Theo thông báo của Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, 19 gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu gồm: Tư vấn lập nhiệm vụ, dự toán khảo sát phục vụ lập thiết kế BVTC; tư vấn thẩm tra nhiệm vụ, dự toán khảo sát phục vụ lập thiết kế BVTC; tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tư vấn thẩm tra hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tư vấn giám sát khảo sát phục vụ lập thiết kế bản vẽ thi công; đo vẽ bản đồ phục vụ giải phóng mặt bằng; khảo sát, lập phương án kỹ thuật, dự toán rà phá bom mìn vật nổ; rà phá bom mìn, vật nổ; giám sát thi công rà phá bom mìn, vật nổ;
Kiểm tra, giám định chất lượng rà phá bom mìn, vật nổ; tư vấn lập hồ sơ mời thầu gói thầu thi công xây dựng; tư vấn lập hồ sơ nhiệm vụ - dự toán xin cấp giấy phép nhận chìm và giao khu vực biển; lập hồ sơ cấp giấy phép nhận chìm và quyết định giao khu vực biển; bảo hiểm công trình; khảo sát, rà quét phục vụ thiết lập vùng đón trả hoa tiêu; khảo sát, rà quét ra thông báo hàng hải; quan trắc, giám sát đánh giá tác động môi trường trong thời gian thi công; tư vấn xây dựng định mức mới, điều chỉnh định mức; kiểm toán.
Tùy gói thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu trong khoảng quý III/2022 - quý III/2025 theo hình thức trọn gói.
Trong diễn biến liên quan, tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 tổ chức ngày 25/6 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh thông tin về 7 dự án trọng điểm thành phố kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, trong đó có dự án đầu tư cảng Liên Chiểu.
Theo ông Minh, cảng Liên Chiểu là một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teu.
Dự án gồm hai hợp phần, gồm: hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công tháng 9/2022 với các hạng mục gồm đê, kè chắn sóng (1.170 m); luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000 DWT (6.000-8.000 Teu); giao thông đường bộ kết nối đến cảng; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng.
Hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44 ha, quy mô hai cầu cảng (750 m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên là đơn vị được giao làm chủ dự án.
Theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, xây dựng cảng Liên Chiểu gắn với phát triển logistics là một trong những động lực tăng trưởng của Đà Nẵng.
Cảng Liên Chiểu có vị trí thuận lợi về độ sâu, thuận tiện về kết nối giao thông: đường sắt (ga đường sắt mới, tuyến đường sắt cao tốc trong tương lai), đường bộ (Quốc Lộ 1A; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan; hành lang kinh tế Đông Tây 2) và kết nối với các khu công nghiệp của thành phố (khu công nghệ cao, khu công nghiệp Liên Chiểu).
Khi đưa vào vận hành, cảng Liên Chiểu sẽ khắc phục các hạn chế về giao thông cắt ngang thành phố, đảm bảo an toàn giao thông đô thị, môi trường du lịch ở khu vực phía đông. Đồng thời, từng bước chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch.