15 đi hát lô tô của cô gái chuyển giới: 'Ám ảnh mùa mưa ế ẩm, chỉ mơ một ngày trúng số sẽ bỏ nghề' |
Về đến chợ Bỉm Sơn Thanh Hóa, hỏi chị Thảo My bán quần áo, người dân nơi đây ai cũng chỉ dẫn tận tình. Một người phụ nữ bán hàng hỏi với giọng thân thiện: “Chị Thảo My chuyển giới đó phải không? Dạo này My nhà mình lại nổi tiếng quá.”
Người phụ nữ với khuôn mặt trái xoan, sống mũi cao, miệng không ngừng tươi cười chào hàng: “Em lấy chiếc áo này đi. Chị thấy em mặc đẹp lắm. Chị lấy giá gốc thôi.” Cứ như vậy, chỉ trong vài phút, chị Thảo My đã nhanh chóng bán được 3 cái áo khoác. So với những bức hình trong đám cưới từng gây thất thủ chợ Bỉm Sơn cách đây 6 tháng, chị vẫn đằm thắm như vậy, vẫn giữ cho mình nụ cười rạng rỡ và tự tin.
Chỉ cần đến chợ Bỉm Sơn (Thanh Hóa) hỏi chị Thảo My, ai cũng biết tên. |
Rồi chị quay sang cười chào tôi và nói: “May hôm nay em đến tầm này chứ mọi ngày chị đông khách, không có thời gian nói chuyện với ai.” Chị giao lại việc bán hàng cho 2 người thanh niên khác. Vẫn nụ cười đầy đon đả, chị nói: “Cứ phải thuê người bán hàng. Trước đây, chị có 5 gian hàng mà bây giờ phải thu hẹp bớt, nhường cho họ hàng. Chị bán đông khách lắm, ở đây không ai có thể bán được nhiều như chị.”
Chị khoe sau đám cưới, cuộc sống của chị rất mãn nguyện. Có một người chồng yêu thương hết mình, một đứa con gái xinh xắn kháu khỉnh, cả nhà chồng yêu thương, với chị, chẳng còn gì để cầu mong hơn. Nhưng khi hỏi về những năm tháng quá khứ, giọng chị bất chợt lại trầm xuống. Gần 20 năm tìm lại chính mình, với chị, đó là câu chuyện thật dài của người đàn bà sinh nhầm trong vỏ bọc đàn ông.
Đám cưới của chị Thảo My từng gây sốt trên mạng khi khiến chợ Bỉm Sơn xôn xao. (Ảnh: NVCC) |
Phận "pê đê" những năm 90
“Cuộc đời này khiến chị đâu nghĩ có ngày hôm nay. Nhắc đến chuyện xưa, quả thật chị chưa bao giờ muốn nhớ lại. Kiếp "pê đê" những năm 90 làm gì có được hạnh phúc, chỉ biết sống trong nước mắt, vui vẻ gì cho cam.” - chị bắt đầu bộc bạch.
Sinh năm 1972, là con út trong một gia đình đông anh em, chị Thảo My từng được cha mẹ đặt tên là Hoàng Tuấn Thảo. Chị vẫn nhớ như in những tháng ngày còn nhỏ. Hồi ấy, chưa biết đến hai từ “chuyển giới”, chị chỉ thấy mình sao khác lạ với những người bạn cùng trang lứa và các anh trai trong gia đình.
Chị thích điệu, mê các trò chơi của con gái như nhảy dây, chơi chuyền. Ngày ấy còn quá nhỏ, kinh tế thiếu thốn, cuộc sống thời đó với chị chỉ là nỗi lo cho miếng cơm đủ ăn, manh áo đủ vừa vặn khi trời trở rét.
Chị Thảo My tạo dáng điệu đà. (Ảnh: Mai Linh) |
17 tuổi, chị biết mình mê con trai. Đầu tiên chị chỉ nghĩ đơn thuần là cảm giác quý mến. “Nhìn con trai làng đi qua, chị lại cứ bồi hồi lo lắng. Những năm 80, 90 thì làm gì có biết mình là “pê đê”. Hồi đó, chị còn nghĩ mình bị lệch lạc, lạc loài. Mê trai nhưng chỉ dám giấu trong lòng.”
Sợ người ta cười chê, chàng thanh niên tên Thảo ngày đó vẫn bạo dạn đi tìm hiểu các cô gái. Nhưng tất cả những mối tình đều diễn ra chóng vánh. Biết mình khác biệt nên nhiều lúc, Thảo suy nghĩ: "Thôi ở vậy, chẳng yêu ai hết."
Thấy Thảo dáng người yểu điệu, chưa lập gia đình, người dân xunh quanh đã đồn đại gọi Thảo là "pê đê".
“Người ta kì thị chị ghê lắm. Đi đến đâu họ cũng nói chị là "con pê đê", "đồ ái nam ái nữ", "hai phai", "bóng". Chị tủi thân chứ, nhưng biết sao được. Thời đó, người pê đê thì ít, người dân lại nghĩ đó là thứ rất bệnh hoạn." - Chị Thảo My tâm sự.
Gia đình giục lấy vợ, người ta đến mai mối cho anh chàng ngoài 20 tuổi tên Thảo những cô gái xóm trên làng dưới nhưng cuối cùng chẳng mối nào thành công. Tiếng đồn "anh Thảo là pê đê" cũng khiến chị khó tìm được một cô gái để lấy.
Cũng vì trái tim chỉ thích con trai, biết lấy con gái về mà không yêu được trọn vẹn khiến chị bao lần chần chừ, ngại ngùng đi tìm hiểu.
