Sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19, từ cuối năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”, từ đó thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại. Lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ba tháng đầu năm 2022, ngành kinh doanh bất động sản có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, với mức tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động là 845 doanh nghiệp, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Xây dựng cho biết, trước nhiều động lực tăng trưởng, các doanh nghiệp bất động sản đã hướng đến những kế hoạch tăng tốc ngay từ các tháng đầu năm 2022, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ các dự án và mở rộng quỹ đất.
Đáng chú ý, về các sàn giao dịch bất động sản, tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 800 sàn đã trở lại hoạt động (so với quý IV/2021 là 400 sàn giao dịch). Các sàn đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, chuyển đổi số trong bán hàng.
Bộ đánh giá, thị trường bất động sản vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức nhưng năm 2022 sẽ có thêm nhiều tín hiệu khởi sắc hơn. Tâm lý người dân đã dần thích nghi khi bước sang năm thứ ba đối mặt với Covid-19, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động giao dịch vẫn diễn ra. Quan trọng hơn hết, các sàn giao dịch bất động sản đã có kinh nghiệm và được sàng lọc qua tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bộ cũng nhận định, hoạt động của các sàn giao dịch là một vấn đề đặt ra cho thị trường hiện nay. Các giao dịch, việc phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới chưa được quản lý, kiểm soát tốt. Có hiện tượng các sàn giao dịch câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch gây nhiễu loạn thị trường bất động sản...
Trước các vấn đề đặt ra, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường.
Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan, nhất là hoạt động quảng cáo, môi giới “dự án ma” gây nhiễu loạn thị trường.