Bố mẹ nào cũng hiểu trẻ con học hỏi tốt nhất qua vui chơi, nhưng lại chưa hiểu cách cho trẻ vui chơi thế nào. Cũng có nhiều bố mẹ biết rằng con không cần đồ chơi đắt tiền, cái con cần là được chơi và tương tác với bố mẹ thường xuyên. Dẫu hiểu như vậy, nhưng khi bắt đầu chơi với con, ít có bố mẹ nào thực sự “hòa mình” và chỉ chơi vài phút với con là chán.
“Play-based learning” (tạm dịch: phương pháp học thông qua vui chơi) là phương pháp mà ở đó trẻ được chơi, được hứng thú và từ đó “vô tình trong sự cố tình khéo léo”, trẻ được rèn luyện các mảng kỹ năng và có sự phát triển về nhiều mặt.
Chị Phạm Minh Xuân là hiệu trưởng của một trường mầm non tại Hà Nội cũng là mẹ của một bé 22 tháng tuổi. Chị Xuân áp dụng cho con chơi theo “Play-based learning” từ khi con hơn 6 tháng tuổi. Cùng trò chuyện với chị để hiểu về tinh thần của phương pháp này, từ đó các bậc phụ huynh có thể có thời gian chơi “chất lượng” hơn với con.
Chị Phạm Minh Xuân chia sẻ về "Play-based learning" - phương pháp học là chơi, chơi là học. (Ảnh: NVCC) |
- Xin chào chị Phạm Minh Xuân, được biết chị nghiên cứu khá kỹ về “Play-based learning” (PBL), xin chị giải thích thêm về khái niệm này? Có phải nó cũng tương tự như “học mà chơi, chơi mà học”?
- Đầu tiên, chúng ta cần có một cách tiếp cận chung về “thế nào là chơi”. Chơi hiểu đơn giản nhất là hoạt động trẻ cảm thấy “hứng thú” và thể hiện sự “tự nguyện” tham gia. Chơi không đánh đồng với việc là “vui, thích thú, hào hứng”, đây chỉ là mức độ thể hiện cảm xúc khác nhau thôi. Chơi có thể là một hoạt động trẻ quan tâm, tập trung và nghiêm túc thực hiện vì tò mò, ưa khám phá hay chinh phục thử thách. Khi hiểu được bản chất và ý nghĩa của hoạt động “chơi”, chúng ta sẽ không quy chụp chơi là vô bổ, vô ích và không có tác dụng cho sự phát triển của trẻ.
Khái niệm chơi trong phương pháp “Play-based learning” hơi khác một chút so với câu “học mà chơi, chơi mà học” bởi vì bản chất PBL không tách rời 2 khái niệm “chơi với học” này. Trong PBL chính xác phải nói rằng “học là chơi, chơi là học” và ý nghĩa sâu sắc hơn khi nâng cao vai trò “nghịch ngợm để khám phá” của trẻ thành “chơi là chính, nghịch là chủ yếu”. Như vậy, “Play-based learning” chính là thông qua các trò chơi được thực hiện một cách phù hợp và tuân theo sự hứng thú của trẻ mà trẻ “vô tình trong sự cố tình khéo léo” rèn luyện tập các mảng kỹ năng và có sự phát triển về nhiều mặt
- Tại sao chị lại lựa chọn “Play-based learning” cho con mình?
- Theo Piaget, ở trẻ có sự xung đột giữa thế giới thực và thế giới duy kỷ (cái tôi). Với yếu tố của “Play-based learning: (1) – động lực nội tại (cái trẻ quan tâm và chủ động tham gia) và (2) tương tác với thế giới xung quanh qua người chơi cùng, đồ vật, trẻ hiểu được sự vận hành của thế giới (make sense of their social world) đồng thời giải phóng xung đột tâm lý sẽ giúp trẻ dung hòa được hai thế giới này. Trong tất cả các mục tiêu giáo dục gia đình những năm đầu đời, mình đặt ưu tiên cao nhất là để con phát triển sức khỏe tâm lí bình thường và hài hòa.
Hơn nữa, PBL là cách giúp mình “dò sóng” bạn nhà mình đơn giản mà hiệu quả nhất. Bằng cách chơi với con, mình hiểu được con đang gặp khó khăn gì ở giai đoạn nào, bắt được các tín hiệu cần sự giúp đỡ và định hướng của mẹ mà không bị vướng vào bẫy “áp đặt” tư duy của người lớn. PBL có những chỉ dẫn tôn trọng cách chơi của trẻ và ranh giới của sự hướng dẫn của người lớn thông qua các tiến trình phát triển của kĩ năng chơi. Hay đơn giản mình coi việc chơi của 2 mẹ con là khoảng thời gian tương tác chất lượng “ít mà quý” trong cuộc sống hiện đại quá bận rộn này.
