Đã qua khỏi đỉnh đại dịch Covid-19, người Trung Quốc bây giờ đang sống ra sao?

Một tuần từ khi Trung Quốc vượt qua đỉnh dịch Covid-19, nhiều người xuất viện cũng khích lệ người dân rời nhà ra đường. Chính quyền đang tung nhiều biện pháp kích cầu và tái sản xuất.

Sau gần 2 tháng bị cách li với quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt và hạn chế đi lại, cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở Trung Quốc. Công nhân đang trở lại với công việc của họ. Nhân viên y tế bắt đầu biết giấc ngủ là gì, vì số lượng bệnh nhân mới giảm và tình trạng của những người khác được cải thiện.

Ngày 12/3, Ủy ban Y tế Trung Quốc cho biết vụ dịch đã vượt qua đỉnh điểm, các số liệu về ca nhiễm mới đang giảm không ngừng.

Chi hàng chục triệu USD tặng phiếu mua hàng cho người dân

Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin, trường học, nhà máy, không gian công cộng và các điểm đến du lịch đang bắt đầu mở cửa trở lại. Ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hải, chủ yếu nằm trên cao nguyên Tây Tạng, đang có 144 trường trung học và trường trung cấp nghề đã mở cửa, trong khi các địa điểm du lịch ở các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và Quý Châu hoạt động từ tuần này.

Tại Thượng Hải, chính quyền thông báo mở cửa hầu hết các công viên và một số điểm tham quan thu hút, như Vườn Bách thảo Trần Sơn và vườn thú thành phố vào ngày 13/3. Tuy nhiên, du khách phải kiểm tra nhiệt độ khi đến và đeo khẩu trang trong suốt thời gian ghé đây. 

Tương tự, các công viên cũng được yêu cầu kiểm soát số lượng khách, để tránh tình trạng quá tải và giới hạn giờ mở cửa.

Qua khỏi đỉnh dịch Covid-19, người Trung Quốc hiện sống ra sao? - Ảnh 1.

Các địa điểm công cộng của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại. (Ảnh: New York Post).

Một số bảo tàng trong thành phố cũng đã mở cửa trở lại, với các điều kiện kiếm dịch tương tự. Tất cả du khách phải đặt vé trực tuyến, được kiểm tra nhiệt độ khi đến và dành không quá hai giờ tại địa điểm đã chọn. Ngoài ra, số lượng khách tham quan hàng ngày được giới hạn ở mức 2.000 cho Bảo tàng Thượng Hải, 3.000 cho Bảo tàng Lịch sử và 5.000 cho Bảo tàng Nghệ thuật Trung Quốc.

Trong khi các địa điểm thể thao ngoài trời được phép mở cửa trở lại, bể bơi trong nhà, phòng tập thể dục, tòa án và trung tâm yoga vẫn phải đóng cửa. Chính quyền Thượng Hải cho biết thêm rằng tất cả các cuộc thi thể thao vẫn bị trì hoãn.

Trong khi đó, các nhà chức trách ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, cho biết họ đang lên kế hoạch tặng phiếu mua hàng tổng trị giá 45,3 triệu USD, có thể đổi tại các nhà hàng, trung tâm mua sắm, địa điểm thể thao và đi du lịch, để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng.

Trong một động thái tương tự, các công chức ở quận Tần Hoài của thành phố thông báo trong tuần này họ sẽ chi ít nhất 100 nhân dân tệ cho người dân, mỗi lần người dân ghé thăm một cửa hàng hoặc nhà hàng, để giúp các công ty vượt qua thời điểm khó khăn này.

Truyền thông ở Nam Kinh thậm chí đã công bố một bức ảnh của Trương Cảnh Hoa, Bí thư thành phố, ngồi ăn trong một nhà hàng tại điểm thu hút khách du lịch Đền Khổng Tử. Ông kêu gọi công chúng đóng vai trò của họ trong việc nối lại các hoạt động và làm hồi sinh thành phố.

Qua khỏi đỉnh dịch Covid-19, người Trung Quốc hiện sống ra sao? - Ảnh 2.

Chính quyền Nam Kinh tặng phiếu mua hàng cho người dân để kích cầu và tái sinh thành phố. (Ảnh: SCMP).

Ở nhiều thành phố của Hồ Bắc, các dịch vụ giao thông công cộng đang dần được khôi phục, và các công ty trong một số lĩnh vực nhất định được phép tiếp tục hoạt động sau nhiều tuần đóng cửa.

