Đại lễ Phật đản nên làm gì để đón nhận bình an và may mắn?

Đại lễ Phật đản không chỉ là ngày kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà còn là dịp để các Phật tử tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa, lan tỏa tinh thần từ bi đến với cộng đồng.

Giới thiệu về ngày lễ Phật đản

Lễ Phật đản - ngày kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập Phật giáo. Đại lễ được tổ chức hàng năm vào ngày trăng tròn của tháng Vesak (tức tháng 4 Âm lịch) tại các quốc gia theo Phật giáo.

Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, ngày trăng tròn của tháng Vesak (trong tháng 5 Dương lịch) là ngày đặc biệt được tổ chức để kỷ niệm 3 sự kiện lớn gồm: Đức Phật ra đời, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Đại lễ Tam hợp hay Đại lễ Vesak sẽ được tổ chức để kỷ niệm cả ba sự kiện lớn này. 

Vào năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận Đại lễ Vesak/Phật đản là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế. Trong dịp lễ Phật đản, các chùa thường trang hoàng cờ hoa, tổ chức lễ tắm Phật, đọc kinh, hành lễ rước Phật để tưởng nhớ công ơn của Đức Phật và thực hành lời dạy của Ngài.

Tính đến nay, Việt Nam đã 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, phản ánh vị trí và vai trò của đạo Phật trong nền văn hóa dân tộc, cũng như đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy giao lưu và hội nhập quốc tế.

Ảnh: Phật giáo TP HCM.

Lễ Phật đản nên làm gì: Các hoạt động thường diễn ra trong ngày đại lễ

Lễ Phật đản là một ngày lễ lớn đối với những người theo Phật giáo. Trong ngày lễ đặc biệt này, các Phật tử sẽ tham gia vào nhiều hoạt động tâm linh và xã hội để thể hiện sự kính trọng đối với Đức Phật cũng như lan tỏa tinh thần từ bi, hòa bình. Cụ thể, những hoạt động được các Phật tử chú ý như:

Lau dọn bàn thờ và vệ sinh nhà cửa

Các gia đình theo đạo Phật rất xem trọng ngày lễ Phật đản. Để thể hiện lòng tôn kính đối với Đức Phật và đạo pháp của Ngài, các Phật tử sẽ lau dọn bàn thờ và vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ. 

Hoạt động này không chỉ bày tỏ sự cung kính đối với đức Phật mà còn giúp Phật tử cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Đây cũng là một hoạt động biểu thị cho việc loại bỏ, gột rửa đi những điều xấu xa, dơ bẩn và kém may mắn. 

Ăn chay - niệm phật 

Trong ngày Lễ Phật Đản, các Phật tử thường ăn chay như một phần trong việc tôn kính Đức Phật. Ăn chay không chỉ là từ bỏ sự sát sinh, mà còn thể hiện sự tôn trọng sự sống của muôn loài. 

Thông qua hoạt động này, các Phật tử sẽ nuôi dưỡng tâm niệm làm những việc thiện lành, tránh xa những điều xấu xa, tàn ác. Đây là một cách để Phật tử thanh tẩy thân tâm, nâng cao ý thức về sự sống và thể hiện lòng thành kính đối với giáo pháp của Đức Phật.

Nghe giảng pháp

Các tín đồ Phật giáo thường tề tựu tại các ngôi chùa để cùng nhau tụng kinh, lắng nghe giảng pháp. Tại đây, tâm hồn của họ được an yên, thanh lọc, thoát khỏi những ồn ào, vướng bận trong cuộc sống thường nhật. 

Đây cũng là thời điểm quý giá để các Phật tử có thể tự soi lại chính mình, nhận ra những hành vi chưa tốt đẹp, từ đó quyết tâm sửa chữa, hướng về những việc làm thiện lành hơn. 

Bên cạnh đó, họ có thể tích cực tham gia vào các công tác chuẩn bị cho ngày lễ, như trang hoàng, dâng hoa, đóng góp công sức - những việc làm ấy không chỉ thể hiện lòng tôn kính với Đức Phật, mà còn giúp cho ngày lễ trở nên thêm phần trang nghiêm và ý nghĩa.

Ảnh: Chùa Ba Vàng. 

Làm thiện nguyện

Bên cạnh những hoạt động nêu trên thì thiện nguyện cũng là một việc làm được các Phật tử lưu ý trong ngày lễ Phật đản hàng năm. Hoạt động này sẽ phần nào thể hiện được lòng từ bi cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng của các Phật tử. 

Đặc biệt, việc phóng sinh và giải thoát các sinh linh nhỏ bé thoát khỏi cảnh ngộ bị giam cầm hoặc đe dọa cũng là một cách để thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tuy nhiên, việc phóng sinh cần phải được thực hiện với sự thành tâm, hướng đến mục đích thiết thực mà không để khai thác lợi ích cá nhân hoặc gây tổn hại cho các sinh vật khác. 

Những việc làm cao đẹp ấy không chỉ góp phần trang hoàng ngày lễ thêm phần ý nghĩa, mà còn gieo trồng những hạt giống tốt lành, lan tỏa những giá trị nhân văn, đạo đức trong xã hội.

chọn
Hà Nội sẽ làm Vành đai 3 qua huyện Đông Anh với gần 7.700 tỷ đồng, khởi công cuối 2025
Đường Vành đai 3 TP Hà Nội đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh có tổng chiều dài khoảng 15 km, đi qua 9 xã thuộc huyện Đông Anh, với tổng mức đầu tư gần 7.700 tỷ đồng.