Mọi mặt trong đời sống xã hội đã thay đổi do đại dịch viêm phổi cấp Covid-19. Nhiều sự kiện lớn không thể diễn ra, các doanh nghiệp khốn đốn, giới trẻ tiếp nhận xu hướng mới trên Internet. Cuộc sống của chúng ta đang thay đổi và không còn giống như trước.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, bao gồm thị trường điện thoại di động. Doanh số của mọi hãng đều giảm, trong khi chuỗi cung ứng xáo trộn. Thực tế mới buộc các nhà sản xuất phải thích nghi nhanh chóng hoặc đối mặt nguy cơ giảm thị phần.
Vài tháng trước, có lẽ rất ít người hình dung thực tế sẽ diễn ra như hiện nay. Hồi đầu năm, điện thoại thông minh có màn hình gập đã sẵn sàng cho một cuộc đột phá, cùng với sự khởi động của mạng 5G.
Rồi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các nhà máy sản xuất điện thoại phải ngừng hoạt động, giới chức yêu cầu mọi người ở nhà. Nhu cầu sử dụng Internet để giải trí, kinh doanh tăng vọt.
Mặc dù điện thoại thông minh vẫn đóng vai trò quan trọng giúp mọi người liên lạc, giải trí mùa dịch, tuy nhiên xu hướng chọn mua smartphone đã thay đổi chỉ sau 3 tháng, yếu tố quan trọng nhất nằm ở mức giá.
Sau gần nửa năm sống cùng dịch bệnh, vai trò của smartphone và máy tính thậm chí còn quan trọng hơn trước. Thế nhưng, khi công việc và kinh tế bị đe dọa, mọi người phải cân nhắc lại những thứ mà họ cần hơn khi mua smartphone mới.
Khi cần tiết kiệm tiền cho một tương lai không chắc chắn, mua những điện thoại mới nhất, đắt tiền nhất không phải lựa chọn tối ưu nữa, đặc biệt khi những tính năng cao cấp (thường nhắm vào camera) không thể phát huy trong lúc ở nhà tránh dịch.
Phiên bản điện Android phổ biến nhất trong quí I không phải Galaxy S20 hay Galaxy Note10, mà là Galaxy A51 - sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung. Những điện thoại khác trong danh sách cũng là máy tầm trung giá rẻ.
Đương nhiên, một bộ phận người dân vẫn sẵn sàng mua điện thoại cao cấp, song thị trường đang hướng tới việc chọn điện thoại tốt nhất trong phân khúc giá tầm trung.
Về chất lượng, sự khác biệt giữa các phân khúc điện thoại ngày nay khá nhỏ. Trước đây, người dùng có thể phân biệt dễ dàng các sản phẩm cao cấp, tầm trung và giá rẻ khi nhìn vào thiết kế và cấu hình. Giờ đây, một số smartphone cao cấp chỉ có màn hình Full HD, trong khi vài sản phẩm tầm trung đã có RAM lên đến 6 hoặc 8 GB.
Giá cũng ko tỉ lệ thuận với cấu hình nữa. OnePlus, Honor và một số thương hiệu Trung Quốc có các mẫu smartphone cấu hình ngang máy cao cấp nhưng giá thấp hơn nhiều.
Không chỉ bản thân điện thoại, những linh kiện bên trong, đặc biệt là chip xử lý, cũng ngày càng rẻ. Các dòng chip như Snapdragon 765, MediaTek Dimensity 820 5G, Samsung Exynos 880 có thể hoạt động với hiệu năng cao, hỗ trợ mạng 5G cho những smartphone tầm trung.
Khi nhiều smartphone có chip mạnh xuất hiện, người dùng có thể hài lòng với chúng mà không cần một điện thoại đắt tiền.
Không ai biết khi nào thế giới sẽ quay về trạng thái cũ. Ngay cả khi các nước đã kiểm soát đại dịch, các chính phủ, doanh nghiệp vẫn sẽ đề phòng nguy cơ virus bùng phát lại. Chúng ta sẽ phải chờ một thời gian dài để thế giới quay về trạng thái "bình thường cũ", và rất có thể mọi người đã quen với những thay đổi mà đại dịch gây ra.
Thực tế ấy tác động tới nhu cầu lựa chọn smartphone. Một số người sẽ ưu tiên điện thoại có tính năng phù hợp, giá cả hợp lý trong khi để dành tiền để ổn định cuộc sống nếu khủng hoảng lại xảy ra.
Các nhà sản xuất sẽ phải đánh giá lại chiến lược kinh doanh. Nhu cầu đối với dòng smartphone cao cấp luôn tồn tại, nhưng mọi người sẽ không còn mơ ước về những điện thoại có giá cao, ít nhất trong vài tháng tới.