Covid-19 đẩy các hãng máy ảnh vào sâu hơn trong cơn bĩ cực

Tình trạng các sự kiện lớn và nhỏ như Thế vận hội Olympic hay Paralympic bị hủy hoặc hoãn vì Covid-19 khiến việc kinh doanh các thiết bị ngành ảnh vốn đã trầy trật lại càng khó khăn hơn.

Olympus đã bán mảng máy ảnh số tuổi đời 84 năm hồi tháng 6. Đây là thông tin có thể khiến nhiều người cảm thấy sốc, nhưng giới phân tích hiểu rằng nó phải diễn ra, theo PC Mag.

Hiệp hội sản phẩm hình ảnh và camera (CIPA) thông báo rằng 9 nhà sản xuất máy ảnh ở Nhật Bản đã xuất khẩu 15,2 triệu máy trong năm ngoái, bằng 12,5% so với số lượng của năm 2010. 

Quyết định đau đớn của Olympus cho thấy một thực tế: Thị trường máy ảnh kỹ thuật số do các nhà sản xuất Nhật Bản chi phối đang đình đốn bất chấp nỗ lực phục hồi của họ.

"Chất lượng hình ảnh của smartphone cứ tăng dần. Người sử dụng thông thường chụp bằng camera trên điện thoại để có một ảnh ưng ý. Vì thế, rất ít người muốn đầu tư một máy ảnh riêng", Ichiro Michikoshi, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường BCN tại Tokyo, nhận xét.

COVID-19 đẩy các hãng máy ảnh vào sâu hơn trong cơn bĩ cực - Ảnh 1.

Sau 84 năm, bộ phận sản xuất máy ảnh đã rời khỏi hãng Olympus. (Ảnh: Pinterest)

Vài mẫu điện thoại mới nhất chứa nhiều cảm biến và hệ thống ống kính, cho phép chụp cận cảnh, chụp góc rộng hoặc làm mờ hậu cảnh để làm nổi bật chủ thể chính.

Để tạo ra sự khác biệt với điện thoại thông minh, vài năm qua, các nhà sản xuất máy ảnh đã tập trung vào dòng máy ảnh không gương lật có thể thay ống kính và có thể tạo ra những bức hình sắc nét. Tuy nhiên, chúng chỉ phù hợp với những người đam mê nhiếp ảnh, những người sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD để mua máy ảnh và ống kính.

Quay video là một tính năng khác mà các hãng máy ảnh liên tục cải tiến để đáp ứng nhu cầu của những người kiếm tiền trên mạng xã hội. Ví dụ, máy ảnh siêu gọn mới nhất của Sony, ZV-1 (Vlogcam), nhắm đến giới sản xuất video. Nhưng video cũng khó vực lại thị trường máy ảnh, bởi video đòi hỏi nhiều thao tác chỉnh sửa trước khi đăng.

Michikoshi dự báo mạng 5G tốc độ cao sẽ tạo ra những ý tưởng mới cho các hãng sản xuất máy ảnh. Chẳng hạn, máy ảnh có thể kết nối 5G để chỉnh sửa ảnh, video và đăng trực tiếp lên web. Khi đó, máy ảnh sẽ có nhiều tính năng như smartphone.

Đó là câu chuyện tương lai. Còn ở giai đoạn hiện tại, các hãng sản xuất máy ảnh cũng phải vật lộn để khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra. Tình trạng các sự kiện lớn và nhỏ như Thế vận hội Olympic hay Paralympic bị hủy hoặc hoãn khiến việc kinh doanh các thiết bị ngành ảnh vốn đã trầy trật lại càng khó khăn hơn. 

Số liệu thống kê của BCN cho thấy doanh số máy ảnh ống kính rời không gương lật trong tháng 4 và 5 tại Nhật chỉ đạt 26,1 và 38% so với năm ngoái.

Khi tập đoàn Apple công bố điện thoại iPhone, loại điện thoại có thể lưu vài nghìn ảnh, vào năm 2007, buổi hoàng hôn của máy ảnh số đã ló dạng.

Apple đã bán khoảng 100 triệu điện thoại iPhone trong năm đầu tiên ấy. Tới năm 2018, thị trường máy ảnh số tiêu dùng đã giảm xấp xỉ 80%, chỉ còn 19 triệu chiếc.

Sony là hãng máy ảnh Nhật Bản duy nhất báo lãi trong năm tài chính 2018 (kết thúc vào tháng 3 năm nay). Nhưng lợi nhuận không đến từ hoạt động bán camera, mà phát sinh từ việc Sony đưa công nghệ camera vào thị trường điện thoại.

Damian Thong, một nhà phân tích của tổ chức Macquarie, nhận xét rằng camera là đồ chơi của người giàu, trong khi điện thoại thông minh đã đại trà hóa hoạt động chụp ảnh.

"Ngày nay, chúng ta thấy khoảng 5 tỉ điện thoại thông minh trong tay người lớn và chúng ta có thể chụp ảnh mọi nơi. Trong tương lai, camera sẽ không biến mất, nhưng chúng sẽ tạo thành thị trường ngách một lần nữa", Damian nói.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.