Ba họa sĩ mở triển lãm "Thu" từ trái qua: Vương Duy Khoái, Vũ Thái Bình và Nguyễn Ngọc Tuấn. (Ảnh: NVCC) |
Ba họa sĩ gồm Vương Duy Khoái, Vũ Thái Bình và Nguyễn Ngọc Tuấn đều đã có những triển lãm cá nhân trong và ngoài nước về các tác phẩm của mình. Lần này, họ cùng nhau tổ chức một triển lãm chung với tên “Thu” tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ. Cùng gặp gỡ 3 tác giả và tác phẩm trong triển lãm “Thu” để hiểu hơn về sự tao ngộ này:
- Xin chào nhóm họa sĩ của “Thu”, lí do gì khiến 3 họa sĩ cùng nhau mở triển lãm này?
Chúng tôi gặp nhau bằng sự tình cờ khi cả 3 cùng học trong một ngôi trường Sân Khấu Điện Ảnh ở các khóa học khác nhau. Tuy khác nhau về độ tuổi cũng như thời gian học tập nhưng chúng tôi lại có sự đồng điệu trong quan điểm sáng tác, đều hướng đến sự gần gũi, mộc mạc, chân thực. Vì cùng nhiều điểm chung ấy nên cả 3 đi đến quyết định tổ chức một triển lãm cùng với nhau.
- “Thu” là câu chuyện được kể qua tranh của 3 họa sĩ như thế nào?
“Thu” là nơi hội ngộ của 3 tâm hồn có nhiều điểm chung nhưng ba hoạ sĩ đều có cho mình phương thức, kỹ thuật thể hiện khác nhau để truyền tải ý tưởng của mình. Với họa sĩ Vũ Thái Bình là màu nước và chất giấy dó nhẹ nhàng, Vương Duy Khoái là những chất liệu tổng hợp đầy lạ lẫm. Và với Nguyễn Tuấn là chất liệu sơn dầu. Tham gia triển lãm lần này là 7 bức tranh phong cảnh sơn dầu được chọn lọc trong thời gian vẽ từ những năm 2012 đến nay. Mỗi bức tranh của mỗi tác giả đều có một câu chuyện riêng, khá nhẹ nhàng và lãng mạn.
Hoạ sĩ: Vương Duy Khoái.Tác phẩm: Không gian của phố. Chất liệu: Tổng hợp. Kích thước: 187/106cm |
Tên tranh: Trưa vắng. Kích thước: 75cmx105cm. Chất liệu: Màu nước trên giấy dó. Hoạ sĩ: Vũ Thái Bình |
Tác phẩm: Chiều Bắc Hà, chất liệu: Sơn dầu , kích thước 90/70cm , hoạ sĩ: Nguyễn Ngọc Tuấn |
- Đây là triển lãm thứ mấy của các hoạ sĩ? Các triển lãm trước cho đến triển lãm này có gì khác biệt?
Mỗi hoạ sĩ đều có những con đường phát triển riêng và đã tham gia rất nhiều những triển lãm trong và ngoài nước. Tuy nhiên đây là triển lãm nhóm đầu tiên của 3 hoạ sĩ với nhau. Ngoài mong muốn công bố với khán giả những tác phẩm tốt nhất của mình qua từng giai đoạn, thông qua triển lãm các hoạ sĩ còn mong muốn tạo ra một tiền đề để những anh em hoạ sĩ học trường Sân khấu điện ảnh có điều kiện gắn kết với nhau hơn trong hoạt động nghệ thuật.
- Theo họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn thì gu của một hoạ sĩ thường được cấu thành bởi những yếu tố nào?
Tôi nghĩ là do cách cảm của bản thân trước một vấn đề nào đó: có người thích vẽ thiên nhiên, có người thích vẽ chân dung, có người theo trường phái trừu tượng, có người thì thích tả thực… Bản thân người họa sĩ phải lựa chọn được phong cách mà mình thích nhất và hợp với khả năng của mình nhất, thì đó là tiền đề của “gu”. Trong nghệ thuật nói chung, mỗi người nghệ sĩ đều xác định được “gu” của mình là gì, từ đó phát triển cái “gu” đó lên những tầm cao hơn tiền đề ban đầu, cái này gọi là thành công. Để đạt được điều đó thì người nghệ sĩ cần kiên định với đề tài mình theo đuổi và không ngừng rèn giũa khả năng.
Nhóm họa sĩ phát biểu trong triển lãm. |
- Sau triển lãm, hoạ sĩ trông đợi điều gì ở người xem?
Qua triển lãm khán giả có thể thấy được ngoài những hoạt động chuyên môn nghề nghiệp mà hàng ngày các hoạ sĩ tham gia, thì việc sáng tác tranh vẫn luôn đi song hành với họ, luôn chảy mãnh liệt, không ngừng nghỉ.