Chuyện ghi ở chốn công đường: Giọt nước mắt muộn màng trước móng ngựa

Một phút mất kiểm soát, Trường đã sát hại đồng nghiệp khiến bản thân phải đối diện với bản án công lý và lương tâm. Cả phiên tòa Trường không ngừng khóc nhưng giọt nước mắt ấy đã quá muộn màng.

Nông Nổi

chuyen ghi o chon cong duong giot nuoc mat muon mang
Chỉ vì một phút nông nổi Trường phải trả giá cho hành vi của mình.

Phiên tòa lưu động của TAND TP HCM được bố trí ở trong khuôn viên bến xe miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM). Đây cũng chính là hiện trường vụ án gần một năm trước. Bị cáo là Nguyễn Xuân Trường (32 tuổi, quê Nam Định).

Người thân của Trường không một ai đến tòa, bởi họ chẳng biết Trường phạm tội và bị bắt giam. Trường khai, cha Trường đã chết từ khi Trường còn nhỏ. Trường sống với mẹ. Cuộc sống ở quê nghèo khổ, Trường phải tự bươn chải kiếm sống. Đến khi trưởng thành, Trường theo phụ một nhà xe chở khách chạy tuyến Bắc – Nam. Cuộc sống chủ yếu rong ruổi trên những cung đường nên Trường ít khi về thăm mẹ già. Thỉnh thoảng, Trường có gửi tiền về cho mẹ để trang trải cuộc sống.

Trường từng lấy vợ nhưng chưa có con. Cuộc sống vợ chồng Trường không hạnh phúc và cả hai quyết định ly hôn từ hai năm trước. Cho đến khi bị bắt, Trường vẫn sống một mình, lấy công việc làm niềm vui. Sau khi gây ra án mạng, Trường bị bắt và tạm giam. Trường không muốn mẹ mình biết chuyện, bởi sợ bà sẽ không chịu nổi cú sốc con mình vướng vòng lao lý. Vì cũng không có ai nói với mẹ Trường biết chuyện của Trường, nên từ ngày bị bắt, chưa một lần Trường có người thân vào thăm nuôi. Vì không biết nên người nhà của Trường cũng chưa đến nhà nạn nhân xin tha thứ.

Chín tháng trước, trong lúc một phút nông nổi Trường không kiềm chế được cơn tức giận khi bị một đồng nghiệp xúc phạm nên đã ra tay hại chết người này. Đó là ngày đầu tiên của tháng 10/2015, anh Hồ Thanh Sơn cho rằng vì Trường mà anh Sơn bị đuổi việc (cả hai cùng làm phụ xe tuyến Bắc – Nam) nên có lời lẽ xúc phạm, chửi bới Trường. Ban đầu Trường kiềm chế, nhưng sau khi bị anh Sơn đánh thì Trường đã cầm kéo đâm anh Sơn tử vong. Sau khi gây án, Trường sợ hãi và bỏ trốn nhưng bị bắt một ngày sau đó.

Trường khai, mình không có ý giết người. “Tôi mất cha, Sơn mất mẹ. Hai chúng tôi đồng cảnh ngộ và đều đi làm thuê nên khi xảy ra hiểu nhầm, tôi đã cố nhẫn nhịn, sợ mất tình cảm anh em. Nhưng Sơn không hiểu. Biết Sơn nóng nảy, khi Sơn gây chuyện tôi sợ bị đánh nên đã cầm cây kéo thủ phòng thân chứ không có ý định giết người”, Trường nói. Nhưng Trường cũng hối hận, ăn năn vì đã có hành vi sai trái, gây đau thương cho gia đình, người thân của anh Sơn. Suốt cả phiên tòa hôm ấy Trường không cầm được nước mắt vì hối hận, và sợ người nhà biết chuyện sẽ lo lắng. Trường tha thiết xin lỗi gia đình anh Sơn và xin được pháp luật khoan hồng, để Trường sớm ra tù, làm lại cuộc đời.

