CNBC: Nghiên cứu của công ty Mỹ phát hiện Trung Quốc đang giữ lượng nước lớn của sông Mê Kông

Theo CNBC, một nghiên cứu của công ty Eyes on Earth, do chính phủ Mỹ tài trợ, đã phát hiện ra rằng các đập của Trung Quốc đang giữ một lượng lớn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, làm trầm trọng thêm đợt hạn hán ở các nước Đông Nam Á ở hạ lưu vào năm ngoái.

Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo và cho rằng vô căn cứ.

Trung Quốc đang giữ lượng nước lớn của sông Mê Kông

Sông Mê Kông dài 4.350 km, chảy qua sáu quốc gia. Bắt nguồn từ Trung Quốc, phần chảy qua lãnh thổ nước này được gọi là sông Lan Thương, rồi chảy qua các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar, trước khi đổ ra Biển Đông qua Việt Nam.

CNBC: Trung Quốc bóp nghẹt sông Mê Kông, đe dọa huyết mạch của hàng triệu dân Đông Nam Á - Ảnh 1.

Trung Quốc đang bao vây dòng chảy sông Mê Kông bằng hàng chục đập thuỷ điện. (Đồ hoạ: Stimson. Việt hoá: Tất Đạt).

Khó thể phủ nhận dòng chảy này là huyết mạch của các quốc gia Đông Nam Á lục địa và hỗ trợ sinh kế của gần 200 triệu người sống trong khu vực, phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản.

Trung Quốc đã xây dựng con đập đầu tiên trên thượng nguồn sông Mê Kông vào những năm 1990, và đang vận hành 11 con đập dọc theo sông. Đất nước này có kế hoạch xây dựng nhiều đập, được sử dụng để tạo ra thủy điện.

Một số trong những con đập đó đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông, dẫn đến việc hạ lưu sông Mê Kông liên tục ghi nhận mực nước sông thấp nhất từ trước đến nay trong suốt cả năm, theo nghiên cứu của Eyes on Earth. 

Bản báo cáo được công bố bởi các đối tác cơ sở hạ tầng bền vững do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, và Hạ lưu sông Me Kông Initiative, một tổ chức hợp tác đa quốc gia của Mỹ với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ năm 1992 đến 2019, các phép đo vệ tinh về độ ẩm bề mặt của Google ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, cho thấy khu vực này thực sự có lượng mưa và tuyết kết hợp nhỉnh hơn mức trung bình từ tháng 5 đến tháng 10/2019. Nhưng mực nước đo ở hạ lưu dọc biên giới Thái Lan - Lào có lúc thấp hơn mức đáng lẽ phải có, theo Alan Basist và Claude Williams, tác giả của báo cáo.

Điều này chỉ ra rằng Trung Quốc đang giữ lượng nước lớn trong các đập thuỷ điện, trong khi các nước hạ lưu sông Mê Kông trải qua đợt hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất, đe dọa an ninh lương thực.

Mùa nước lũ dần trở nên xa xỉ 

CNBC: Trung Quốc bóp nghẹt sông Mê Kông, đe dọa huyết mạch của hàng triệu dân Đông Nam Á - Ảnh 2.

Đập Vân Nam, một trong những đập thuỷ điện trọng điểm trên sông Mê Kông. (Ảnh: Mekong Eye).

Các cộng đồng sống dọc theo dòng sông đã nhận thấy biến động nước bất thường với việc xây dựng các đập mới, International Rivers, một tổ chức phi chính phủ cho biết. Một số người dân đã cảm nhận rõ hạn hán bất thường, nhưng đôi khi lại là mực nước tăng đột ngột.

Nghiên cứu từ Stimson Center đã chỉ ra kết luận tương tự.

Họ nói rằng các cộng đồng đánh cá dọc theo hồ Tonle Sap của Campuchia, nơi người Campuchia đánh bắt tới 70% lượng đạm của họ, báo cáo sản lượng đánh bắt cá thấp hơn 80-90% so với thông thường . Các tác giả của báo cáo, Brian Eyler và Courtney Weatherby cho biết: "Ngày nay, một số khu vực đông dân cư của Đồng bằng sông Cửu Long đã mất khả năng tiếp cận với nước ngọt".

Dù chưa đến cao điểm nắng nóng năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã có 6 tỉnh công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp, gồm Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.

Đồng bằng sông Cửu Long vốn có dạng tứ giác cân với ba mặt giáp biển. Địa thế không cao, nhiều vùng trũng chưa bồi tụ xong, dễ cho nước biển len sâu. Hệ thống sông ngòi chằn chịt kết hợp với kênh rạch len sâu vào tận ruộng đồng mà không có đê bao bọc, tạo điều kiện thuận lợi để nước mặn thâm nhập sâu.

Trước đây, đợi nước ngọt từ sông Mê Kông đổ về theo các con kênh lớn là biện pháp duy nhất giúp vùng này rửa mặn. Nhưng tình trạng nước ngọt đổ về nhỏ giọt, mùa nước lũ dần trở nên xa xỉ với hơn 21,5 triệu dân nơi đây.

Pianyh kêu gọi minh bạch dữ liệu và thông tin từ cả Trung Quốc và các nước hạ nguồn khác, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách xem sông Mê Kông là toàn bộ hệ thống và là nguồn tài nguyên chung.

Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo đổ lỗi cho nước này làm trầm trọng thêm một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất Đông Nam Á. 

Trả lời CNBC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lượng mưa giảm, gió mùa bất thường, kết hợp với sự kiện El Nino cực đoan là nguyên nhân chính gây ra hạn hán. 

Bộ này chỉ ra những phát hiện khoa học từ Ủy ban sông Mê Kông, cho thấy có hạn hán lan rộng trên hầu hết các khu vực xung quanh toàn bộ dòng sông, không chỉ riêng vùng hạ lưu.

CNBC: Trung Quốc bóp nghẹt sông Mê Kông, đe dọa huyết mạch của hàng triệu dân Đông Nam Á - Ảnh 4.

Trung Quốc cảnh báo các quốc gia như Lào, Thái Lan cũng đang thi nhau mở đập trên sông Mê Kông. (Ảnh: AP).

Trong một cuộc họp báo thường kì vào tuần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng đã gọi báo cáo trên là "không có căn cứ", và nói rằng nó "đi ngược với sự thật".

Ủy ban sông Mê Kông, một cơ quan liên chính phủ bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, cho biết hồi đầu tháng này, rằng "bằng chứng khoa học hơn là cần thiết để kết luận hạn hán năm 2019 phần lớn là do trữ lượng nước ở đập thượng lưu sông Mê Kông". Tổ chức này cũng kêu gọi chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa các nước liên quan, bao gồm cả Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có kế hoạch dài hạn để thiết lập các đặc khu kinh tế trên cả hai bờ sông Mê Kông, bao gồm bất động sản cao cấp, cảng sông, đường sắt và đường bộ, Fitch Solutions lưu ý. Ưu điểm là điều này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia Mê Kông, và biến Tam giác vàng, nơi gặp gỡ giữa Lào, Myanmar và Thái Lan, thành một địa điểm thương mại rất sầm uất.