Cuối cùng nhưng là lí do cực kì quan trọng đó là PBL có tính ứng dụng tại gia đình rất cao vì học liệu ở xung quanh nhà là ưu tiên số 1 của PBL. Nếu biết cách khai thác triệt để thì môi trường gia đình chứa nguồn học liệu vô tận.
"Bằng cách chơi với con, mình hiểu được con đang gặp khó khăn gì ở giai đoạn nào". (Ảnh: NVCC) |
- Các trò chơi PBL khác gì những đồ chơi phổ biến hiện nay các trẻ em đang chơi? Các trò chơi được tổ chức theo PBL có phù hợp với môi trường gia đình không?
- Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đồ chơi thông minh, các giáo cụ được tính toán tỉ mỉ phù hợp với kĩ năng của trẻ. Tuy nhiên các đồ chơi được chế tạo công phu cho trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 3 tuổi thường chỉ có một cách chơi, không phát huy được sự sáng tạo của trẻ thông qua việc tự tổ chức trò chơi hay tái thiết lập luật chơi mới theo ý tưởng của trẻ. Chưa kể giá thành của chúng tương đối cao gây khó khăn cho việc luân phiên các hoạt động chơi hàng ngày. Trong khi đó, đồ chơi của PBL lại hướng đến “học liệu mở” và “học liệu lượm lặt” (loose parts & found objects) nghĩa là có thể tổ chức nhiều hoạt động trên cùng nguyên liệu và luôn được tìm thấy trong quá trình “lượm lặt” quanh nhà.
“Play-based learning” có 10 lĩnh vực chơi và hầu hết các đồ chơi này đều là đồ dùng, đồ ăn, vật dụng hàng ngày của trẻ (1-Sách, 2-Số học, 3-Văn học, 4-Hóa trang, 5-Gia đình, 6-Hình khối, 7-Thủ công nghệ thuật, 8-Giác quan, 9-Vẽ/ tô màu, 10-Âm nhạc)
Có 2 điểm lưu ý về khái niệm “đồ chơi” trong PBL:
Một là, đồ chơi gì không quan trọng bằng cách chơi như thế nào. Tương tác tích cực với người chơi cùng mới là hiệu quả chính của các trò chơi.
Hai là, 3 yếu tố của đồ chơi PBL là: đồ thật, chơi trong hoàn cảnh thật và có tính mới/khó (tăng dần và vừa phải). Ví dụ: chơi với quả xoài trong hoàn cảnh nhìn thấy mẹ bổ xoài rồi trẻ ăn xoài thật. Trẻ được tham gia một vài thao tác trong quá trình đó. Tính mới kích thích sự khám phá , tìm tòi ở trẻ. Tính khó đặt ra các mâu thuẫn, xung khắc khiến trẻ phải bộc lộ các sắc thái cảm xúc, dần dần tự điều chỉnh cảm xúc và đặt nền tảng tư duy giải quyết vấn đề.
Do đó, gia đình là môi trường tuyệt vời cho các hoạt động chơi PBL.
Bé nhà chị Xuân chơi trò chơi phát triển giác quan với bột mì, màu thực phẩm, nước và dầu dừa. (Ảnh: NVCC) |
Bất cứ thứ gì trong nhà cũng có thể trở thành đồ chơi. Bé đang chơi bóc màng nilon bọc ở quả bưởi ra. (Ảnh: NVCC) |
- Làm thế nào để tổ chức một hoạt động mang đúng tinh thần “Play-based learning:
- Một hoạt động chơi được tổ chức thành công theo PBL nếu đạt được yếu tố sau:
- Động lực nội tại: Nhu cầu chơi và cách thức chơi xuất phát từ thực tế mong muốn tham gia và khám phá trò chơi của trẻ. Ví dụ: Mẹ quan sát thấy trẻ đang nghịch một quả bóng – phát hiện nhu cầu chơi với bóng của trẻ. Sau đó Mẹ cùng trẻ tổ chức trò chơi trên chính trái bóng mà trẻ đã chơi với các cách thức mà trẻ đang chơi rồi sau đó mở rộng các hướng chơi hoặc tang độ khó của trò chơi.
Hoạt động chơi cũng phải đảm bảo yếu tố phù hợp với đặc điểm phát triển lứa tuổi của trẻ. Giai đoạn này trẻ cần luyện kỹ năng gì? Mẹ sẽ cùng thiết kế các trò chơi phù hợp với nhu cầu luyện tập đó, đồng thời có các trò chơi đón đầu giai đoạn phát triển sau cho trẻ để có sự chuẩn bị nền tảng cho con khi bước vào 1 thời kỳ mới.