Nỗi đau mất con

chuyen ghi o chon cong duong giot nuoc mat muon mang
Cha của bị hại tại phiên tòa lưu động (người đứng phía sau bị cáo Trường).

Nghe Trường ân hận, nói lời xin lỗi mình, ông Hồ Văn Ốm (cha ruột anh Sơn) cũng phần nào thấy nhẹ lòng. Nhưng ông vẫn bức xúc bởi việc người nhà của Trường không hề đến hỏi thăm gia đình ông từ khi xảy ra chuyện đến nay. Ông Ốm không quá gay gắt và căm giận Trường nhưng ông thương người con trai độc nhất của mình đã bị Trường giết hại. Sáng hôm phiên tòa diễn ra, ông tất tả đón chuyến xe sớm từ Bà Rịa – Vũng Tàu lên TP HCM cho kịp giờ xét xử. Đi cùng với ông là một cô gái còn trẻ, vốn là người yêu của con trai ông. Hai người họ không phải máu mủ, ruột rà nhưng cùng chung một nỗi đau mất đi người mà họ yêu quý nhất.

Ông Ốm tâm sự: “Tôi có bốn người con, Sơn là con trai duy nhất và cũng là người sẽ nối dõi tông đường. Ba người chị của Sơn đã có gia đình và sống riêng, chỉ còn mình thằng Sơn ở cùng tôi. Nó đi làm suốt, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Tôi cũng đã dự định sẽ cưới vợ cho con vào dịp tết năm ngoái nhưng ý định chưa thực hiện được thì Sơn bị giết hại. Vợ tôi mất cách đây 11 năm, từ đó đến nay, tôi một mình nuôi con. Nó là niềm hy vọng của tôi và sẽ là người phụng dưỡng tôi khi tuổi già, giờ thì hết thật rồi...”.

Ông Ốm cũng cho biết, từ ngày Sơn mất, chưa một ngày ông nguôi nỗi nhớ con. Tuổi già xế bóng sống một mình lặng lẽ trong căn nhà vắng, nhìn di ảnh con trên bàn thờ mà lòng ông quặn thắt. Giờ ông mất đi người nối dõi, đồng nghĩa với việc mất đi người con gái hiền lành, người mà ông dự định sẽ cưới cho con vào dịp tết năm ngoái. Nghe ông Ốm trình bày, cô gái trẻ ngồi bên cạnh ông Ốm đã khóc. Cô chính là người yêu của Sơn. Từ ngày Sơn mất, cô gái trẻ này vẫn thường xuyên lui tới nhà ông Ốm để an ủi ông.

Cô gái tâm sự: “Tôi và anh Sơn yêu nhau được ba năm, hai bên gia đình đều biết và ủng hộ. Chúng tôi cũng đã có ý định sẽ tiến tới hôn nhân, nhưng khi chưa kịp thực hiện thì anh Sơn đã ra đi mãi mãi. Đến giờ tôi vẫn chưa nguôi nhung nhớ người yêu nên vẫn chưa có ý định quen người khác”. Những người đến dự khán tiếc cho cô và tiếc cho cả ông Ốm nữa, bởi khi ngày đại hỉ sắp đến thì cũng là lúc họ đón nhận nỗi đau. Chỉ mong họ sẽ vượt qua được nỗi đau mà sống, để những thù hằn và cả nhung nhớ sẽ nguôi ngoai.

Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của Trường là nguy hiểm, cần tuyên mức án tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, xét thấy Trường thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, người bị hại cũng có một phần lỗi nên xét giảm cho Trường một phần hình phạt. HĐXX tuyên phạt Trường mức án 15 năm tù, ngoài ra Trường còn phải bồi thường cho gia đình bị hại 150 triệu đồng bao gồm tiền mai táng phí và tiền tổn thất tinh thần.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.