra ở cơ sở kinh doanh 135 Trần Phú, Hà Đông, Tổng giám đốc Đặng Quốc Anh cho biết, doanh nghiệp này chỉ thực hiện các hoạt động tiêu thụ sản phẩm theo phương thức bán buôn, bán lẻ không trực tiếp sản xuất.

Trong khi trước đó, trao đổi với chúng tôi, nhân viên tại đây luôn khẳng định "đây là hàng tự thiết kế và sản xuất, không phải là hàng nhập khẩu".

Nhưng trước đó, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, cổ đông lớn nhất của Seven.AM với 60% cổ phần chi phối, đã thừa nhận với báo chí doanh nghiệp có nhập hàng Trung Quốc và hàng nhập đều có hóa đơn.

"Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.AM. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc", ông Hải Anh nói với báo giới.

Theo điều tra của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, một số sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Seven.AM bị cho là cắt nhãn mác Trung Quốc để gắn nhãn mác của thương hiệu này.

Những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty Cổ phần MHA trước khi xuất đi hàng chục showroom thì các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào là phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu Seven.AM.

Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Thương hiệu thời trang SEVEN.AM ra mắt thị trường năm 2009. Đến nay đã có 24 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố cả nước.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Fecon: Mục tiêu lãi 2.000 tỷ đến 2029, phát triển loạt bất động sản gần 2 tỷ USD
Định hướng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2024 - 2029, Fecon đặt mục tiêu lãi sau thuế 5 năm lần lượt 60 - 144 - 307 - 343 - 508 - 684 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD.