Đại lễ Phật Đản là ngày lễ quan trọng đối với các tín đồ Phật giáo, cả Nam tông và Bắc tông. Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông, Vesak thườn được gọi là lễ Tam hợp (Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết Bàn) còn theo Bắc tông, đây là dịp kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca.
Tại Hà Nội, ngày Lễ Phật Đản đã được phần lớn các chùa tổ chức từ vài ngày trước. Trước đó một tuần, tất cả những ngôi chùa đều được trang hoàng lộng lẫy để mừng Đại lễ Phật Đản và đón du khách.
Lễ Phật đản là 1 trong những ngày lễ lớn của đạo Phật trên khắp thế giới. (Ảnh: eva.vn)
Địa chỉ: 73 Quán Sứ, Trần Hưng Đạo
Chùa Quán Sứ là Trung ương Giáo hội Việt Nam, thường tổ chức Đại lễ Phật Đản hằng năm để người dân khắp mọi nơi cùng hướng về cõi Phật, hướng thiện. Đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện Phật giáo lớn của Việt Nam, đồng thời đây cũng là nơi thường xuyên lui tới của nhiều du khách nước ngoài.
Đến chùa Quán Sứ vào dịp Đại lễ Phật Đản, bạn có thể tham gia hoạt động đặc biệt đó là cung nghinh rước Xá Lợi Phật, rước hoa xung quanh các tuyến đường Quán Sứ, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Hồ Thiền Quang hay thưởng thức các tiết mục văn nghệ Phật giáo do các thanh thiếu niên Phật tử biểu diễn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, pho tượng của hòa thượng Thích Thanh Tứ được làm hoàn toàn bằng sáp và khu hậu đường thờ quốc sư triều Lý là Thiền sư Khuông Lộ khi ghé thăm chùa.
Đại lễ Phật Đản tại chùa Quán Sứ năm 2018. (Ảnh: VOV.vn)
Địa chỉ: Phương Liệt, Hoàng Mai
Chùa Bằng là địa điểm để tăng ni, phật tử thường xuyên ghé thăm quan, hành hương. Ngôi chùa này cũng là trụ sở tổ chức một số hoạt động của Hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Cứ mỗi mùa lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, nhân dân quanh vùng đều nô nức kéo nhau về chùa, cùng chuẩn bị chương trình, làm công quả.
Đặc biệt, vào ngay trước ngày tổ chức lễ Phật đản tại chùa Bằng, loa phường của khu dân cư nơi đây lúc nào cũng rộn ràng.
Thêm vào đó, nơi đây sở hữu khuôn viên thanh tịnh, rộng và thoáng mà ít ngôi chùa nào trong nội thành Hà Nội có được. Đây là chốn tâm tịnh của người dân Hà Nội mỗi dịp lễ Phật Đản về.
Chùa Bằng - chốn thanh tịnh đón Đại lễ Phật Đản trong lòng Hà Nội. (Ảnh: hanoitv.vn)
Địa chỉ: Đường Thanh Niên, Yên Phụ
Không phải ngẫu nhiên mà chùa Trấn Quốc được mệnh danh là danh thắng bậc nhất kinh kỳ. Tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ phía Tây Nam của Tây Hồ, nơi đây là điểm đến tâm linh, vãn cảnh những ngày rằm, mồng một, lễ Vu Lan, Đại lễ Phật Đản của người dân Thủ đô.
Đến chùa Trấn Quốc, thành tâm cầu nguyện bình an, hạnh phúc cho gia đình và những người thân yêu chắc chắn sẽ khiến bạn nhẹ lòng hơn rất nhiều.
Cũng giống như đại đa số các ngôi chùa khác tại Hà Nội, lễ Phật Đản tại chùa Trấn Quốc cũng được chuẩn bị kĩ lưỡng. Vào ngày lễ Phật Đản, nhiều hoạt động long trọng được tổ chức tại chùa như: lễ tụng kinh Phật đản truyền thống, lễ tắm cho Phật hay cầu bình an, hạnh phúc đến với gia đình và những người thân yêu.
Chùa Trấn Quốc được người dân Thủ đô chọn làm điểm dừng chân dịp Đại lễ Phật Đản hằng năm. (Ảnh: phapluatplus)
Địa chỉ: Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Đống Đa
Chùa Phúc Khánh là một ngôi chùa nổi tiếng tại Hà Nội bởi sự thanh tịnh, đây còn là địa điểm được nhiều người dân lựa chọn là nơi lễ Phật cầu an, dâng sao giải hạn vào dịp đầu năm, ngày rằm, mùng một. Không chỉ thế những dịp lễ quan trọng như lễ Vu Lan, lễ Phật Đản cũng được tổ chức long trọng tại đây.
Lễ tắm Phật là một trong những nghi thức đặc biệt được tổ chức tại chùa Phúc Khánh ngày lễ Phật Đản. Nghi lễ này được thực hiện một cách trang trọng, với nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh. Nghi lễ này được thực hiện với mục đích kỉ niệm ngày sinh của Phật, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa hướng đến mọi điều an lành và may mắn.
Đến chùa Phúc Khánh dịp Đại lễ Phật Đản để thực hiện nghi thức tắm Phật trang trọng. (Ảnh: vietnamnet.vn)
Chùa Kim Liên
Địa chỉ: Nghi Tàm, Quảng An, Tây Hồ.
Tọa lạc tại quận Tây Hồ, Hà Nội, chùa Kim Liên là một trong những ngôi chùa có di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam. Chùa Kim Liên nổi bật bởi kiến trúc trang nghiêm, với bề dày lịch sử cách đây 500, qua nhiều lần tu sửa, chùa vẫn giữ được những nét cổ kính nhất định.
Đầu tháng 4 âm lịch hằng năm, chùa Kim Liên đã trang trí đèn lồng và cờ Phật giáo để chào đón Đại lễ Phật Đản. Ngoài các nghi lễ trên Giáo hội Phật giáo, chùa Kim Liên còn làm lễ phóng sinh, thuyết giảng Phật pháp... Đây là điểm đến được khá nhiều người dân Thủ đô chọn để ghé thăm vào dịp này để cầu bình an cho gia đình, người thân.
Xem thêm: Gợi ý những quán chay ngon ở Sài Gòn cho ngày Đại lễ Phật Đản
Xem thêm: Những quán chay ngon ở Hà Nội cho ngày Đại lễ Phật Đản
Chùa Kim Liên - niềm tự hào của người dân quận Tây Hồ. (Ảnh: pgvn)
Hãy lưu lại những ngôi chùa thiêng kể trên để cùng người thân ghé thăm trong dịp Đại lễ Phật Đản 2019.