Sắp 20/11 nhưng nhiều thầy cô ở Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) lại buồn bởi có nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Gần đây nhất, cô giáo Huỳnh Thị Thi Thơ (32 tuổi), giáo viên trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân phản ánh với chúng tôi với nội dung:
Năm học 2016 – 2017, cô Thơ hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và các hoạt động khác do Ban giám hiệu trường giao phó. Theo các quy định về Thi đua – khen thưởng lĩnh vực giáo dục, cô Thơ đủ điều kiện đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.
Tuy nhiên, niềm vui và sự chờ đợi của cô Thơ đã không trở thành hiện thực mà thất vọng khi Hội đồng thi đua khen thưởng TP Tam Kỳ công bố danh sách giáo viên được tặng danh hiệu Lao động tiên tiến không có tên của cô Thơ.
Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân nơi cô Thơ bị tổ trưởng bộ môn tự đánh giá, xếp loại không công khai khiến cô mất danh hiệu Lao động tiên tiến. Ảnh: Văn Luận - Hà Như |
“Nguyên nhân là thầy Lương Văn Nhiều, Tổ trưởng bộ môn Tin học đã tự nhận xét, đánh giá thành tích giảng dạy của tôi không đúng, không công khai và có biên bản với tôi và Ban giám hiệu trường. Vì bức xúc nên tôi nhiều lần làm đơn khiếu nại đến Ban giám hiệu nhưng không được quan tâm, xem xét giải quyết. Ngày 8/11 vừa qua, tôi vì quá ấm ức nên ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu”, cô Thơ nói.
Theo cô Thơ, không phải chỉ có cô mà nhiều giáo viên trong trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũng bức xúc vì cách xếp loại, công khai thành tích giảng dạy của giáo viên không công bằng.
Đơn cử như trường hợp một thầy giáo cùng trường nghỉ dạy tới 17 ngày trong năm học, chủ nhiệm lớp không được phụ huynh đánh giá cao về trách nhiệm nhưng xét là giáo viên dạy Giỏi, nằm trong danh sách xét Lao động tiên tiến toàn TP Tam Kỳ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, năm học vừa qua, cô Thơ được thầy Nhiều xếp chỉ đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ do tự ý bỏ dạy 3 tiết. Vấn đề này cô Thơ phản bác, không đồng ý vì cô chưa bao giờ bỏ dạy.
Đồng nghiệp cô Thơ cũng làm chứng cô chưa bao giờ bỏ dạy, không hiểu vì sao lại nói bỏ dạy 3 tiết. Cô Thơ được học sinh, phụ huynh yêu mến, đánh giá tốt về năng lực giảng dạy.
Tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc cô Thơ bị tự ý xếp loại, mất danh danh hiệu Lao động tiên tiến thì tại trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân còn có tình trạng học sinh không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp.
Đơn cử như trường hợp em Nguyễn Thị Ph. không biết đọc, biết viết nhưng vẫn được nhà trường cho lên lớp. Phụ huynh em Ph. phải làm đơn xin cho con xuống lớp 1 nhưng bị nhà trường làm khó.
“Không chỉ con tôi mà có 7-8 học sinh tại trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân không biết đọc, biết viết vẫn lên lớp", phụ huynh em Ph. nói.
Trả lời chúng tôi, bà Võ Thị Lai – Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân xác nhận, thầy Lương Văn Nhiều đã tự ý đánh giá, phân loại giáo viên trong đó có cô Thơ chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà không công khai với cô Thơ, tập thể giáo viên trong trường.
Ngoài việc xếp loại chỉ hoàn thành nhiệm vụ, cô Thơ cũng không nằm trong danh sách thi đua danh hiệu Lao động tiên tiến.
“Thầy Nhiều tự đánh giá không thông qua ý kiến của các giáo viên và không thông báo kết quả là hoàn toàn sai quy trình. Tuy nhiên thầy Nhiều đã nghỉ hưu”, bà Lai thừa nhận.
Về việc học sinh không biết đọc, biết viết bà Lai cũng thừa nhận có. Tuy nhiên, theo bà Lai trường hợp nào không đạt thì nhà trường cương quyết không cho lên lớp, không có việc học sinh ngồi nhầm lớp và cũng không có chuyện nhà trường chạy đua theo thành tích.
Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT TP.Tam Kỳ cho biết, về việc "ồn ào" tại trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân của cô giáo Thơ và học sinh không biết đọc, biết viết vẫn lên lớp, Phòng đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng trường này kiểm tra, rà soát và báo cáo phòng và UBND TP Tam Kỳ biết. Khi có kết quả sẽ có chỉ đạo xử lý.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Phụ huynh 'tố' trường lạm thu, suất ăn bán trú không đủ dinh dưỡng
Nhiều phụ huynh có con học tại trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm đơn “tố” đến chính quyền ... |