Chính quyền tỉnh cũng đã đưa ra một mã 3 màu, để kiểm soát việc đi lại của người dân. Những người được mã hóa màu xanh lá cây được di chuyển tự do, những người được mã hóa màu vàng không thể đi khỏi tỉnh, và những người trong nhóm màu đỏ phải ở lại cách li.

Trong khi đó, người dân ở Bắc Kinh được thông báo rằng họ sẽ không được phép tụ tập thành các nhóm lớn trong lễ Thanh minh vào tháng tới. Tối đa 3 người mỗi ngày được phép đến thăm mỗi ngôi mộ.  Tất cả du khách phải nộp thẻ ID cũng như trải qua bước kiểm tra nhiệt độ nếu muốn vào thủ đô.

Xin phép được trở về Hồ Bắc

Việc nới lỏng một số hạn chế đi lại cũng đồng nghĩa với việc được trở về quê hương đối với một số cư dân của tỉnh Hồ Bắc, những người đã bị mắc kẹt trong nhiều tuần. Một trong số họ là Ngô Hải Kiện. 

Hàng năm, người nuôi ong 36 tuổi đến Vân Nam vào cuối tháng 11, để nuôi ong mật, trở về vào đầu tháng 3, khi vùng ruộng xung quanh quê hương anh được trải thảm hoa cải vàng. Nhưng năm nay thì khác, một tỉnh gần 60 triệu người đã bị cách li chỉ vì virus corona.

Anh Ngô và những người bạn của mình đều bị mắc kẹt ở Vân Nam từ khi có lệnh cách li. Đến giờ, họ bắt đầu gọi cho chính quyền địa phương, xin phép được trở lại Hồ Bắc, từ ngày 1/3.

"Chúng tôi đã gọi điện thoại mỗi ngày, đến nỗi các quan chức địa phương đã không nhấc máy khi họ nhìn thấy số của chúng tôi", ông nói.

Phê duyệt cuối cùng đã được cấp vào ngày 9/3, và anh Ngô, được trang bị giấy chứng nhận sức khỏe từ Vân Nam và thư chấp nhận được cung cấp bởi chính quyền ở Hồ Bắc, đã lên đường trong chiếc xe tải chở hơn 150 tổ ong vào tối hôm đó. "Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều. Cuối cùng, tôi đã được trở về nhà", anh chia sẻ.

Sự chậm trễ này đã tiêu tốn của anh 4.300 USD, vì 1/10 số ong của anh đã bị nhiễm độc thuốc trừ sâu, điều mà anh sẽ tránh được nếu quay trở lại Hồ Bắc, khi nông dân của Vân Nam bắt đầu phun thuốc ra cánh đồng cải dầu của họ.

Qua khỏi đỉnh dịch Covid-19, người Trung Quốc hiện sống ra sao? - Ảnh 3.

Việc kiểm dịch trong quá trình đi lại vẫn được thực hiện gắt gao tại Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Cũng trong tuần trước, Vương Phát Cơ, một công nhân nhập cư ở Quảng Châu, đã đi xe buýt đến đô thị phía Nam từ quê nhà của anh ở Quý Châu, một khu vực nghèo đói ở phía Tây Nam Trung Quốc. Công nhân xây dựng 26 tuổi đã làm việc xa quê trong 4 năm qua, chỉ được về quê mỗi năm một lần trong Tết Nguyên Đán, và quay trở lại làm việc vào Tết Nguyên tiêu.

Năm nay, vì dịch Covid-19, anh Vương ở nhà thêm một tháng không có gì để làm, và không có thu nhập. Trong khi ở nhà, anh chỉ làm hai việc: tra cứu thông tin về công việc ở Quảng Châu cũng như các biện pháp kiểm dịch ở quê nhà, đòi tiền ông chủ cũ của anh với 4.800 nhân dân tệ lương chưa trả từ 2 năm trước.

Qua khỏi đỉnh dịch Covid-19, người Trung Quốc hiện sống ra sao? - Ảnh 4.

Dù mất việc hơn tháng qua nhưng nhiều người vẫn lạc quan trước tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát. (Ảnh: SCMP).

"Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi, nhưng không nghiêm trọng", anh nói. 

Mặc dù anh Vương đã mất tiền lương một tháng, anh vẫn cho rằng đó là điều có thể chấp nhận được, và đã ca ngợi công việc của chính phủ trong việc nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của virus. 

"Tôi cảm thấy ấn tượng với những hành động nhanh chóng của chính phủ về vấn đề này", anh Vương ca ngợi.

Mạnh Nguyệt Thuý, 51 tuổi, người làm tạp vụ ở Bắc Kinh trong hơn 10 năm qua, cho biết những người trong ngành dịch vụ, đặc biệt là chủ nhà hàng, đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi vụ dịch.

