Trang đánh giá về du lịch hàng đầu thế giới Skift mở đầu bài viết bằng nhận định: "Đáng kinh ngạc, Việt Nam là câu chuyện thành công ở Đông Nam Á trong cuộc chiến với Covid-19. Du lịch trong nước đang khởi động sự phục hồi. Trong khi đó, thị trường khách du lịch từ Trung Quốc và Hàn Quốc đang chực chờ tiêu tiền ngay lập tức".
Dưới 300 ca nhiễm và không ai tử vong vì Sars-CoV-2, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đưa ngành du lịch ra khỏi hố đen, trước các quốc gia Đông Nam Á lớn như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Trong khi Việt Nam phần nào thở phào nhẹ nhỏm thì các quốc gia khác vẫn gồng mình với các lệnh cấm cửa. Indonesia sợ người dân không chịu ở nhà, các quan chức đành dùng cách doạ ma những ai ló mặt ra đường. Tổng thống Duterte của Philippines thậm chí còn yêu cầu cảnh sát bắn những người từ chối kiểm dịch.
Các chuyến bay nội địa đã hoạt động trở lại, cũng như các dịch vụ xe buýt và xe lửa, nhà hàng cùng cửa hàng bán lẻ. Vietnam Airlines, Vietjet Air là những hãng đang nỗ lực chuẩn bị để nối lại một số chuyến bay quốc tế vào tháng 6.
Skift dựa báo, nếu thành công, điều này sẽ giúp Việt Nam vượt lên trên Thái Lan về ngành dịch vụ du lịch.
Ủy ban Tư vấn Du lịch Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm các nhà lãnh đạo và các bên liên quan, đã yêu cầu Chính phủ tổ chức các cuộc đàm phán song phương sớm với các thị trường tiềm năng, phó chủ tịch hội đồng quản trị, ông Kenneth Atkinson, nói với Skift.
"Những thị trường song phương đầu tiên là những thị trường mà chúng ta cần nhất. Ví dụ như Trung Quốc và Hàn Quốc. Sau đó, Úc, New Zealand, Singapore và Đài Loan, mặc dù Singapore hiện tại không quá triển vọng", Atkinson nhận định.
Tổng cộng, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 55% lượng du khách đến Việt Nam. Vì vậy, theo ông Michael Piro, Giám đốc điều hành quỹ Indochina Capital, họ thực sự rất quan trọng. Trong số 18 triệu du khách năm ngoái, 6 triệu người đến từ Trung Quốc và 4 triệu người Hàn Quốc.
Việc chiếm trọn sự ưu ái từ du lịch còn mở ra cơ hội kinh doanh và du lịch giải trí, ông nói thêm. Việt Nam năm ngoái đã chứng kiến sự gia tăng 7% trong đầu tư nước ngoài lên 38 tỉ USD.
"Nhiều công ty sản xuất đã chuyển sang Việt Nam từ Trung Quốc. FDI là một tấm gương phản ánh dòng chảy du lịch. Trung Quốc và Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của chúng ta, họ cũng là nguồn du lịch lớn nhất của chúng ta. Khi vị thế du lịch nâng cao, các khoản đầu tư nước ngoài và tiền thu từ du lịch sẽ bắt đầu chảy vào ngày càng nhiều", Michael Piro giải thích.
Nhưng Atkinson lưu ý, làn sóng bùng dịch tiếp theo có thể đến từ các du khách nước ngoài.
"Các mô hình có những thách thức của nó. Chẳng hạn, trong khi Thượng Hải vẫn còn dấu hiệu lây dịch trong cộng đồng, làm thế nào để chúng ta đảm bảo rằng hành khách trên chuyến bay từ Thượng Hải đến Việt Nam đều đến từ Thượng Hải?", ông nói.
Tuy nhiên, cả Atkinson và Piro đều hi vọng Việt Nam mở cửa biên giới với Trung Quốc.
Skift đánh giá: "Việt Nam đang ở vị trí người dẫn đầu, vượt cả Thái Lan trong việc thu hút khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc hậu Covid-19. Hãy đốt cháy mọi định kiến cũ và trở thành một người hàng xóm trưởng thành hơn".
Trang này dẫn chứng nhận định trên có cở sở, từ việc Việt Nam chỉ mất 7 năm để đi từ 6 triệu lượt khách quốc tế đến 15 triệu lượt, trong khi Thái Lan mất đến 15 năm.
"Tôi sẽ không đánh giá thấp Thái Lan, nơi vẫn còn nhiều thứ hay ho, nhưng tôi muốn nói rằng Việt Nam sẽ có một khởi đầu nhanh hơn trong làn sóng thu hút du khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Tôi nghĩ những người này sẽ cảm thấy an toàn hơn khi ở Việt Nam. Truyền thông đã liên tục ca ngợi Việt Nam xử lí dịch bệnh tốt như thế nào. Tôi cũng nghĩ đối với họ, đó là một điểm đến mới hơn, so với Thái Lan, nơi họ đã có quá nhiều lần ghé thăm", ông Piro dự đoán.
