Chuyện ghi tại 'thủ phủ' chuột lớn nhất miền Tây

Từ chợ đầu mối Hồng Ngự, chuột ngoại, chuột nội sau một thời gian "chạy" khắp miền Nam, miền Đông đã dừng chân chờ kết thúc kiếp chuột trên...bàn nhậu.

Mục kích "thủ phủ" chuột

san chuot o thu phu chuot
Một "rập chuột" đưa hàng về chợ.

Trên đường đi đến khu chợ đặc biệt này, Khánh – một lái chuột địa phương đi cùng giới thiệu: “Ông mà đi buổi sáng thì chán lắm, không có gì để mần báo. Chợ này chỉ đông sau một giờ chiều. Giờ đó, ‘hàng’ gom buổi sáng từ các nơi, đặc biệt là từ Campuchia mới về để lái phân phối đi liên tỉnh”. Đến nơi, chúng tôi không vội vào chợ mà chọn một quán cà phê gần đó, có đủ không gian để quan sát cách mua bán “ông tí” và để nghe Khánh chỉ điểm thêm về "thế giới" này.

Quả như lời lái Khánh, nơi đây không có dáng vẻ của một chợ đầu mối nhưng khi ly cà phê vừa nhạt màu đá, đồng hồ cũng ngót gần 2 giờ thì khu chợ như bị bao quanh bởi hàng chục xe máy chở đầy chuột. Mỗi xe chở ít phải bốn lồng chuột sống, mỗi lồng vài chục con.

Hết xe này thả chuột lại đến xe khác xuống hàng; lái này vừa gom đủ hàng phóng xe đi nhanh lại thấy lái khác ùa vào chiếm chỗ. Cứ như thế chợ mỗi lúc một đông và huyên náo suốt cả buổi chiều, đàn chuột khổng lồ cũng đến rồi đi một cách nhanh chóng.

san chuot o thu phu chuot
Nhiều năm nay, chuột đã trở thành mặt hàng chủ đạo.

Theo những người kinh doanh ông tí, ngày trước họ chủ yếu bán kèm chuột với lươn, ếch, rắn… Nhưng khoảng gần chục năm trở lại chuột đồng, đã trở thành mặt hàng chủ đạo, hút hàng hơn bất cứ nguyên liệu làm đồ nhậu nào khác. “Lươn, ếch giờ toàn đồ nuôi nên dân nhậu mau chán do thịt bở, ít ngọt và thơm. Rắn thì ngày một ít đi, vận chuyển đi xa dễ bị phạt nên rất khó bán vì nhiều rủi ro. Riêng ông chuột thì khỏi lo thiếu hàng, nhiều khi còn được tiếng thơm vì diệt chuột bảo vệ hoa màu… nên không ai bắt phạt”, chị Tuyền, một tiểu thương tại chợ giải thích.

Chuột ở chợ chủ yếu là chuột cơm (chuột đồng loại nhỏ) khoảng 4-6 con/ký có giá dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/ký và chuột cống nhum có giá cao hơn chuột cơm từ 5.000 - 10.000 đồng/ký. Từ đây, chuột theo các thương lái đi xe gắn máy đến các quán nhậu tại các thành phố lớn như Cần Thơ, Tân An, TP.HCM,… và giá cả sẽ tăng theo chiều dài quãng đường chuột chạy. Thường thì khi chuột vào đến các quán nhậu giá đã đội lên gấp 2-3 lần giá các lái lấy tại Hồng Ngự.

san chuot o thu phu chuot
Chuột cơm giá dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/ký, chuột cống nhum có giá cao hơn chuột cơm từ 5.000 - 10.000 đồng/ký.

Dạo quanh chợ vài vòng, chúng tôi lân la làm quen với một lái chuột tên Giang, chuyên đánh hàng từ cửa khẩu Thường Phước về. Giang cho biết, dạo trước anh đi gom chuột ở Tháp Mười nhưng nguồn hàng ngày một cạn dần, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng nên anh chuyển qua đi hàng tận Campuchia.

Theo tính toán của Giang, mỗi lái một ngày có thể thu mua trên nữa thiên chuột (khoảng 100kg) bên Campuchia. Dân đi hàng như Giang ít cũng vài chục người, đó là chưa kể chuột nội từ Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự… về họp chợ.