Bà Mạnh cho biết bà đã may mắn tiếp tục được người chủ của mình trả tiền khi bị cách li ở quê nhà, chờ đợi chính quyền nới lỏng các hạn chế, và thông báo rằng mọi người có thể trở lại làm việc. 

"Một số đồng nghiệp của tôi kém may mắn hơn và mất việc trong những tuần cách li. Trong ngành của chúng tôi, việc thường xuyên phải tìm kiếm việc làm là rất phổ biến", bà nói.

"Khi bệnh nhân được xuất viện, cũng là lúc chúng tôi được trở về nhà"

Anh Vương và bà Mạnh nằm trong số 173 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc, di cư từ các vùng nông thôn đến làm việc tại các thành phố lớn hơn. Khi ngày càng có nhiều thành phố, bao gồm một số thành phố ở Hồ Bắc, dỡ bỏ các hạn chế và cho phép một số công ty tiếp tục làm việc, chính quyền địa phương tại các trung tâm sản xuất đã thuê xe buýt, xe lửa và máy bay để đưa công nhân trở lại.

"Mặc dù đã có các biện pháp giúp người lao động nhập cư quay trở lại các nhà máy, khoảng một nửa trong số họ vẫn chưa đi làm", Nguỵ Bá Cương, một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết.

Dữ liệu chính thức cho thấy, hoạt động nhà máy của Trung Quốc bị đình trệ thậm tệ. Chỉ số quản lí mua hàng chính thức cho lĩnh vực sản xuất giảm xuống mức thấp kỉ lục 35,7 trong tháng 2, giảm 14,3 điểm so với tháng 1.

Nhưng có những dấu hiệu đáng khích lệ rằng cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Ngày 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đầu tiên tới Vũ Hán kể từ khi dịch corona bùng phát. Đó là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã gần như chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Qua khỏi đỉnh dịch Covid-19, người Trung Quốc hiện sống ra sao? - Ảnh 5.

Sự xuất hiện của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Vũ Hán là niềm lạc quan lớn cho người dân. (Ảnh: Xinhua).

Đối với các nhân viên y tế đã chiến đấu với virus ở Vũ Hán, đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy ngày họ có thể trở về nhà của mình đang đến gần.

Thiên Khê, 33 tuổi, tình nguyện viên của Quỹ phát triển xanh và bảo tồn đa dạng sinh học Trung Quốc tại Bắc Kinh, đã đến Vũ Hán vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, hai ngày sau khi thành phố bị cách li.

Anh đã giúp các tổ chức cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện, 5 lần một ngày trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, cũng như chở bệnh nhân và bác sĩ đến bệnh viện và giao khẩu trang cho cư dân. Trong những tuần qua, anh Thiên đã chứng kiến những người tuyệt vọng nhảy cầu trước mặt mình, và những bệnh nhân chết nằm hàng giờ trong bệnh viện vì không có ai để xử lí họ.

"Tình hình trong tuần qua rõ ràng đã tốt hơn, khi chúng tôi nhận được ít yêu cầu giúp đỡ hơn. Bây giờ trận chiến đã đi đến hiệp hai, và tôi hi vọng nó có thể kết thúc sớm", anh Thiên nói.

Qua khỏi đỉnh dịch Covid-19, người Trung Quốc hiện sống ra sao? - Ảnh 6.

Cô Lí và nhiều nhân viên y tế đã xa nhà hơn 2 tháng nay, từ khi có dịch virus corona xuất hiện. (Ảnh: SCMP).

Mary Lí, một y tá 32 tuổi đến từ Nam Kinh, đã làm việc ở Vũ Hán được gần một tháng. Cô và các đồng nghiệp chăm sóc 70 giường trong Bệnh viện Vũ Hán số 1, thay ca mỗi 4 giờ.

Trước khi đi vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt, họ đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, gồm mũ, khẩu trang, kính bảo hộ và nilong bao bọc giày của họ. Trong vài ngày đầu tiên, họ khó thở và các vết đeo khẩu trang in sâu vào mặt.

Nhưng mọi thứ đang trở nên tốt hơn. Vào ngày 10/3 vừa qua, 32 bệnh nhân đã được xuất viện, trong khi một số bệnh nhân nguy kịch không còn cần máy thở và cảm giác thèm ăn của họ đã được cải thiện. 

"Khi bệnh nhân được xuất viện, cũng là lúc chúng tôi được trở về nhà", cô Lí vui mừng.