Vị này còn nói thêm: "Sau khi ở trong nhà quá lâu, mọi người sẽ tìm kiếm những chuyến đi và trải nghiệm nhiều hơn, trái ngược với việc ở trong các thành phố. Với bờ biển dài hơn 3.000 km của Việt Nam và nhiều miền địa hình khác nhau, họ có thể ở trong hang động, thác nước, núi non, cánh đồng lúa, bãi biển, sông Mê Kông,…".
Địa hình đa dạng, bờ biển dài, cảnh quan phong phú,... là những điều kiện tự nhiên quý giá để thu hút khách quốc tế. (Video: Tổng cục Du lịch).
Bill Barnett, Giám đốc điều hành của C9 Hotelworks, cho biết Việt Nam dễ kiểm soát hậu Covid-19 hơn, vì đây là điểm đến cuối cùng thay vì một trung tâm trung chuyển như Thái Lan. Ngoài ra, việc phân chia địa giới quản lí ở Việt Nam tập trung hơn, trong khi cơ cấu tỉnh thành của Thái Lan lại phức tạp.
"Thái Lan vẫn còn thiệt hại nghiêm trọng về thương hiệu du lịch từ vụ đắm thuyền năm 2018 ở Phuket, và các vấn đề liên quan đến an toàn khác. Chắc chắn vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm ngoái và đồng baht tăng mạnh, đã tạo ra sự biến động của du khách, nhưng nước này cần giải quyết vấn đề cốt lõi là an toàn và an ninh cho du khách Trung Quốc", ông Barnett nói.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do C9 Hotelworks và Deliverying Asia Communications thực hiện vào tháng 4, cho thấy sự quan tâm của khách du lịch Trung Quốc đến thăm Thái Lan vẫn nhiều hơn so với Việt Nam (lần lượt là 71% và 45% số người được hỏi).
"Trong khi Việt Nam đã thận trọng trong việc đối phó với virus, thì giờ đây vấn đề lớn nhất đã được nhận thức rõ hơn là tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần thúc đẩy bất cứ điều gì cần thiết để đưa thương mại và du lịch trở lại, ít nhất là du lịch nội địa trước tiên, nếu không phải là quốc tế", ông Piro nhận định.
Triển vọng phục hồi khởi động du lịch trong nước được Skift cho rằng rất sáng sủa. Các đơn đặt phòng khách sạn và Airbnb cho kì lễ 30/4 và 1/5 đã tăng ở các khu vực gần thành phố lớn, theo dữ liệu thu được từ Indochina Capital.
Piro, người sở hữu một số quán bar và nhà hàng ở TP HCM, cho biết khi các cửa hàng mở cửa trở lại gần đây, doanh số họ đạt được tốt hơn so với trước khi có Covid-19.
"Mặc dù vẫn còn sớm, nhưng điều đó cho tôi biết người dân địa phương đang rất háo hức ra khỏi nhà. Chính phủ đã thực hiện một công việc tuyệt vời trong khơi dậy niềm tin từ mọi người", ông nói.
Tại Việt Nam, khoảng 40% trong tổng số 96 triệu người dân đang dưới 25 tuổi. Năng động, khỏe mạnh, am hiểu công nghệ, mê xê dịch và chấp nhận rủi ro, họ là một phần của 85 triệu chuyến đi nội địa năm ngoái.
Ông Atkinson cho biết, nhiều nước luôn đánh giá cao du lịch nội địa hơn phụ thuộc vào khách quốc tế.
Thị trường du lịch nội địa lành mạnh của Việt Nam là nhờ tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người 11% kể từ năm 2000, một trong những tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Một yếu tố khác là Chính phủ đầu tư 11% GDP vào cơ sở hạ tầng như đường giao thông. Không có quốc gia nào khác ở Đông Nam Á chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng so với Việt Nam.
Ông Piro cho biết thêm 60% du lịch nội địa là đường bộ, mặc dù du lịch hàng không vẫn được kích thích bởi sự tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ do Vietjet và Jetstar dẫn đầu.
Kinh doanh 22:41 | 22/12/2020
Kinh doanh 11:17 | 20/11/2020
Kinh doanh 09:50 | 20/11/2020
Kinh doanh 14:30 | 12/11/2020
Tiêu dùng 14:53 | 28/10/2020
Kinh doanh 16:51 | 23/10/2020
Kinh doanh 10:04 | 22/10/2020
Kinh doanh 09:12 | 22/10/2020