Ngòai 30 tuổi, chị Thảo My vẫn chưa lấy vợ. Bước chân ra khỏi nhà đi làm, người hàng xóm lại xì xào hỏi: "Mày pê đê hay sao mà không lấy vợ". Nhiều lúc chị chỉ biết trả lời: "Cháu có pê đê đâu, chỉ là chưa tìm được người để yêu." Đôi khi, họ hỏi và bán tán nhiều quá, chị đành im lặng bỏ mặc ngoài tai.
Hàng xóm nói gì về đám cưới của cô dâu chuyển giới được nghìn người đón rước |
Đến trẻ con trong làng thi thoảng nhìn thấy "chú Thảo" lại ồ lên tiếng trêu chọc cười: "Chú Thảo là pê đê chúng mày ơi. Nên chú không lấy được vợ". Cay đắng và đau xót lắm nhưng chị chẳng biết làm gì, chỉ mong sớm lấy một người vợ cho người ta đừng đồn thổi.
"Làng xóm dị nghị nhiều lắm. Họ còn đồn là chị không có chim, bị yếu sinh lý nên không có bạn gái. Đi đâu họ cũng trêu chọc. Nhiều lúc chị thấy thương gia đình vì sinh phải đứa con pê đê".
Chị bảo, thời đó, con trai ngoài 20 đã lập gia đình. Nếu sau 30 tuổi chưa có vợ thì dân làng sẽ đồn là bị bệnh. Ngày ấy chưa có mạng xã hội, cũng chẳng có thông tin nào được cập nhật về người chuyển giới, chị Thảo chỉ biết lén khóc, thương bố mẹ, thương cho chính phận mình. Đi ra ngoài thì bị người ta bàn tán, trở về nhà thấy bố mẹ thở dài não nề, chị cảm thấy cuộc sống này sao cơ cực và khổ sở vậy.
7 ngày quen nhau đã cưới
Đến năm 32 tuổi, chị Thảo mới tìm được vợ. Một người hàng xóm mai mối cho chị với một cô gái kém 12 tuổi.
Quen nhau chưa đầy 7 ngày, chị với người ta đã tiến tới tổ chức đám cưới. Tôi hỏi: "Chị không sợ cuộc đời người phụ nữ kia dở dang sao?". Chị cười buồn nói: "Lúc đó khổ lắm rồi, nếu không lấy vợ thì người ta cứ chì chiết chị suốt mất". Khi đó, chị cũng nói thẳng với cô gái đó rằng: 'Anh chỉ có thể này thôi. Người ta cứ đồn là anh pê đê nhưng không phải vậy đâu. Anh cũng có tuổi rồi nên muốn cưới vợ để ổn định gia đình nhà cửa cho bố mẹ không còn lo lắng. Em thương thì về ở với anh.' Thế là người ta cũng đồng ý."
Chị Thảo My đã từng trải qua cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 3 tháng. (Ảnh: NVCC) |
Đám cưới diễn ra nhanh chóng. Nhưng rồi, cuộc hôn nhân đó chỉ diễn ra được trong vòng 3 tháng. "Chị có yêu người ta vì người ta hiền lành, chất phác. Nhưng chỉ yêu được 50% mà thôi. Nếu là con trai thì chị yêu được 100%. Mình dù là "pê đê" nhưng con gái vẫn yêu được chỉ là không trọn vẹn tình cảm.
Mọi người cứ hay nhầm rằng, người chuyển giới không làm được "chuyện ấy". Thực tế người như chị nhu cầu cao lắm. Với đàn ông thì chị cảm thấy mình đạt được khoái cảm. Với phụ nữ chị chỉ làm đạt được 1 nửa cảm giác đó. Về chuyện chia tay thì do không hợp mà thôi."
Chị vẫn nhớ cái ngày mà chị gọi vợ vào nói chuyện. "Chị với người ta trao đổi thẳng thắn và rõ ràng lắm. Mình lấy người ta về không lo cho họ đủ thì nên để họ đi lấy chồng khác. Chị nói cô ấy rằng: 'Cám ơn em đã lấy anh. Nếu em không thể tiếp tục được hôn nhân thì mình chia tay. Anh giải thoát sớm cho em để em đi lấy chồng.' Rồi cô ấy dọn đồ đạc ra đi. Ngày cô ấy ra đi, chị phải mất một thời gian dài mệt mỏi và suy nghĩ. Vì cưới được 3 tháng, vợ bỏ đi, dân làng người ta cũng dị nghị."
Cũng kể từ ngày chia tay, đến bây giờ, chị Thảo My vẫn chưa từng nghe được tin tức gì về người vợ cũ của mình. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân tan vỡ đó cũng là động lực để chị bắt đầu một cuộc sống thực sự của chính mình. Để rồi, những năm tháng sau này, chị chưa bao giờ hối hận với quyết định phẫu thuật chuyển giới và tìm một người đàn ông yêu thương mình trong nửa cuối của cuộc đời.
(Còn nữa)
4 tháng sống thử của chàng chuyển giới và nàng dị tính: 'Ngày đi làm, tối hẹn hò, mẹ thường xuyên lên thăm'
Ban ngày đi làm, tối hẹn hò đi ăn, thi thoảng được mẹ lên thăm và nấu cơm giúp, cuộc sống của cặp đôi chàng ... |
Hoa hậu chuyển giới đẹp nhất Việt Nam: 'Đã có nhiều người chuyển giới nữ đẹp đến khó tin'
Gương mặt xinh, nụ cười má lúm, đường nét cực kỳ nữ tính, không ai có thể tin được Hoa hậu chuyển giới Hy Sa ... |