Săn chuột sống khỏe

san chuot o thu phu chuot
Chuột được tập kết tại chợ trước khi đi các tỉnh thành lớn.

Có thể nói chuột là một mặt hàng tiêu thụ nhanh và dễ nhất ở khu chợ đặc biệt này. Chuột sống được đưa vào nhà hàng quán nhậu, chuột chết lại được những người nuôi trăn, nuôi rắn mua về làm mồi. Chính vì vậy ngành kinh doanh này ngày một phát đạt. “Ngoài những người chuyên săn chuột để bán cho các lái còn có rất nhiều hộ gia đình đặt bẫy để diệt chuột trong đồng của mình cũng gom bán nốt nên gần như đầu vào rất phong phú. Mấy đứa cháu trong nhà hôm nào rãnh đặt bẫy chuột ngày cũng kiếm được vài ba chục ngàn đồng, mùa này nước nổi thì khá khỏi chê, có ngày hơn trăm ngàn”, Khánh tỏ ra tường tận.

Các lái chuột cho biết, dân “rập chuột” (đặt bẫy bắt chuột) chuyên nghiệp có thu nhập cao hơn làm nông gấp nhiều lần. “Rập chuột mà dưới 5kg/ngày coi như tay mơ, đã vào nghề này hôm nào rủi phải cân được bảy tám ký chứ thấp hơn thấy bứt rứt trong người lắm. Riêng vào cuối vụ lúa giăng cù (dồn chuột vào lưới) hoặc vào mùa lũ có thể bắt 20-30 chục ký/ngày”, anh Hải một rập chuột chuyên nghiệp khẳng định.

san chuot o thu phu chuot
Chuột Campuchia và cống nhum được dân nhậu khá chuộng.

“Nghề này được cái vốn ít, chỉ cần mươi cái rập là ổn. Cái khó là phải hiểu tập quán của chuột nhất là cách chọn mồi và đặt bẫy trên đường đi của chúng. Vô mùa bọn này kiếm được vài ba trăm/ngày dễ như uống cạn chén đế”, anh Định một rập chuột khác đang chụp đuôi từng con chuột chuyển từ lồng nhỏ qua lồng lớn để cân góp thêm vào câu chuyện.

Riêng các lái chuột thu nhập của họ cũng không hề nhỏ, mỗi ký chuột họ ăn chênh lệch từ 2.000 – 5.000 đồng tùy quãng đường vận chuyển nên với một thiên chuột họ cũng có thu nhập khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ngày. “Nói chung bước chân vào nghề này chỉ cần siêng năng thì sống khỏe. Mặt hàng nào sợ đầu ra chứ chuột thì khỏi lo, bao nhiêu cũng thiếu với mấy ông nhậu. Giờ nghe đâu mấy bà mấy cô trên Sài Gòn ăn chuột còn nhiều hơn mấy ổng nữa, điệu này chắc chuột tuyệt chủng quá”, chị Tuyền cười xòa nhận định.

“Săn chuột dạo này phấn khởi lắm, mặc dù không nhiều như ngày xưa nhưng được cái thị trường tiêu thụ mạnh. Dân mình dạo này cũng sành ăn lắm, nghe chuột Cam là sướng ngay vì thịt ngon hơn chuột ta nhiều”, anh Hải chen ngang.

san chuot o thu phu chuot
Do thị trường tiêu thụ mạnh nên nghề sắn chuột cho người dân thu nhập ổn định.

Rời chợ chuột, chúng tôi vẫn cảm thấy thú vị trước phiên chợ độc đáo ở vùng sông nước này. Săn chuột làm món vừa là cách bảo vệ hoa màu vừa thể hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo của văn hóa khẩn hoang được lưu truyền từ bao thế hệ.

Giờ đây, những chú chuột tuy có “nhan sắc” gớm ghiếc nhưng đang là đặc sản thu hút mọi người với các món độc đáo như chuột khìa nước dừa, chuột quay lu, chuột luộc cơm mẻ hay chuột xé phay trộn với mít non. Đặc biệt hơn, con chuột còn tạo được cho những ai “gắn bó” với nó một cái nghề hẳn hoi. Ngày trước nếu nông dân điêu đứng với chuột vì nạn cắn phá của chúng thì ngày nay, rất nhiều bà con vùng sông nước lại sống nhờ…chuột.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.