Những ngày này, xóm cà phê đường tàu ở phố Phùng Hưng không còn nhộn nhịp du khách. Đây vốn là khu tập thể được Tổng cục Đường sắt xây dựng năm 1956, dành cho công nhân viên của ngành. Dãy nhà cấp bốn nằm trên đoạn đường sắt dài khoảng 2 km, bắt đầu từ đường Trần Phú, chạy song song với phố Phùng Hưng, đến gần Cửa Đông thì "teo" lại, nhà cửa thưa thớt để tàu vào ga Long Biên.
Những mái nhà quay lưng vào phố Lý Nam Đế, ngoảnh mặt ra đường tàu, vách trát bùn, lợp giấy dầu cao xấp xỉ đầu người. Bà Bùi Thị Loan, nguyên là nữ công nhân đường sắt nhớ lại, "những căn nhà như vậy từng là mái ấm mơ ước của công nhân".
Một chiều mưa cuối năm 1967, nữ công nhân Bùi Thị Loan ôm con gái chưa đầy tuổi bước vào căn nhà tập thể Chắn tàu 5A Trần Phú. Tính từ ga Hà Nội đến đoạn này là gác chắn thứ 5, nên người ta vẫn gọi tắt là "tập thể chắn 5".
Căn nhà rộng chừng 8 m2 nhìn ra đường tàu, cỏ dại cao tận đầu. Thứ đáng giá nhất trong nhà, ngoài cái giường cho bốn người là phích nước quà tặng đám cưới.
Bà Loan, 83 tuổi, từng là công nhân đường sắt, đã ở xóm đường tàu hơn nửa thế kỉ. (Ảnh: Giang Huy).
Lúc ấy chị Loan làm công nhân gác chắn, chồng lái tàu Thống Nhất nên thường xuyên vắng nhà. Các cặp vợ chồng ở "tập thể chắn 5" đều thế. Công việc của chị là canh gác chắn ba trạm Nguyễn Thái Học, Điện Biên và Phùng Hưng. Tàu chuẩn bị qua, chị sẽ gõ kẻng, hạ barie xuống để ngăn dòng người qua lại. Ca làm việc kéo dài 12 tiếng, chị chưa bao giờ dám ngủ gật. Những đứa trẻ cũng quen với căn nhà số 30 Phan Bội Châu - vườn trẻ của công nhân đường sắt - hơn là ở nhà với mẹ.
Ca làm việc kết thúc lúc 6h sáng hôm sau, chị Loan trở về khi cả xóm đã thức dậy. Âm thanh vang động vào tai chị là tiếng trẻ con í ới gọi nhau đi xếp hàng, lấy nước ở bể đầu phố Phùng Hưng. Trước cửa mỗi ngôi nhà, người lớn ngồi đánh răng, rửa mặt, súc miệng òng ọc rồi đổ nước ra đường ray trước mặt.
Chập tối lúc đi ca, chị Loan luôn phải nheo mắt tránh khói từ bếp than tổ ong bay ra dọc đường tàu giờ nấu nướng. Nhiều khi, những ông già trong xóm đang ngồi uống nước chè, hút thuốc lào vặt bỗng đứng dậy thu ghế vào nhà. Tàu đi qua, chỉ khoảng mươi phút, rồi tất cả trở lại như cũ.
Những năm chiến tranh, đàn ông trong nhà vẫn biền biệt trên những chuyến tàu. Bà Loan tối đi trực, sáng cầm cuốc ra đào hầm trú ẩn. Cả Hà Nội đã đi sơ tán, nhưng công nhân đường sắt vẫn ở lại. Bà Loan không còn chỗ gửi con nên phải dắt hai đứa trẻ lên 5, lên 3 cùng đi ra trạm gác.
Vợ chồng ông Dũng, bà Mai trong quán cà phê được cơi nới từ nhà tập thể đường sắt. Ảnh: Giang Huy.
Ở cách nhà bà Loan vài bước chân là gia đình ông Dũng, bà Mai. Năm 1979, bạn bè nghe tin Mai sắp lấy chồng là một anh công nhân kiểm tu đường sắt kém một tuổi, liền bĩu môi "Khiếp, chui vào cái xó ấy...". Người ta bỏ lửng câu nói như ngại cô dâu mới chạnh lòng. Con gái 23 tuổi đương son, lại là công nhân Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông lương hơn 200 đồng mỗi tháng, "lấy ai mà chẳng được". Xóm đường tàu khi ấy được xếp vào dạng "ổ chuột" của thủ đô.
Nhà ông Dũng có bốn người đều là công nhân đường sắt. Căn nhà phải cơi nới thêm gác xép cho đôi vợ chồng trẻ. Đêm tân hôn, cô dâu mới không ngủ nổi khi chiếc giường cót ép rung bần bật bởi những chuyến tàu liên tục chạy qua. Buổi sáng mở cửa nhà ra, mùi nước tiểu khai nồng xộc thẳng vào mũi. Cô khiếp vía khi trông ra đường ray dính đầy phân người từ toa tàu xả trực tiếp xuống. Mai xách cái cà mèn cơm độn khoai, nhắm mắt, bịt mũi đi làm.
