Ngành du lịch Nhật Bản ảnh hưởng nặng nề vì hoãn Olympic 2020

Vốn chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, cộng thêm việc quyết định hoãn tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 đã gây ra tác động mạnh đến ngành du lịch Nhật Bản.

Du lịch Nhật Bản lao đao vì đại dịch Covid-19 và việc hoãn Olympic 2020

Từ các nhà điều hành tour du lịch, nhà tài trợ sự kiện, cho đến người bán hàng, hãng phim, việc hoãn Olympic 2020 ở Tokyo đã làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của nền kinh tế Nhật Bản và thế giới.

Các nhà kinh tế ước tính chi phí trì hoãn Thế vận hội Olympic 2020 nằm trong khoảng 600 đến 2.000 tỉ yên (5,4 - 8 tỉ usd), so với ước tính chi phí hủy bỏ dao động từ 37-72 tỉ usd.

Việc hoãn tổ chức sự kiện thể thao hàng đầu thế giới đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 124 năm Thế vận hội bị trì hoãn giữa thời bình. Thế vận hội mùa hè bị hủy bỏ ba lần vào năm 1916, 1940, 1944 và mùa đông hai lần, vào năm 1940 và 1944, tất cả là do chiến tranh.

Ngành du lịch Nhật Bản ảnh hưởng nặng nề vì hoãn Olympic 2020 - Ảnh 1.

Vòng tròn Olympics tại công viên nước Odaiba, Tokyo. (Ảnh: Reuters)

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch trung bình đến Nhật Bản là khoảng 32 triệu lượt/năm. Với việc đăng cai tổ chức Olympic, ngành du lịch Nhật Bản có thể đón thêm 2 triệu khách. Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác của kinh tế Nhật Bản.

Năm 2019, 31,9 triệu người đến Nhật Bản, thu về 43,6 tỉ usd. Tuy nhiên vào tháng 2 năm nay, khi dịch Covid-19 lan rộng, nhiều quốc gia đóng biên giới, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã giảm gần 60% so với cùng kì năm trước. Các nhà phân tích dự đoán đây là một năm thảm khốc cho ngành du lịch. Cùng với việc Olympic bị hoãn đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ mất đi thêm nhiều lượng khách du lịch. 

Eiha Jo - Người sáng lập công ty du lịch China Enterprise có trụ sở tại Tokyo cho biết: "Ảnh hưởng của dịch bệnh này đối với ngành du lịch là vô cùng nghiêm trọng và Olympic bị hoãn thậm chí còn tệ hơn". 

Công ty của ông đã phục vụ hơn 600 khách du lịch Trung Quốc cao cấp đến Nhật Bản vào năm ngoái. Họ đã đến đây để chơi golf, tận hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tìm kiếm tài sản để đầu tư. Với tình trạng hiện nay, ông cho rằng tình hình kinh doanh sẽ sụt giảm mạnh so với năm ngoái. 

Ban tổ chức Thế vận hội cho biết đã dành khoảng 46.000 phòng khách sạn gần địa điểm diễn ra Olympic cho các thành viên của cơ quan quản lí thể thao, vận động viên, truyền thông và nhà tài trợ. Nay toàn bộ phòng đã đặt đều bị hủy bỏ.

Shigemi Sudo, Tổng thư kí của Hiệp hội khách sạn và Hiệp hội Ryokans cho biết: "Chúng tôi thở phào vì Olympic không bị hủy, nhưng vẫn lo lắng về tương lai của ngành công nghiệp cho đến mùa hè năm sau. Những nhà điều hành khách sạn vừa và nhỏ có thể phải đối mặt với tình hình tài chính nghiêm trọng, rất khó để giải quyết vấn đề vắng khách giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan".

Do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với việc hoãn Olympic, tỉ lệ hủy phòng tăng lên, Hiệp hội Nhà nghỉ, Khách sạn Nhật Bản dự kiến hàng loạt khách sạn kinh doanh tầm trung trên cả nước có thể tuyên bố phá sản trong năm nay nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và chính phủ không can thiệp.

Các nhà phân tích tại Nhật Bản hiện đang đặt hi vọng vào sự kiện Olympic vào năm tới sẽ làm thúc đẩy nền kinh tế. Các nhà phân tích cũng cho rằng chính phủ Nhật Bản nên đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đến khi Olympic đem lại lợi ích kinh tế như mong đợi.

Việc trì hoãn tổ chức Olympic vẫn tốt hơn hủy bỏ

Yasuhide Yajima, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu NLI, thuộc công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản Nippon cho biết: " Việc hoãn rõ ràng là tốt hơn so với việc phải hủy bỏ. Tuy nhiên, quyết định đó sẽ phá hủy viễn cảnh nền kinh tế Nhật Bản phục hồi trong năm nay nhờ sự kiện thể thao này".

Ngành du lịch Nhật Bản ảnh hưởng nặng nề vì hoãn Olympic 2020 - Ảnh 2.

Thế vận hội năm nay không thể diễn ra đúng kế hoạch vì dịch Covid-19. (Ảnh: ABC News)

Tác động của dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài nhưng lợi ích kinh tế từ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho sự kiện thể thao không hề bị mất đi. Các công ty trên khắp thế giới mong đợi thu về lợi nhuận. Họ mong muốn hàng hóa có thể giữ được và đơn hàng sẽ quay trở lại khi Thế vận hội diễn ra vào năm 2021.

Chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã quyết định tổ chức Thế vận hội mùa hè Tokyo từ ngày 23/7 đến ngày 8/8/2021. Thế vận hội mùa hè dành cho người khuyết tật sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 5/9 năm sau.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.