- Có tính kết nối, xâu chuỗi: các hoạt động chơi không đơn thuần chỉ là ngẫu nhiên, tùy hứng, rời rạc, mỗi hôm chơi một thứ. Người chơi cùng (bố mẹ) có sự quan sát và ghi chép cẩn thận quá trình trẻ chơi để phát triển tiếp trò chơi, nâng dần độ khó hoặc cung cấp trải nghiệm đa dạng khác về hoạt động chơi đó.
Bố mẹ cần đóng “đúng vai” người chơi cùng của con trong từng giai đoạn phát triển kĩ năng chơi của con cũng như dần dần bước vào thế giới của con như là một người bạn chơi hợp tác tin tưởng của trẻ:
- Chơi 1 mình (trẻ nhỏ, chưa có nhiều tương tác)
- Chơi song song (mẹ & bé cùng ở 1 hoàn cảnh chơi nhưng tương tác độc lập với vật của riêng mình)
- Chơi kết hợp (mẹ & bé tham gia vào chuỗi các hoạt động chơi tuần tự, phối hợp với nhau để hoàn thành mục tiêu chơi)
- Chơi hợp tác (bé hợp tác theo những chỉ dẫn, hỗ trợ của mẹ)
- Chơi theo luật (bé hiểu luật chơi và vui vẻ tuân theo).
Như vậy, các học liệu mở là các đồ vật ở quanh nhà, bố mẹ chỉ cần xác định mục tiêu của hoạt động chơi là hoàn toàn có thể tổ chức hoạt động chơi với con.
- Những đứa trẻ được “Play-based learning”, chúng sẽ phát triển những kỹ năng cụ thể gì?
- Thông qua 10 hoạt động chơi đầy đủ của “Play-based learning”, trẻ đều có thể phát triển toàn diện các mảng: thể chất (vận động thô, vận động tinh), trí tuệ (nhận thức, tư duy, ngôn ngữ), cảm xúc – xã hội (cảm xúc, tự phục vụ, giao tiếp). Tùy điều kiện của gia đình và thời gian chơi với con mà bố mẹ ưu tiên những hoạt động chơi nào và đặt mục tiêu nào. Việc phát triển mảng kỹ năng nào là tùy thuộc vào tính chất của loại trò chơi và cách thức tổ chức hoạt động chơi.
Học màu xanh nước biển và vắt nước luyện vận động tinh. Có thể kết hợp nhiều lĩnh vực học tập trong một hoạt động. (Ảnh: NVCC) |
Học nhận biết màu xanh lá cây và vận động tinh qua trò chơi bơm hút và nhả nước. (Ảnh: NVCC) |
- “Play-based learning” có thể áp dụng khi trẻ được mấy tuổi? Khi mới áp dụng, bố mẹ cần chuẩn bị những gì?
- Theo Piaget, động lực nội tại của trò chơi khác tính tự thân của một số hoạt động trong những năm đầu đời (bú, ăn, khóc) ở chỗ trẻ thích thú với việc tự thực hành năng lực của mình và cảm thấy mình là trung tâm của hành động.
Đối chiếu với các giai đoạn phát triển của trẻ, ở giai đoạn 4 của thời kỳ giác động (8-12 tháng), trẻ bắt đầu xuất hiện kế hoạch và ý đồ, trẻ biết nó muốn gì và sử dụng các kỹ năng của nó để hoàn tất ý đồ. Như vậy bắt đầu từ tháng thứ 8, bố mẹ có thể xây dựng chương trình “Play-based learning” cho con. Như bé nhà mình thì mình đợi bé cổ cứng và ngồi vững lúc hơn 6 tháng tuổi là mình bắt đầu các hoạt động chơi có tổ chức theo PBL.
Để đồng hành cùng con trên con đường PBL, bố mẹ cần tìm hiểu một chút kiến thức tâm lí học để:
1- Hiểu về các giai đoạn phát triển tâm lí và đoán trước được bước phát triển tiếp theo trong một lình vực nào đó của con là gì. Hiểu được con đường phát triển ngôn ngữ, tư duy, toán, chữ viết, kĩ năng vận động thô-tinh…
2- Hiểu được sự phát triển kĩ năng chơi của con: giai đoạn chơi của con là chơi độc lập, chơi song song, chơi hợp tác, chơi theo luật,... Bố mẹ đã đóng tốt vai trò người chơi trong từng giai đoạn tương ứng hay chưa? Làm thế nào để chuyển đổi và giúp con hoàn thiện giai đoạn chơi này để chuyển sang giai đoạn chơi phát triển hơn?
Và 3- hiểu được ý nghĩa của từng loại hình trò chơi với con: chơi khám phá, chơi thành phần, chơi chức năng,... Chơi tự do, chơi có định hướng, chơi không có định hướng, chơi đóng vai,...
Còn trước mắt, bố mẹ hãy quán triệt tư tưởng “bày trò và dọn dẹp bãi chiến trường” trong thời gian đầu con mới chơi.
