Ngày 22/11, công ty chứng khoán (CTCK) đã bán giải chấp hơn 3,12 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt nắm giữ tại tài khoản mở tại Chứng khoán Maybank và Chứng khoán MB (MBS).
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của ông Đạt giảm từ 49,45% xuống 48,99% vốn điều lệ, tương đương giảm từ 332,15 triệu đơn vị xuống 329,02 triệu đơn vị.
Trước đó, trong giai đoạn từ ngày 10 - 18/11, MBS đã liên tục vào lệnh bán giải chấp cổ phiếu PDR của ông Đạt, song đều không có cổ phiếu được bán khớp.
Cụ thể về số lượng cổ phiếu mà MBS vào lệnh, ngày 10/11 vào lệnh 446.200 đơn vị, ngày 14/11 vào lệnh 516.500 đơn vị, ngày 15/11 vào lệnh 556.300 đơn vị, ngày 16/11 vào lệnh hơn 1,6 triệu đơn vị, ngày 17/11 vào lệnh gần 2,6 triệu đơn vị và ngày 18/11 vào lệnh hơn 3,6 triệu đơn vị.
Ngoài MBS, từ đầu tháng 11 đến nay, các CTCK khác cũng có thông báo về việc bán giải chấp cổ phiếu của ông Đạt.
Đơn cử như ngày 11/11, Vietcombank Securities (VCBS) đã thông báo bán giải chấp hơn 2,8 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Đạt. Thời gian dự kiến bán giải chấp từ ngày 11/11 đến khi đảm bảo tỷ lệ kỹ quỹ theo quy định của VCBS.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng dự kiến bán hơn 1,04 triệu cổ phiếu PDR của ông Đạt từ ngày 10/11. Trước đó, ngày 4/11, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cũng thông báo sẽ bán tổng cộng 1,47 triệu cổ phiếu PDR của ông Đạt và Công ty TNHH Phát Đạt Holdings từ ngày 7/11.
Đây là cũng giai đoạn mã PDR ghi nhận 14 phiên nằm sàn liên tiếp kể từ ngày 4/11 đến nay. Kết phiên ngày 23/11, mã PDR ở mức 14.850 đồng/cp.
Ở diễn biến khác, ngày 21/11, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc công ty đã đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu với với mục đích đầu tư.
Về động thái trên, ông Vũ khẳng định quyết định mua cổ phiếu “là khoản đầu tư cá nhân dựa trên đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp”, không phải để “giải cứu” tình trạng giá cổ phiếu liên tiếp nằm sàn.
Nếu hoàn tất mua hết số lượng như đăng ký, số lượng cổ phiếu PDR ông Vũ nắm giữ sẽ tăng từ 3,2 triệu đơn vị lên 23,2 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu cũng tăng từ 0,48% lên 3,45% vốn điều lệ công ty.