Những năm bao cấp, ngành đường sắt ít việc, lương thấp, ông Dũng xin nghỉ, rồi qua nhà máy Rạng Đông cùng làm với vợ. Lúc này, nhiều hàng xóm của hai vợ chồng ông Dũng cũng nghỉ việc, xoay sang đạp xích lô, bảo vệ, bán than tổ ong. Sân nhà ông Dũng rộng nhất xóm, được trưng dụng làm bãi đậu xích lô. Làm ở nhà máy Rạng Đông một thời gian, ông cũng nghỉ việc và sắm một chiếc xe ôm, ngày ngày đợi khách ở phố Cửa Nam. Ba năm sau, bà Mai nhận 2 triệu đồng, cũng về nghỉ theo chế độ "một cục". Bà sắm đôi quang gánh, một đầu con nhỏ, một đầu là nồi niêu, bát đũa. Gánh bún đi khắp phố phường, bà Mai vừa bán vừa chạy vì công an đuổi; có lần vấp ngã, nồi nước dùng đổ tóe loe, may mà không đổ vào con.
Xóm đường tàu những ngày chưa mở cửa buôn bán, người dân sinh hoạt ngay trước cửa nhà. (Ảnh: Giang Huy).
Những năm 90, bà Mai mở cửa nhà ra vẫn ngửi thấy mùi nước tiểu, phân người, thêm cả kim tiêm vứt lại. Ban đêm, người ngoài không dám bước chân vào, kể cả công an bắt cướp hay mấy anh thanh niên thích con gái trong xóm. Người lớn đi làm, cấm tiệt trẻ con bén mảng ra đường ray buổi tối. Quầng sáng tù mù từ ngọn đèn bão trong nhà và từ những chuyến tàu Hà Nội – Lào Cai chạy qua lúc nửa đêm là thứ ánh sáng hiếm hoi hắt lên từ nơi này. Bà Loan vẫn nhớ những đêm đông mở cửa, giật thót người khi thấy dăm bảy thanh niên nằm dài trên đường ray hút chích với nhau.
Cư dân xóm đường tàu từng có cơ hội thoát khỏi cuộc sống tạm bợ, khi các đoàn công tác về đo vẽ, cắm mốc, đánh dấu. Dân xóm đường tàu nghe nói Nhà nước chuẩn bị mở rộng khổ đường sắt từ 1 mét lên 1,435 mét. Gia đình bà Mai đã mấy lần ký vào biên bản đo vẽ hiện trạng đất đai, nhà cửa. Vợ chồng chuẩn bị tâm thế được đền bù giải phóng mặt bằng, có nơi ở mới. Nhiều năm sau này, những chuyến tàu vẫn rầm rập chạy ngang qua thềm nhà, nhưng không thấy đoàn đo đạc nào về nữa.
Đến đầu những năm 2000, xóm đường tàu vẫn không có nhiều thay đổi. Những căn nhà tập thể 8 m2 tiếp tục được cơi nới để 2 - 3 thế hệ sống chung một nhà. Không công việc, không lương hưu, không trợ cấp, cuộc sống của họ quanh quẩn với tiếng còi tàu, đầu máy diesel, và định kiến về một nơi "nhếch nhác, đầy tệ nạn".
Cho đến một ngày năm 2014, xóm đường tàu lên báo nước ngoài. Những tờ báo Anh, Mỹ đăng hàng loạt ảnh về những chuyến tàu "kì lạ" chạy ngang qua nhà dân. Khách Tây đến Hà Nội truyền tai nhau lời giới thiệu "Hãy thưởng thức một tách cà phê trứng, trò chuyện cùng những người bạn và cảm nhận rõ tiếng ồn ào những lúc chuyến tàu đi qua xóm nhỏ".
Khu tập thể nhem nhuốc bao năm một ngày "lột xác". Các hộ dân tự bỏ công sức để xóm đường tàu không còn cỏ dại, không một mẩu thuốc lá ngoài đường và lát bê tông trước thềm nhà, xây đường cống nước thải...
Năm 2017, vợ chồng bà Mai sơn lại bức tường đen mốc, thuê họa sĩ vẽ biển hiệu "Ga Đông Dương". Ông Dũng đi mua lại cánh cửa tàu đã hỏng, cái ghế sắt đã vứt trong kho về sơn sửa lại. Căn nhà được trang trí lại như một toa tàu, gợi nhắc ký ức huy hoàng một thời của ngành đường sắt để tạo cảm hứng cho khách đến uống cà phê, ngắm tàu chạy.
Cạnh đó, quán cà phê của con trai bà Loan mỗi ngày cũng đón vài trăm khách. Bà Loan mừng khi sau bao năm thất nghiệp, các con đã kiếm được đồng ra đồng vào. Nhưng, niềm vui ấy kéo dài không lâu do việc người dân và du khách đổ đến khu vực cà phê đường tàu ngày càng đông hơn, đã uy hiếp đến an toàn chạy tàu.
Một tuần trước, lực lượng chức năng lập rào chắn, đứng chốt ở đầu đường Phùng Hưng để "ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt". Bên cạnh tiếng còi tàu và những bánh xe nghiến vào đường ray, nhịp sống hàng ngày ở xóm đường tàu lặng lẽ trở lại.
"Xóm đường tàu" nằm trên trục chính của tuyến tàu quốc gia, chuyển tiếp từ ga Hà Nội đi Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai, qua ga Long Biên. Hàng chục năm nay, đoạn Phùng Hưng – Điện Biên Phủ không chạy tàu vào ban ngày, chỉ chạy chuyến sáng sớm và tối, ngày thứ Bảy và Chủ nhật không chạy tàu về Hà Nội.