Italy
Italy đã kích hoạt quĩ dự phòng nhằm hỗ trợ cho tất cả các lĩnh vực. Theo đó, chính phủ nước này cam kết sẽ trả khoảng 80% lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những người làm việc tự do có thể làm đơn xin khoản thanh toán đặc biệt 600 euro trong tháng 3/2020.
Các gia đình có thể hoãn thanh toán thế chấp nếu công việc của họ phải dừng do đại dịch. Ngoài ra, Italy cũng thành lập quĩ 500 triệu euro để giải quyết các thiệt hại của ngành hàng không.
Hồng Kông (Trung Quốc)
Để hỗ trợ ngành du lịch trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, Hồng Kông công bố chương trình trợ cấp cho các đại lí du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiện tại, có khoảng 1.350 đại lí đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp 80.000 hkd. Đây là khoản tiền đủ để giúp các đại lí vượt qua khó khăn tài chính khi dịch bệnh kéo dài. Từ ngày công bố đến nay, đã có 98% đại lí du lịch được cấp phép đăng kí chương trình để nhận trợ cấp.
Đức
Để giúp các công ty du lịch tránh khỏi nguy cơ phá sản, chính phủ Đức đã cam kết không giới hạn các khoản vay tiền mặt cho các doanh nghiệp, đồng thời tạm dừng bắt buộc nghĩa vụ tài chính đối với các công ty đến tháng 9/2020.
Ngoài ra, chính phủ Đức cũng dự kiến mở rộng khoản vay lớn, từ 460 tỉ euro lên 550 tỉ euro (tương đương 610 tỉ đồng) cho các doanh nghiệp.
Australia
Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ 1 tỉ aud cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Gói hỗ trợ này còn bao gồm cả việc miễn phí lệ phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong Great Barrier Reef Marine Park & Commonwealth National Parks.
Các gói hỗ trợ đầu tư kinh doanh, hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch.
Pháp
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giảm 70% doanh thu so với cùng kì năm ngoái. Pháp thành lập quĩ đoàn kết trị giá 2 tỉ euro để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì đại dịch, trong đó có 160.000 doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, 140.000 doanh nghiệp thương mại và 100.000 doanh nghiệp du lịch trên cả nước.
Singapore
Chính phủ Singapore đã thực hiện miễn lệ phí cấp giấy phép cho khách sạn, đại lí du lịch và hướng dẫn viên, tăng cường các chương trình trợ cấp, hỗ trợ đến 70% tiền lương cố định hàng tháng cho người lao động có mức thu nhập dưới 2.000 usd/tháng.
Chính phủ cũng giảm phí hạ cánh và đỗ máy bay, giảm giá thuê cho các đại lí và cửa hàng ở sân bay Changi. Singapore còn tăng cường cho vay vốn lưu động, giảm 25% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vương quốc Anh
Thủ tướng Anh đã đề xuất biện pháp tạm thời hỗ trợ cho các dịch vụ công cộng, người dân và doanh nghiệp với tổng kinh phí lên tới 330 tỉ bảng Anh.
Các biện pháp này bao gồm: Miễn lãi suất 12 tháng cho các doanh nghiệp bán lẻ, khách sạn và giải trí, tài trợ 15.000 - 51.000 bảng Anh cho các doanh nghiệp lớn, 10.000 bảng Anh cho doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ được vay đến 5 triệu bảng Anh thông qua các ngân hàng ở Anh.
Philippines
Philippines mở gói hỗ trợ 523 triệu usd cho ngành du lịch. Trong đó, 271 triệu usd được cấp từ cơ quan quản lí cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp du lịch TIEZA sẽ dành cho các chương trình và dự án của Bộ Du lịch Philippines. 23 triệu usd sẽ được sử dụng làm khoản trợ cấp thất nghiệp từ khu vực tư nhân. 58 triệu usd sẽ dùng cho việc đào tạo lại lao đông. 40 triệu usd phân bổ vào các chương trình bảo trợ xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Bộ Du lịch nước này cũng đang dự tính dùng 118 triệu usd cho công tác quảng bá Philippines trong giai đoạn phục hồi. Trong đó, ít nhất 421 triệu php sẽ dành cho du lịch nội địa và 467 triệu php để quảng bá đến các quốc gia mới nổi không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha công bố khoản tài trợ trị giá 400 triệu euro với sự bảo lãnh từ ICO (Học viện tín dụng chính thức của Tây Ban Nha) cho các công ty du lịch, đơn vị vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, bảo tàng… có trụ sở tại nước này với giới hạn dưới 500.000 euro.
