Đồn điền hồ tiêu của Olam tại Gia Lai (Ảnh: Nikkei).
Chiến lược này được hiện thực hóa bằng một đồn điền hồ tiêu khổng lồ ở miền Trung Việt Nam, với quy mô bằng khoảng 150 sân vận động bóng chày.
Nằm cách thành phố Gia Lai khoảng 2h đồng hồ lái xe, đồn điền này đã được mua lại vào năm 2016. Ở đó, Olam trồng các giống tiêu kháng bệnh, nơi có nhiệt độ, độ ẩm và lượng nước cung cấp được theo dõi tự động.
Công ty có kế hoạch thu hoạch vụ mùa đầu tiên ngay trong năm tới, và đến năm 2024 cho ra khoảng 2.000 tấn hồ tiêu mỗi năm. Hồ tiêu sẽ được chuyển tới một cơ sở chế biến ở phía nam Đồng Nai, sản phẩm cuối cùng sẽ được chuyển đi tiêu thụ ở những thị trường hàng đầu thế giới.
Hiện Việt Nam chiếm khoảng 40% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, và khoảng 60% hàng hóa thương mại. Các đặc tính khí hậu, đất đai của Việt Nam rất phù hợp để trồng tiêu, Chính phủ cũng có những sách lược để bảo hộ mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược này.
Olam bắt đầu kinh doanh ớt ở Việt Nam vào năm 2004, mở rộng sang mảng chế biến vào năm 2008, và tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp mới hai năm sau đó.
Dự kiến, đến tháng 5/2020, Olam sẽ khởi động một nhà máy chế biến hạt tiêu với công suất gấp đôi so với nhà máy hiện tại.
Trình độ công nhân tay nghề cao là một trong những lí do để các công ty chọn Việt Nam. (Ảnh: Nikkei).
Olam đang có hoạt động kinh doanh tại 67 quốc gia trên toàn thế giới, đã chọn Việt Nam làm nơi để đặt cơ sở lớn nhất cho các hoạt động của minh ở châu Á, do trình độ tay nghề lao động ở đây ngày một tốt hơn.
Theo nghiên cứu của Olam, Việt Nam có thể sản xuất khoảng 3,5-5 tấn tiêu mỗi ha, vượt xa năng suất của Ấn Độ và Indonesia, những nơi có hiệu suất cây trồng chỉ từ 0,5-1,5 tấn/ha.
Tỉ lệ sản xuất cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam cũng cho sản lượng vượt trội so với các nước khác.
"Trong khi người nông dân ở các nước khác thường chỉ quan tâm đến thị trường nội địa thì nông dân Việt Nam lại đang cố gắng vươn tới những thị trường quốc tế rộng lớn hơn", trưởng bộ phận của Olam Việt Nam cho biết.
"Các cơ sở chế biến hạt điều của công ty đều có những công nhân lành nghề với trình độ cao", người này nói thêm.
Việt Nam cũng là một phần của ASEAN, do đó gần như các sản phẩm nông nghiệp đều được miễn thuế khi xuất khẩu đến các nước thành viên khác. Cũng chính yếu tố này đã thu hút gã khổng lồ thực phẩm Nesle của Thụy Sĩ chọn Việt Nam là một điểm đến, để xây dựng một nhà máy cà phê hòa tan đầu tiên của mình, trong mùa hè năm ngoái.
Tập đoàn thực phẩm lớn nhất Thái Lan, Charoen Pokphand cũng sẽ mở rộng cơ sở chế biến thịt gà của mình tại Việt Nam.
Năm 2017, Olam bắt đầu vận hành một nhà máy chế biến hạnh nhân ở tỉnh Đồng Nai. Cơ sở này lấy hạnh nhân tươi được vận chuyển từ các trang trại ở Mỹ, chế biến ở Việt Nam sau đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để tránh tác động từ thương chiến Mỹ - Trung, Olam đã chuyển sang nhập nguồn nguyên liệu từ các trang trại ở Úc.
Olam khai thác mạng lưới các trung tâm sản xuất và xuất khẩu rộng lớn trên toàn cầu để thích ứng linh hoạt với các điều kiện thị trường thay đổi. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, công ty này cũng đã có 22 trang trại trồng trọt và chế biến, với tổng số công nhân khoảng 5.000 người.