Các nhà máy của Trung Quốc đã hoạt động trở lại được một tháng sau khi kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài miên man để đối phó với sự bùng phát của virus corona mới. Nhưng việc thiếu công nhân đã ngăn nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu quay trở lại quỹ đạo thường có.
Asian Nikkie Review đưa tin, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà sản xuất khởi động lại hoạt động kể từ cuối tháng trước, để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên mức độ cao trong nền kinh tế, như ô tô, thiết bị điện tử, cũng như đóng tàu và máy bay.
Các công ty đã chú ý đến lời kêu gọi, 16 nhà sản xuất ô tô hàng đầu đã hoạt động trở lại tại 84% các nhà máy của họ kể từ ngày 3/3. Hơn 90% các công ty đóng tàu đã nghe tiếng gõ đinh vào cuối tháng trước tại tỉnh Chiết Giang, trung tâm đóng tàu của Trung Quốc, với tỉ lệ nhân viên làm việc khoảng 60%.
Một cuộc khảo sát của liên minh thương mại Made-in-China.com cho thấy, vào cuối tháng 2, có 80% các công ty sản xuất đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy đang hoạt động với công suất hạn chế, vì quy định cách li và hạn chế giao thông của chính phủ khiến công nhân khó ra khỏi nhà. Nhà cung cấp lớn của Apple, Foxconn, tuần trước cho biết họ chỉ có khả năng đáp ứng chỉ hơn 50% nhu cầu.
Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc nói chung đã hoạt động với khoảng 30% công suất vào cuối tháng trước. Tại các nhà máy hoạt động theo lịch trình hai ca (8-14h và 14-22h), chỉ hoạt động được một ca làm việc duy nhất. Một số nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của vụ dịch, vẫn chưa mở cửa.
F-Tech chi nhánh của Honda Motor, bắt đầu hoạt động trở lại tại nhà máy phụ tùng ở Trung Sơn từ giữa tháng 2, nhưng nhà máy vẫn chỉ hoạt động với công suất khoảng 10% đến 20%. "Chúng tôi mở cửa nhưng không kinh doanh gì cả, vì đơn hàng đã giảm và chúng tôi không biết khi nào chúng tôi sẽ sản xuất lại", công ty cho biết.
Các nhà máy Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào lao động nhập cư từ các vùng nông thôn. Từ sau Tết với lệnh phong toả nhiều địa phương phòng dịch Covid-19, chỉ 60% công nhân trở lại làm việc tính đến ngày 7/3, theo chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở tỉnh Hồ Bắc vẫn chủ yếu bị cấm hoạt động trở lại, ngoại trừ những doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ như bảng hiển thị và chất bán dẫn. Nhà sản xuất bảng điều khiển China Star Optoelect Electronic Technology đã duy trì sản xuất ngay cả trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, vì có sự cho phép đặc biệt từ chính quyền địa phương.
Huawei Technologies đã mở lại các nhà máy của mình vào ngày 3/2, vì Bắc Kinh coi thiết bị viễn thông là cơ sở hạ tầng quan trọng.
Với ngành công nghiệp ô tô, Vũ Hán được biết đến như một trong những 'Detroits' của Trung Quốc, chiếm gần 10% số xe được sản xuất trong nước và là "tổ ấm" của hàng trăm nhà cung cấp phụ tùng. Nhưng từ khi Vũ Hán bùng phát Covid-19, thành phố này trở thành "tổ dịch" trong mắt nhiều nhà sản xuất.
Các nhà máy không thiết yếu ở Vũ Hán và các thành phố khác trong tỉnh Hồ Bắc vẫn bị phong toả ít nhất cho đến cuối tuần này. Một số nhà máy nộp đơn xin mở cửa lại vào 11/3, nhưng theo nguồn tin của Reuters, chính bản thân họ cũng không rõ liệu có đủ nguyên liệu thô hay công nhân để trở lại hoạt động bình thường hay không.
Tại một số thành phố, khi một công nhân bị nhiễm bệnh, toàn bộ nhà máy nơi đó cần phải ngừng hoạt động.
Theo đại diện Honda Motor, ở Vũ Hán, điều đó chưa được làm rõ. Hãng xe này đang có trung tâm sản xuất cùng hơn 100 nhà cung cấp ở Vũ Hán và khu vực lân cận. "Bạn không biết điều gì sẽ xảy ra với nhà máy của mình trong thời gian sắp tới, cho đến khi bạn báo cáo trường hợp nhiễm bệnh cho chính quyền. Lúc đó, bạn đã chắc chắn điều gì xảy ra, là nhà máy của bạn sẽ bị đóng cửa. Thật khó để sống với sự lưỡng lự đó khi bạn đang điều hành một nhà máy lớn", ông chia sẻ với Reuters.
Các nhân viên đã báo cáo trở lại làm việc tại trung tâm sản xuất Trung Quốc khác của Honda, tại thành phố Quảng Châu vào ngày 10/2, và sản xuất một phần được khởi động lại vào ngày 17/2. Sản xuất của Honda tại Trung Quốc vẫn còn dưới mức công suất, do thiếu hụt nhân sự và sự chậm trễ hậu cần.
Honda dự kiến sẽ mở lại trung tâm Vũ Hán trong tuần này hoặc bất cứ khi nào chính quyền cho phép. Nếu đúng lộ trình, hai trung tâm sản xuất tại Trung Quốc của Honda có khả năng sản xuất 1,2 triệu xe mỗi năm, tương đương hơn 20% tổng sản lượng toàn cầu của công ty.
