Từ các bãi biển hoang vắng: Đại dịch Covid - 19 đã làm tổn thương ngành du lịch Việt Nam thế nào?

Khoảng 23.000 nhân viên tại khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng đã phải tạm thời nghỉ việc vì đại dịch Covid - 19. Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng cho biết lượng khách du lịch sụt giảm trong quý đầu tiên năm 2020 đã khiến thành phố mất từ 700 - 800 tỉ đồng, tương đương từ 30 - 34 triệu USD.

Cảnh hoang vắng trên bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng đã được phóng viên tờ Nikkei Asia Review ghi lại mới đây, trái ngược hoàn toàn so với khung cảnh chật cứng người ngày trước.

Bãi biển này đã bị đóng cửa như một phần của chiến dịch cách li xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan virus Covid - 19 của Việt Nam. Một loa thông báo phát đi bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhắc nhở mọi người hãy giữ đúng khoảng cách, tránh xa 2m và đeo khẩu trang.

Khi yêu cầu cách li xã hội được thực hiện vào ngày 1/4, Đà Nẵng dần trở nên hoang vắng, chỉ còn lại siêu thị, nhà thuốc, bệnh viện và các cây ATM hoạt động.

Từ các bãi biển hoang vắng: Đại dịch Covid - 19 đã làm tổn thương ngành du lịch Việt Nam thế nào? - Ảnh 1.

Bãi biển Đà Nẵng hoang vắng trong đại dịch Covid - 19. (Ảnh: Nikkei).

Ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại nặng nề bởi Covid - 19

Khách sạn DLG, một khách sạn 5 sao nằm trên bãi biển, ngày thường có công suất phòng lên tới 80%, nhưng vào thời điểm này, nó hoàn toàn trống rỗng.

"Chính phủ Việt Nam đã và đang làm rất tốt để bảo vệ người dân", Giám đốc bán hàng và tiếp thị của khách sạn, bà Hà Huyền nói với phóng viên Nikkei. "Cho đến nay, không ai bị sa thải. Chúng tôi vẫn đang làm việc để tối ưu hoá chi phí hoạt động".

Việt Nam là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực du lịch. Du lịch chiếm 8% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm, theo Ngân hàng thế giới. Nhưng việc Việt Nam áp dụng các biện pháp cần thiết để chống Covid - 19, đang đẩy ngành công nghiệp không khói này vào một giai đoạn tồi tệ nhất trong thời gian gần đây.

Từ các bãi biển hoang vắng: Đại dịch Covid - 19 đã làm tổn thương ngành du lịch Việt Nam thế nào? - Ảnh 2.

Một con đường không một bóng người ở Đà Nẵng. (Ảnh: Nikkei).

"Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đang theo dõi sát sao tình hình. Chúng tôi cũng đã phác thảo những khả năng và kịch bản khác nhau có thể xảy ra do khủng hoảng vì dịch Covid - 19, cùng những tác động tới nền kinh tế", Giám đốc tại Viện Quản lí kinh tế Trung ương ở Hà Nôi chia sẻ.

"Chúng tôi sẵn sàng cho các phản ứng khác nhau nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài".

Các chuyến bay du lịch nội địa đến Việt Nam trong tháng 3 đã giảm hơn 60% so với tháng trước, và lượng khách quốc tế đã giảm 40% trong quý đầu năm 2020, theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 5 tại Việt Nam, có một bờ biển dài ở phía Đông trung tâm, và là một trụ cột quan trọng của ngành công nghiệp. Hiệp hội du lịch thành phố cho biết lượng khách du lịch sụt giảm trong quý đầu tiên năm 2020 đã khiến thành phố mất từ 700 - 800 tỉ đồng, tương đương từ 30-34 triệu USD.

Khoảng 23.000 trong tổng số 35.000 nhân công ngành du lịch ở thành phố này đã phải nghỉ việc tạm thời.

Trong một nỗ lực để thúc đẩy nền kinh tế giữa đại dịch, vào đầu tháng 3, Chính phủ Việt Nam đã công bố gói kích thích trị giá 27.000 tỉ đồng, tương đương 1,1 tỉ USD để giúp các doanh nghiệp đang gặp khó. Tuy nhiên, để nền kinh tế quay trở lại bình thường sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào việc đại dịch toàn cầu sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu.

Một nhà hàng chay nhỏ ở Đà Nẵng có tên là Kokogreen, được du khách nước ngoài cũng như người dân địa phương hết sức ưa chuộng, mấy ngày trước vẫn mở cửa vào buổi chiều, nhưng khách hàng chỉ được gọi món và mang đi.

Một người quản lí với tên nước ngoài là Jenny, giải thích bây giờ họ sẽ phải đóng cửa trong vòng 2 tuần. Tất cả việc giao đồ ăn cũng sẽ bị tạm dừng trong thành phố.

Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt để kiểm soát tình hình

Từ các bãi biển hoang vắng: Đại dịch Covid - 19 đã làm tổn thương ngành du lịch Việt Nam thế nào? - Ảnh 3.

Các hộp khẩu trang miễn phí đặt trước một cửa hàng tại Đà Nẵng, Việt Nam. (Ảnh: Nikkei).

Tính đến đầu tuần này, Việt Nam có 241 trường hợp nhiễm Covid - 19, và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, rất nhanh chóng Việt Nam đã đóng cửa biên giới, sân bay với nước này, bắt đầu từ tháng 2. Sau thời điểm đó, Việt Nam đã mở lại một số cửa khẩu để duy trì giao dịch, nhưng vẫn rất hạn chế.

Tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh yêu cầu dừng tất cả các chuyến bay quốc tế đối với công dân nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, ngoại trừ những chuyến đi ngoại giao. Và vào ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15, và sau đó là Chỉ thị 16 yêu cầu mọi người ở nhà và cấm các cuộc tụ họp công cộng vượt quá 2 người.

Người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước, đã ca ngợi phản ứng nhanh chóng của Chính phủ đối với cuộc khủng hoảng. Một số nhà quan sát cho rằng đây là kinh nghiệm của Việt Nam, khi trong quá khứ đất nước đã phải đối mặt với đại dịch SARS, và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 - 2008.

Bộ Y tế đã thường xuyên gửi tin nhắn cho tất cả những thuê bao di động tại Việt Nam, để khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay. Vào ngày 6/3, Việt Nam tuyên bố sản xuất bộ xét nghiệm Covid - 19, với công suất 10.000 kit mỗi ngày, sau khi thí điểm thành công và được sự chấp thuận của Tổ chức Y tế thế giới WHO.

Anh Dương, Giám đốc Viện quản lí kinh tế Trung ương, cho biết Chính phủ nhận định rằng việc mất nguồn khách du lịch Hàn Quốc và Trung Quốc thực sự đã khiến thị trường du lịch của Việt Nam bị tổn thương.

"Tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam sẽ chậm lại, và tác động đến du lịch là rất phức tạp. Điều này dự kiến sẽ còn kéo dài trong những tháng tơi", ông Dương nói.