Trò xúc gạo bằng muôi múc cơm và phễu. (Ảnh: NVCC) |
Chơi trò xiên hoa quả. (Ảnh: NVCC) |
- Chị cũng đang giáo dục con theo “Play-based learning”, vậy chị có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh khác khi cũng muốn áp dụng cách này?
- Bố mẹ cần có mục tiêu rõ ràng phù hợp với văn hóa gia đình và sự hiểu biết về con. Đặt được mục tiêu giáo dục dài hạn (20 năm, ví dụ: độc lập - tự chăm lo bản thân tốt, sáng tạo, tư duy tổng hợp tốt,...), trung hạn (mốc 5 tuổi, kết thúc mầm non thì kĩ năng cá nhân nào, kĩ năng xã hội ntn...), ngắn hạn (mốc 2 tuổi hoặc 3 tuổi: về cảm xúc - ổn định và tự điều chỉnh cảm xúc, về nhận thức, về kĩ năng sống,...) và ngay trước mắt (trong vòng 3-6 tháng nữa: về vận động, về ngôn ngữ...). Nếu bố mẹ không có tư duy và mục tiêu định hướng như vậy, ta sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài và không thể tự tin và cảm thấy thoải mái với vai trò làm bố mẹ của mình được cũng như dễ đuối sức trong quá trình chơi PBL với con ở nhà.
- Theo cá nhân chị đánh giá, “Play-based learning” sẽ được phổ biến và được nhiều phụ huynh đón nhận chứ?
- PBL là phương pháp ứng dụng cao và trong tầm tay của các bố mẹ muốn chơi với con tại nhà. Hiện tại mình thấy quan điểm của bố mẹ trẻ về giáo dục gia đình đã thay đổi tích cực theo chiều hướng mong muốn dành nhiều thời gian tương tác chất lượng hơn, bài bản và có định hướng hơn với con. Mình mong cộng đồng phụ huynh này sẽ càng lớn mạnh.
- Vừa là người làm trong ngành giáo dục, vừa là mẹ, cá nhân chị nhìn nhận thế nào về quan điểm “bố mẹ cần dạy con về đạo đức, giá trị sống, nhân cách, chứ đừng ham dạy kiến thức”?
- Quan điểm của tôi là chúng ta cần dung hoà các yếu tố trên và hiểu biết để có thể tự chủ, tận hưởng vui vẻ vai trò giáo dục gia đình của mình. Ở từng giai đoạn với những đặc điểm ưu thế khác nhau của trẻ bố mẹ sẽ có những chiến lược để giáo dục và đồng hành khác nhau. Vấn đề nằm ở cách thức chúng ta tương tác với trẻ liệu có đề cao sự thích thú và đam mê của trẻ hay không. Qua cách chơi với con, bố mẹ đã truyền được niềm đam mê học tập, thái độ tiếp cận và kĩ năng học tập tích cực cho trẻ. Khối lượng kiến thức của nhân loại luôn chuyển động và thay đổi, nhưng tinh thần học tập và cách tiếp cận vấn đề của trẻ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành đạo đức và nhân cách của trẻ.
- Xin cảm ơn chị đã chia sẻ những thông tin bổ ích này. Hy vọng sẽ càng ngày càng có nhiều em bé được chơi và tương tác với bố mẹ thường xuyên!
Mời quý phụ huynh tham khảo một số trò chơi theo tinh thần "play-based learning" mà chị Xuân đang áp dụng cho con.
Có 2 cách chơi với bí xanh cùng nguyên liệu phụ là tăm/que. (Ảnh: NVCC) |
Vừa học nhận biết về quả ổi, vừa về màu sắc và vận động tinh. (Ảnh: NVCC) |
Đây là cùng hoạt động với nho và tăm nhưng 2 hoạt động khác nhau. Một là làm bánh xe ô tô, hai là làm máy bay. Vừa học về nho, vừa vận động tinh lại chơi phát triển trí tưởng tượng. (Ảnh: NVCC) |
Làm máy bay với nho và que xiên. (Ảnh: NVCC) |
Ăn nhãn và học luôn bài về nhãn. Bóc vỏ, nhằn hạt và phân loại như hình. (Ảnh: NVCC) |
Chơi trò thả ống. (Ảnh: NVCC) |
Trò chơi cắm lỗ. Chơi xong bé tưởng tượng ra giống bánh gato sinh nhật nên vỗ tay vui mừng. (Ảnh: NVCC) |
Trò tô màu. (Ảnh: NVCC) |
Vẽ trong vòng tròn bánh xe. (Ảnh: NVCC) |
Trò nhặt táo theo hiệu lệnh. (Ảnh: NVCC) |
Chơi với bắp cải để học thêm về màu tím. (Ảnh: NVCC) |
Chơi trò tưởng tượng, bắt cá bắt ốc trong hồ nước. (Ảnh: NVCC) |