Doanh nghiệp lữ hành khốn đốn vì đại dịch virus corona

Do tình trạng bùng phát dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra, nhiều doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề vì mất thị trường du lịch Trung Quốc.

Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam lao đao vì mất thị trường Trung Quốc

Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra bùng nổ vào đúng mùa cao điểm đã khiến cho ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Việc phải hủy toàn bộ tour đi và đón khách Trung Quốc khiến nhiều công ty du lịch Việt Nam đối mặt với tình trạng giảm doanh số nghiêm trọng.

Theo ông Mai Tiến Tần, Giám đốc công ty du lịch Vietkingtravel cho biết, công ty đã có lịch khởi hành các tour du lịch đến Trung Quốc từ hai đầu là Hà Nội và TP HCM bằng đường hàng không cho cả năm 2020. 

Doanh nghiệp lữ hành khốn đốn vì đại dịch virus corona - Ảnh 1.

(Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại công ty đã phải dừng khai thác toàn bộ các tour khởi hành đi Trung Quốc bao gồm các tour Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trương Gia Giới, Bắc Kinh – Thượng Hải – Hàng Châu – Tô Châu, Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang – Shangrila.

"Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công ty đã phải hủy 7 đoàn du lịch sang Trung Quốc, mỗi đoàn từ 25 đến 30 khách. Công ty uớc tính thiệt hại vào khoảng 800 triệu đồng", ông Mai Tiến Tần chia sẻ. 

Cũng theo đại diện công ty du lịch Vietravel cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, Vietravel đã hủy khoảng 60 đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam (khoảng 1.000 khách). Hiện tại công ty đã hủy tất cả tour từ Trung Quốc sang Việt Nam đến hết tháng 3/2020. Uớc tính thiệt hại là hàng chục tỉ đồng. 

Với quyết định tương tự, đại diện HanoiRedtours cho biết, số lượng đoàn khách đi Trung Quốc phải hủy trong quí I/2020 của doanh nghiệp này là khoảng 40, gồm 5 đoàn khởi hành trong dịp Tết với doanh thu dự kiến khoảng 7 tỉ đồng. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, hãng phải đối mặt với quyết định hủy thêm 100 đoàn khách đi Trung Quốc trong quí II/2020.

Những thiệt hại về mặt kinh tế các doanh nghiệp lữ hành có thể phải gánh là chi phí làm visa (khoảng 30 usd/khách), vé máy bay, vé tàu, tiền đặt phòng khách sạn và ăn uống, chi phí thuê hướng dẫn viên. Nếu phía đối tác ủng hộ và đồng ý hoàn lại toàn bộ, phía công ty du lịch chỉ chịu thiệt hại về chi phí quảng cáo, vận hành tour và công sức của nhân viên.

Doanh nghiệp lữ hành khốn đốn vì đại dịch virus corona - Ảnh 2.

(Ảnh: Reuters).

Thời gian qua, du khách Trung Quốc và các điểm đến Trung Quốc là thị trường chủ yếu của nhiều công ty du lịch Việt Nam. Có công ty, hàng ngày đều khởi hành tour du lịch đưa khách đến Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số gần 2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2020, khách từ thị trường Trung Quốc tăng trưởng 72,6%, đạt gần 645.000 lượt, chiếm 32% tổng lượng khách. Năm ngoái, 5,8 triệu khách Trung Quốc tới Việt Nam trong tổng số 18 triệu khách quốc tế.

Chính vì vậy, tình trạng bùng phát của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh dịch vụ du lịch trong nước bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều chương trình du lịch đã được chi trả trọn chi phí dịch vụ, nhưng không thể triển khai nên một số công ty du lịch đã phải chịu thiệt hại gần như 100%. 

Theo đại diện công ty du lịch Viettourist cho biết, tính ngày mùng 10 Tết Âm lịch, Viettourist đã hủy 13 đoàn. Đối với những tour charter (thuê bao nguyên chuyến bay) đi Trung Quốc, công ty đã phải thanh toán từ 30 đến 50% tiền vé. Tiền vẫn phải hoàn lại cho khách nhưng phía hàng không thì vẫn chưa thu hồi về được. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn về tài chính cho công ty. 

Cơ hội thoát phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Dịch bệnh bùng phát đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp lữ hành nói riêng. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam cơ cấu, định hướng lại sự phát triển của ngành. 

Nhận định về việc tạm thời đóng cửa du lịch đối với khách Trung Quốc, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang cho biết, đây là dịp tốt để cải tổ, sàng lọc đối tượng khách, chấn chỉnh tình trạng “Tour 0 đồng” tại nhiều địa phương thời gian qua. Sẽ không còn tình trạng quá đông khách du lịch Trung Quốc tại các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Đặc biệt, đây sẽ trở thành điểm đến lí tưởng cho khách nội địa và khách quốc tế đến từ các quốc gia khác.

Hiện nay, nhiều công ty du lịch cũng đưa ra những chương trình kích cầu như giảm giá tour, giới thiệu những điểm đến mới, sản phẩm du lịch tương đồng như tour du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Australia... để du khách có thể lựa chọn. 

Theo ông Mai Tiến Tần, Giám đốc công ty du lịch Vietkingtravel cho biết, hiện tại công ty đang giảm thiểu thiệt hại cho du khách và công ty bằng cách chuyển du khách sang thị trường du lịch khác có thời tiết nắng nóng trên 25 độ C, nơi mà virus corona khó có thể phát triển mạnh như tại Dubai, Singapore hay Malaysia.

Doanh nghiệp lữ hành khốn đốn vì đại dịch virus corona - Ảnh 4.

(Ảnh: Vietkingtravel).

"Đối với những du khách đã đăng kí tour đi Trung Quốc nhưng không khởi hành, công ty đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, với các tour du lịch Trung quốc đã đặt trước mà bị hủy, công ty sẽ hỗ trợ hoàn tiền và chuyển đổi qua các tour du lịch khác như tour du lịch Dubai, Singapore - Malaysia. Các dịch vụ của tour du lịch Singapore - Malaysia thời điểm này tốt hơn do không có khách Trung Quốc. Chính vì vậy, du khách không phải chịu cảnh xếp hàng tại các điểm du lịch cũng như các nhà hàng trong tour sẽ phục vụ chu đáo hơn", ông Mai Tiến Tần chia sẻ. 

Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ nhưng các công ty vẫn gặp khó khăn do tâm lí lo sợ dịch bệnh của du khách. Vì vậy, để "vực dậy" thị trường du lịch, tìm nguồn khách thay thế du khách Trung Quốc và thị trường Trung Quốc, các hãng lữ hành cho rằng Việt Nam phải hành động để có được hình ảnh điểm đến an toàn, ít nhất là phòng chống dịch hiệu quả.

"Cơ quan quản lí Nhà nước về du lịch nên có những động thái để trấn an dư luận bằng cách công bố các văn bản chứng minh những điểm đến an toàn, chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ sở để hoạt động du lịch hiệu quả", ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc công ty Viettourist cho biết. 

Việc tạm mất thị trường du lịch Trung Quốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, đây sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch lựa chọn các thị trường du lịch hấp dẫn khác. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.