Giống như các nhà sản xuất khác ở Vũ Hán, các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng vừa gắt gao triển khai công tác phòng dịch, vừa kiểm soát sức khoẻ công nhân và vừa xin giấy phép đi vào thành phố cho các xe tải chở nguyên, nhiên liệu. Ông Yohei Shinoda, Giám đốc nhân sự của Kasai Kogyo, đang "đầu tắt mặt tối" như thế. Công ty của ông là một công ty Nhật Bản với 4 nhà máy tại Trung Quốc, sản xuất cửa và nội thất cho Honda và các nhà sản xuất ô tô khác.
"Ngay cả khi chúng tôi muốn tiếp tục sản xuất, chúng tôi không thể có các nguyên liệu cần thiết do sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Quan trọng hơn, chúng tôi phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự tại các nhà máy của mình", ông nói thêm.
Một công ty nước ngoài nói với Reuters, việc vận tải giữa các thành phố vẫn còn là một vấn đề lớn. "Chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn để có được các bộ phận từ các nhà cung cấp thượng nguồn và tương tự, khi gửi thành phẩm của chúng tôi đến các nhà máy thực hiện công đoạn tiếp theo ở các thành phố khác", người này giải thích.
Không chỉ gặp khó khăn trong nước, Bloomberg còn chỉ rõ việc virus corona đang lan mạnh sang các nước khác cũng làm khó Trung Quốc. Giờ đây, nhu cầu từ các đối tác thương mại lớn nhất của họ trên khắp thế giới sẽ tuột không phanh.
Các công ty sản xuất trên khắp Trung Quốc nói với Bloomberg rằng họ gần như có thể tiếp tục sản xuất ngay lập tức, vì dịch Covid-19 trong nước đang diễn biến chậm lại. Nhưng hiện họ đang phải đối mặt với tình trạng các đơn đặt hàng bị hủy và ít cơ hội hơn để có được khách hàng mới, khi corona đang bám vào nhiều nước khác.
"Chúng tôi thực sự lo lắng hơn về sự phát triển của dịch bệnh ở châu Âu và Hoa Kỳ, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa của họ", Mark Ma, chủ sở hữu của Seabay International Freight Forwarding, công ty phụ thuộc vào thị trường Âu - Mỹ đến 80% trong hoạt động kinh doanh của mình. Thị trường này chiêm tới khoảng 1/3 hàng hóa mà công ty bán trên Amazon.
"Các nhà sản xuất của Trung Quốc không có vấn đề gì khi nhận đơn đặt hàng và sản xuất ngay lập tức, nhưng vấn đề chính bây giờ là dịch bệnh ở nước ngoài như thế nào mà thôi", ông khảng định.
Nhu cầu yếu hơn từ các thị trường phát triển hiện đang có rủi ro mới đối với sự khởi động lại của kinh tế Trung Quốc. Ngày trước, Trung Quốc bùng phát dịch, thế giới bị vỡ chuỗi cung ứng. Đến nay, Trung Quốc dần hồi phục, lại đến nguồn tiêu thụ thế giới bị đảo lộn bởi Covid-19. Trong vòng lẩn này, Bloomberg dự tính kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại đến 2,7 nghìn tỉ USD.
"Vòng tuần hoàn cung cầu đang bị khủng hoảng", Trinh Nguyễn, nhà kinh tế cấp cao tại Hồng Kông của Natixis nhận định. Vị này nói thêm: "Khi Trung Quốc phục hồi và nối lại chuỗi cung ứng của mình, nó sẽ bị ảnh hưởng bởi cú sốc khi nhu cầu ngày càng giảm giữa một thế giới ngày càng nhiều người nhiễm bệnh".
Gần 81% trong số 2.552 công ty Trung Quốc tham gia thương mại đã hoạt động trở lại, theo một cuộc khảo sát của cơ quan hải quan công bố hôm 7/3. Trong tháng 2, doanh số bán hàng ở nước ngoài của Trung Quốc giảm hơn dự kiến, 17,2% tính theo đồng đô la.
David Nhĩ điều hành một công ty có trụ sở tại Nam Kinh mua bánh xe hợp kim nhôm từ các nhà sản xuất Trung Quốc và xuất khẩu chúng cho các cửa hàng bán lẻ của Mỹ. Ông đã lên kế hoạch giới thiệu các sản phẩm của mình tại Inspired Home Show ở Chicago vào giữa tháng 3 nhưng triển lãm đã bị hủy bỏ vào tuần trước.
"Tôi đã đặt khách sạn, vé máy bay và một gian hàng. Mọi thứ đã sẵn sàng. Nhưng nhìn thấy tình hình ở Mỹ, tôi bắt đầu cảm thấy sợ khi đi công tác", ông nói.
Tịnh Viễn là CEO của một công ty sản xuất tụ điện, một phần quan trọng của bảng mạch điện tử, ở tỉnh An Huy. Ông nói rằng công ty của ông đã hoàn toàn hoạt động trở lại kể từ cuối tháng 2, nhưng các nhà cung cấp nguyên liệu thô ở Hàn Quốc đã tăng giá 50% và thời gian giao hàng đã tăng hơn gấp đôi. Hàn Quốc là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona bên ngoài Trung Quốc, với hơn 7.000 trường hợp.
Liên minh thương mại Made-in-China.com dự đoán, đến cuối tháng 4, năng lực sản xuất của nước này sẽ trở lại bình thường. Nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng xấu bên ngoài Trung Quốc, một lần nữa, đặt các doanh nghiệp nước này vào thế khó.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020