Các quĩ hoạt động như một khoản vay có thời hạn trong 4 năm, với lãi suất cố định (tối đa 1,5%), trong đó ICO sẽ bảo lãnh cho các tổ chức tín dụng với 50% rủi ro của khách hàng. Hoạt động có thể được thỏa thuận cho đến ngày 31/12/2020.
Ngoài ra, chính phủ cũng ban hành gói 200 tỉ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Các công ty, doanh nghiệp phải cam kết không được sa thải hàng loạt người dân lao động thì mới được đăng kí nhận hỗ trợ này.
Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha đưa ra hơn 30 giải pháp để bảo vệ người lao động trong nước trước thực trạng dịch bệnh Covid-19. Chính phủ cũng đặc biệt chú trọng vào ngành du lịch bằng cách thiết lập hạn mức tín dụng 60 triệu euro cho các doanh nghiệp nhỏ, tăng hạn mức tín dụng lên 200 triệu euro cho doanh nghiệp vừa và lớn, hỗ trợ 70% chi phí an sinh xã hội, cấp học bổng đào tạo, gia hạn thời gian nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.
Malaysia
Chính phủ Malaysia sẽ đưa ra nhiều khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, giảm 15% hóa đơn thanh toán tiền điện cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng như miễn 6% thuế dịch vụ với nhóm ngành khách sạn.
Ngoài ra, Malaysia sẽ hỗ trợ những người làm việc trong ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm miễn thuế TNCN tối đa 1.000 ringgit (237 usd), hỗ trợ một lần 600 ringgit (142 usd) cho tài xế taxi, xe buýt du lịch và hướng dẫn viên du lịch đã đăng kí.
Indonesia
Indonesia cũng tuyên bố sẽ bỏ ra ít nhất 744 triệu usd hỗ trợ người lao động, các hãng hàng không, khách sạn, du khách và chính quyền địa phương tại các địa điểm du lịch trọng yếu nhằm đối phó thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Việt Nam
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 21/3 cho biết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đã kí văn bản số 1156/BVHTTDL-TCDL gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất những các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona.
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Quý I, Quý II và Quý III năm 2020, giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Quý IV năm 2020 và Quý I năm 2021. Ngoài ra, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí): Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thời gian áp dụng: 12 tháng từ ngày Việt Nam công bố hết dịch.
Đồng thời, nghiên cứu pháp lí hóa danh mục 80 nước, vùng lãnh thổ có tiềm năng gửi khách du lịch đến Việt Nam được xét cấp thị thực điện tử (hiện nay đang thí điểm). Xem xét miễn thị thực đơn phương có thời hạn (12 tháng) cho các nước Ấn Độ, Australia, New Zealand, EU, Mỹ, Canada (khi được xác định không phải là vùng dịch).
Ngày 24/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 1205/BVHTTDL-KHTC gửi Bộ Tài chính đề xuất miễn giảm phí, lệ phí để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo đó, sau khi tiến hành rà soát các khoản phí, lệ phí hiện hành thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Tài Chính xem xét qui định miễn hai loại phí trong vòng một năm kể từ ngày 1/4 để hỗ trợ kịp thời các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cụ thể, thứ nhất là phí thẩm định cấp đổi và cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Trong đó, mức phí cấp đổi là 2 triệu đồng/giấy phép, mức phí cấp lại là 1,5 triệu đồng/giấy phép.
Thứ hai là phí thẩm định cấp đổi và cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch. Trong đó, mức phí đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa là 650 nghìn đồng/thẻ và mức phí đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm là 200 nghìn đồng/thẻ (Các mức phí trên được qui định tại Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính).
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020